+
Aa
-
like
comment

Giấc mơ của cô – trò nơi điểm cao đến nỗi người bán nước, bán gas chê không tới

20/11/2020 12:15

Ngày Hiến chương Nhà giáo 20/11 năm nay, thầy cô giáo vùng bão, lũ không mơ được nhận quà, tặng hoa…, họ chỉ mong sao những mái trường nhanh được sửa chữa để học sinh trở lại, ổn định học hành.

Câu chuyện của giáo viên gieo chữ trên đỉnh Cu Vơ (xã Hướng Linh, huyện Hướng Hoá, tỉnh Quảng Trị) là một “nốt trầm” khiến nhiều người phải xót xa trong ngày Nhà giáo Việt Nam.

Điểm trường ít ai muốn đến

Giữa cuối tháng 11, từ TP.Đông Hà, tôi theo quốc lộ 9 và đường Hồ Chí Minh nhánh Tây, vượt hơn 80km để đến điểm Trường mầm non Cu Vơ, thuộc Trường mầm non xã Hướng Linh – một trong những điểm trường nằm ở nơi cao nhất huyện Hướng Hoá, tỉnh Quảng Trị.

Giấc mơ của cô – trò vùng bão, lũ - Ảnh 1.
Cô Huyến đang dạy học ở điểm Trường mầm non Cu Vơ. Ảnh: Ngọc Vũ

Đường đến Cu Vơ ngoằn nghèo, khúc khuỷu, nhất là từ chân núi Cu Vơ lên đến đỉnh, đi xe máy phải cài số một. Những ai vững tay lái phải “bò” khoảng 15 phút mới đến nơi. Sau trận mưa lũ lịch sử hồi tháng 10, đường lên Cu Vơ càng thêm nguy hiểm, bởi bên núi, bên vực sâu thăm thẳm. Chỉ cần sơ xẩy tay lái có thể mất mạng bất cứ lúc nào, chưa kể ẩn hoạ sạt lở đất chực chờ mỗi khi mưa đến.

Đứng ở đỉnh Cu Vơ, phóng tầm mắt có thể bao quát một khoảng không rộng lớn.

Điểm Trường mầm non Cu Vơ chỉ có 1 phòng học, 1 phòng bếp và phòng vệ sinh, nằm trên diện tích vỏn vẹn khoảng 100m2. Quanh điểm trường là những căn nhà sàn thưa thớt, sập xệ, nghèo nàn của đồng bào Vân Kiều.

Điểm trường có 30 học sinh, trong đó 29 học sinh từ 3-5 tuổi, 1 học sinh 2 tuổi. Nơi đây, cô giáo Lê Thị Huyến (SN 1987, trú thôn Tân Linh, Hướng Tân, Hướng Hoá) đang miệt mài gieo chữ.

Dáng người nhỏ bé, giọng nói hiền từ, cô Huyến cho hay, trừ buổi trưa, ở Cu Vơ sương mù, gió lạnh cả ngày bao phủ.

Giấc mơ của cô – trò vùng bão, lũ - Ảnh 2.
Cô Huyến ân cần dạy học trò tập hát. Ảnh: Ngọc Vũ

Dậy từ sáng sớm để đưa con trai Phạm Văn Gia Huy đến lớp 1, Trường Tiểu học và THCS Hướng Tân học. Sau đó, cô Huyến tức tốc vượt đèo dốc đến điểm trường Cu Vơ trước 7h để đón học trò.

Nơi đây, phụ huynh suốt ngày lên nương, chăm chỉ làm ăn nhưng khí hậu quá khắc nghiệt khiến việc nuôi trồng không thuận lợi, cái nghèo mãi đeo bám. Bởi vậy, những đứa trẻ không có đủ áo ấm, cơm ăn. Dù lạnh nhưng nhiều em phải mặc áo quần cộc, đi chân đất đến lớp. Thương trò, cô Huyến cùng giáo viên toàn trường phải vận động, xin quần áo cũ, dày dép cho các em.

“Học sinh nơi đây chưa bao giờ chê quần áo cũ, bởi với các em, có cái mặc để giữ ấm là tốt lắm rồi” – cô Huyến tâm sự.

Cô Huyến kể, kinh phí phân bổ cho trường có hạn nên đầu năm học mới, giáo viên phải bỏ tiền túi, xin thêm các mạnh thường quân để sửa chữa, trang trí phòng học.

