Giấc mơ Anh của người Việt và những kết cục bi thảm dọc đường
Đi tìm mẹ, kiếm tiền cho chị chữa ung thư, nuôi con… là những hoàn cảnh buộc người Việt mạo hiểm tính mạng để sang Anh. Nhưng “giấc mơ Anh” đã dẫn đến những kết cục đầy bi thương.
Cô gái 15 tuổi khóc nấc, khiến Jessica Phạm muốn khóc theo em. Luật sư tế nhị bước ra ngoài, để Jessica cùng nữ trợ lý của ông tiếp tục lấy lời khai, những điều mà em khó nói ra trước mặt đàn ông.
“Mình nhớ nhất đôi mắt lúc em ấy kể, nhìn mình như cầu cứu”, Jessica nói với PV, “vì mình cùng là người Việt, giữa những người nói tiếng Anh”.
Bi kịch quãng đường từ Anh sang Nga
Nhưng Jessica phải làm một công việc khó khăn: vừa an ủi, vừa dịch lại và hỏi cô gái 15 tuổi đang sợ sệt thêm chi tiết về những trò đồi bại mà những người đàn ông trên “chuyến xe container định mệnh” đã gây ra với em suốt quãng đường từ Nga sang Anh.
“Chi tiết rất cần thiết để luật sư xin tị nạn”, Jessica nói.
Từ 2012-2013 khi còn học ở phía bắc Anh, Jessica Phạm đã có khoảng 150 lần làm phiên dịch tiếng Việt cho tòa và cảnh sát liên quan tới các vụ trồng cần sa, buôn người. Cô gái 28 tuổi, giờ ở Hà Nội, đã trực tiếp gặp và nghe được tình cảnh của hàng chục người Việt vượt biên sang Anh. Nhưng em gái 15 tuổi tên T. năm 2012 là câu chuyện buồn và ám ảnh nhất, minh họa cho sự nguy hiểm khó lường của hành trình sang Anh.
Ao ước tìm mẹ của T. biến thành chuỗi ngày tủi nhục, tương tự cách những hy vọng của 39 người vào Anh trong container đông lạnh ngày 23/10 trở thành những bi kịch.
Những kẻ buôn người hứa đưa T. sang Anh tìm mẹ, không lấy khoản phí từ 20.000-45.000 USD mà những người khác phải trả để được đi. Em chỉ cần giúp nội trợ, nấu ăn trừ nợ.
Mẹ T. sang Anh cũng do chính những tên buôn người đó, theo lời khai của T., mà Jessica kể lại với PV. (Tên các nạn nhân được viết tắt để bảo vệ an toàn cho họ, những người có thể còn đang sống ở Anh có thể bị tội phạm buôn người đe dọa.)
Nhưng sau khi bay từ Nội Bài sang Nga, chúng lập tức thu giữ hộ chiếu của T. Em bị đẩy lên “xe thùng container định mệnh”. Những người đàn ông trên xe đã giở trò đồi bại với T. suốt quãng đường từ Nga qua Pháp rồi từ Pháp qua Anh.
Em là một trong số 18.000 di dân Việt Nam sang châu Âu mỗi năm theo các đường dây buôn người đang “hoạt động mạnh”, theo báo cáo năm 2017 của Hội đồng Kinh tế và Xã hội của Liên Hợp Quốc.
Việt Nam là nước đứng thứ 2 về số nạn nhân nô lệ hiện đại nước ngoài ở Vương quốc Anh vào năm 2018 (đứng thứ 3 nếu tính riêng nước Anh), theo National Referral Mechanism (NRM), cơ quan chịu trách nhiệm nhận dạng và hỗ trợ các nạn nhân buôn bán người.
Nếu tính riêng trẻ em, Việt Nam đứng đầu, theo Mimi Vũ, chuyên gia lâu năm về lĩnh vực này ở TP.HCM, từng là Giám đốc vận động chính sách của tổ chức chống buôn người Pacific Links.
“Lần đầu tiên mình gặp thì T. khóc rất nhiều”, Jessica nói về buổi dịch vào năm 2012 cho cô gái gầy gò, tóc dài đến giữa lưng, da ngăm ngăm và nói giọng miền Trung.
“Nhiều người sang lậu như thế khi bị bắt thì thường khai cùng kịch bản, giả dối hết, do (hội buôn người) bảo trước. Nhưng mình tin câu chuyện của T. là thật… Gương mặt của em rất sợ sệt”.
Sang tới Anh, chưa tìm được mẹ, T. bị nhốt trong trại trồng cần sa, làm nội trợ, nấu ăn. Em tiếp tục bị những kẻ buôn người và những người lao động người Việt lậu ở đó cưỡng hiếp.
“Em ở đó như một nô lệ bị cả đánh đập về thể xác, hành hạ về tinh thần mà sau này sẽ là nỗi ám ảnh đến cuối đời. Cứ triền miên ngày nào cũng như vậy”, Jessica nói.
Sau khoảng hai tháng, cảnh sát ập đến bắt toàn bộ lao động trong căn nhà, bao gồm T., tình nghi có trồng cần sa bởi sự bất thường về nhiệt độ ở căn gác mái.
Theo Jessica, vì trang trại trồng cần để đèn cho cây phát triển, thường là ở gác mái, nên chỗ đó nóng. “Cảnh sát truy bắt vào mùa đông, họ bay trực thăng thấy mái nhà không có tuyết là nghi vấn ngay. Vậy nên mùa đông khui ra nhiều vụ cần sa hơn”.
Một luật sư “tốt bụng” đã cố gắng làm đơn xin tị nạn cho T. Lần sau Jessica gặp lại, T. tinh thần tốt hơn, và kể rằng đến Tết ở trong tù được tổ chức nấu ăn, giới thiệu những món truyền thống với “bạn tù quốc tế”.
Vì phiên dịch viên không được giữ liên lạc với các bị cáo, đã 7 năm trôi qua, Jessica không biết T. cuối cùng có xin được tị nạn và có tìm được mẹ hay không, nhưng cô vẫn nhớ như in đôi mắt “cầu cứu” của T.
Di dân Việt đi châu Âu bị bóc lột mọi ngả
Đối với các di dân, hành trình đi qua châu Âu sang Anh đầy nguy hiểm.
Nhiều người Việt đi qua châu Âu trên các xe thùng, giống trường hợp của T. Hình thức đi này “quá mạo hiểm”, theo Jessica.
“Trong xe rất tối, chỉ có lỗ thông khí rất bé, qua khu kiểm soát thì họ đậy lại”, cô gái từng học ngành truyền thông ở Anh cho biết. “Mùa hè nóng kinh khủng khiếp, mà (di dân) phải ở trong đấy mười mấy tiếng”.
Một báo cáo tháng 3 năm nay do ba tổ chức chống buôn người ECPAT UK, Anti-Slavery International và Pacific Links tiến hành cho thấy trên suốt chặng đường sang châu Âu, người Việt vào các nước châu Âu đều gặp nguy cơ bóc lột ở các xí nghiệp may, các công trường xây dựng, nhà thổ, trang trại cần sa hay tiệm làm móng.
“Người Việt đi từ Nga… dừng tạm thời làm việc ở Ukraine, Ba Lan, CH Czech, Slovakia, Đức, Bỉ và Pháp để kiếm tiền cho phần còn lại trong chuyến đi”, báo cáo viết. “Việc di cư bất hợp pháp này tăng nguy cơ bị bóc lột, vì họ không có diện cư trú hợp pháp, nên phải chấp nhận hợp đồng lao động qua loa và điều kiện làm việc tồi tệ”.
Trong đó, có người bị buôn bán rồi bị ép lao động cưỡng bức hay bóc lột tình dục. Có người tự nguyện muốn được đưa sang châu Âu (như chuyện của T.), nhưng sau đó rơi vào cảnh lệ thuộc nợ, phải làm việc như nô lệ hiện đại để trả nợ, hoặc bị cưỡng hiếp.
Báo cáo mang tên Precarious Journeys: Mapping Vulnerabilities of Victims of Trafficking from Vietnam to Europe (tạm dịch: Hành trình đầy hiểm họa), tổng hợp các buổi thảo luận với các NGO và cảnh sát các nước châu Âu về vấn đề buôn bán người Việt Nam.
Theo bà Mimi Vũ, có những kẻ buôn người đánh đập, đe dọa các di dân, và cũng có những kẻ không đe dọa. Nam giới dễ bị bóc lột lao động, còn đối phụ nữ và trẻ em như T. luôn có nguy cơ bị lạm dụng tình dục.
“Phụ nữ và trẻ em gái đặc biệt dễ bị bóc lột tình dục bởi những kẻ buôn người hay chính những di dân đi cùng”, báo cáo Precarious Journeys ghi nhận.
Nguy cơ lạm dụng tình dục
Câu chuyện của cô gái 27 tuổi tên B. trong báo cáo mà tổ chức cứu trợ Salvation Army cung cấp cho PV, minh họa sự thực đau lòng này.
Năm 2013, B. và em gái đang làm ruộng thì hai đàn ông lạ mặt tiếp cận, đề nghị đưa họ sang Nga. Đã ly thân chồng, và muốn có tiền nuôi con, B. và em đồng ý.
Tương tự chuyện của T., ngay khi tới Nga, chúng thu giữ hộ chiếu của hai chị em, và ép họ làm trong xưởng may hai năm không lương, cùng với 70 người khác. B. làm 10-12 tiếng một ngày và bị các công nhân nam cưỡng hiếp liên tục.
Hai năm sau, B. và người em gái, cùng 8 người khác bị đưa lên xe đi hai ngày. Tới Anh, B. bị tách khỏi em gái mà tới giờ cô vẫn chưa gặp lại, và bị đẩy vào một trại trồng cần sa, cho tới một đợt cảnh sát truy quét và bắt giữ cô. Quá hoảng sợ, cô không dám khai câu chuyện của mình nên bị nhốt vào tù.
Phải mất hai tháng để luật sư chuyển hồ sơ của B. tới cơ quan National Referral Mechanism (NRM) chuyên hỗ trợ nạn nhân bị buôn bán, và tổ chức Salvation Army đưa cô tới nhà tạm lánh.
Nhưng được ba tháng, cô nhận một cuộc gọi dọa nạt. Lo sợ cho tính mạng, B. tuân theo chỉ dẫn và về với những kẻ buôn người. Một cặp đôi người Việt ép cô làm gái mại dâm trong nhà của chúng, và cô mang bầu.
Mất nhiều tháng kinh hoàng nữa để B. được cảnh sát phát hiện, và được Salvation Army hỗ trợ lần thứ