Tháng 8 vừa rồi, thấy trường mốc meo, cô Huyến cùng đồng nghiệp dạy ở điểm Cu Vơ là Lê Thị Ngọc An phải đi xin và bỏ tiền túi mua 3 thùng sơn rồi tự tay sơn lại điểm trường.

Tháng 9 năm nay, mái tôn lại bị gió lớn thổi bay, hư hỏng. Nhà trường mua tôn nhưng không tìm được thợ, chồng và em trai cô Huyến đã tự nguyện vác tôn vượt đèo dốc đưa lên điểm trường Cu Vơ sửa lại cho đỡ dột nát.

Giấc mơ của cô – trò vùng bão, lũ - Ảnh 3.
Cô Huyến ứa nước mắt bên tấm tôn bị giật bay khỏi mái phòng học ở điểm trường mầm non Cu Vơ. Ảnh: Ngọc Vũ

Siêu bão số 10 vừa qua, mái trường lần nữa bị giật bay, nước tràn vào phòng học. Lúc tôi đến, lớp học vẫn ướt nhem nhúa, cô trò phải ngồi nép vào góc nhỏ – nơi còn khô ráo để dạy và học.

Nhìn tấm tôn bị gió giật bay khỏi mái văng ra sân trường, cô Huyến hai hàng nước mắt.

Dẫn tôi thăm phòng bếp nhỏ tầm 15m2, cô Huyến chỉ vết nứt toác trên tường và mái tôn rung bần bật, chực chờ bị thổi bay trước gió mạnh.

Giấc mơ của cô – trò vùng bão, lũ - Ảnh 4.
Phòng bếp của điểm trường mầm non Cu Vơ bị nứt toác. Ảnh: Ngọc Vũ

Không có cô nuôi trẻ, cô Huyến và cô An phải phân công nhau nấu nướng. Sáng sớm, cô An đến chợ lấy thức ăn, chở lên điểm trường, còn cô Huyến đến trường trước để đón học trò. Trưa, hai cô thay nhau giữ trẻ và nấu ăn cho học sinh.

Phòng bếp phục vụ 30 học sinh nhưng chỉ có một nồi cơm điện, một nồi điện (dạng nồi nấu lẩu) và vài cái xoong nhỏ.

“Nồi cơm điện nấu đủ, còn nồi lẩu phải dùng chung, nấu món này xong thì cho ra chậu, ra dĩa rồi nấu món khác” – cô Huyến cho hay.

Giấc mơ của cô – trò vùng bão, lũ - Ảnh 5.
Một nồi điện (dạng nồi nấu lẩu) dùng chung để nấu món này qua món khác. Ảnh: Ngọc Vũ

Tôi hỏi, sao các cô không dùng bếp gas cho tiện, còn đề phòng mất điện?. Cô Huyến buồn bã cho biết, ở điểm Cu Vơ phải dùng nước lọc đóng bình loại 20 lít/bình để uống. Nhưng nơi đây quá cao, đi lại khó khăn nên không ai chở nước lên bán. Mỗi bình nước lọc ở chân núi có giá 12.000 đồng đến 15.000 đồng, khi lên tới đỉnh Cu Vơ giá gấp đôi nhưng không ai muốn chở lên vì bị lỗ tiền xăng. Bởi vậy, cô Huyến và cô An phải đánh liều, dùng xe máy, chân yếu tay mềm, mỗi lần chở một bình nước lọc lên điểm trường cho học trò uống. Dùng bếp gas thì phải đổi bình gas, vì lý do tương tự nên không ai chở lên bán. Khi mất điện, các cô phải dùng bếp củi để nấu ăn.

Vượt khó gieo chữ và nỗi lòng nặng trĩu

Cô Huyến tâm sự, lúc đầu mới nhận công tác ở điểm trường Cu Vơ, hàng ngày phải leo đèo dốc nguy hiểm khiến cô rất sợ. Những ngày mưa, đường trơn trượt, núi sạt lở, cô đành bỏ xe máy bên đường, đi bộ đến trường. Lo lắng nhất là chiều muộn, sương mù dày đặc, mưa lớn, gió rít từng tiếng rợn người và dốc cao như muốn xô ngã người đi.

Giấc mơ của cô – trò vùng bão, lũ - Ảnh 6.
Mái tôn ở điểm trường mầm non Cu Vơ bị gió bão giật bay, gây dột phòng học. Ảnh: Ngọc Vũ

Bởi những nguy hiểm chực chờ, đi giữa đường, đôi khi cô Huyến cảm thấy nản lòng, muốn bỏ cuộc. Thế nhưng, khi đến lớp, nhìn những nụ cười, ánh mắt thơ ngây, nhìn những “đứa con” đang cần con chữ, cô Huyến không thể cầm lòng, lại tiếp tục xứ mệnh gieo chữ của mình.

Học sinh nơi đây tiếp thu bài khá chậm, bởi các em còn yếu tiếng Kinh. Vì vậy, khi giảng dạy, cô Huyến phải nhẫn nại, tìm nhiều cách để các em nhớ bài. Những ngày mưa, một số học trò nhà ở xa không được bố mẹ đưa tới lớp, cô Huyến phải mò mẫm đến từng nhà, chở các em đi học.

“Nơi đây, giáo viên vừa dạy cho trò, vừa phải động viên, đả thông tư tưởng cho cha mẹ các em về sự quan trọng của việc học là để có con chữ, có tương lai về sau” – cô Huyến tâm sự.

Cô Huyến mong rằng, điểm trường Cu Vơ sớm được sửa chữa, chấm dứt tình trạng thấm dột để học sinh yên tâm học tập. Điều cô ước ao nữa là, có mạnh thường quân tặng điểm trường máy lọc nước, một bếp từ (bếp điện), vài cái xoong và tủ lạnh để tiện cho việc nấu nướng, phục vụ học sinh.

“Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11 năm nay, tôi không cần hoa, quà, mà điều mong muốn nhất là điểm trường được khang trang, tạm đủ dùng, các em học sinh đủ ấm để đến lớp học hành để có tương lai tươi sáng” – cô Huyến chia sẻ.

Còn điều mà tôi nói rằng, cô Huyến chịu nỗi đau rất lớn, đó là nỗi đau mất chồng, mất em trai.

Ngày 7/10 vừa qua, trời Hướng Tân mưa lớn, nước đổ dồn về lưu vực hồ thuỷ điện Quảng Trị. Nơi đây, có một con đập cao 5 mét vừa được xây dựng. Khi chồng cô Huyến là P.V.N (SN 1985) và em trai cô là L.Q.H (SN 1992) đang chèo đò ở thượng nguồn con đập thì đập bị vỡ. Sự chênh lệch độ cao mặt nước ở thượng lưu và hạ lưu của đập tạo nên một lực hút lớn, cuốn trôi hai người thân của cô Huyến. Một tuần sau, thi thể của họ mới được tìm thấy, nỗi đau chồng chất.

Giấc mơ của cô – trò vùng bão, lũ - Ảnh 7.
Cô Huyến và con trai 6 tuổi ngồi buồn ở nơi chồng bị cuốn trôi. Ảnh: Ngọc Vũ

Dẫn tôi đến nơi chồng và em trai bị nước cuốn, cô Huyến nước mắt lưng tròng, còn Gia Huy – con trai cô lay lay tay mẹ hỏi rằng “ba đi đâu sao lâu về vậy mẹ”?

Câu hỏi của đứa con 6 tuổi khiến nỗi đau của cô Huyến càng thêm quặn thắt và thêm nỗi ưu tư. Chồng mất, cô dạy ở Cu Vơ, rất khó có thời gian đưa đón con đến trường, phải nhờ xóm giềng giúp đỡ. “Nhưng nhờ mãi sao được. Giá như!” – cô Huyến ứa nước mắt.

Tạm chia tay cô Huyến khi trời đã về chiều, lòng tôi day dứt, nhớ mãi đôi mắt của cô giáo, người đàn bà goá phụ với bao tâm tư về gieo chữ ở Cu Vơ và nặng gánh gia đình. Tôi chợt hiểu vì sao cô Huyến nói giá như, vì sao nhìn tấm tôn bị gió cuốn bay ở sân trường cô lại khóc. Tôi nguyện cầu, cô Huyến sớm tìm ra cách nào đó để toàn vẹn đôi đường.

Minh Nhật/DV

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều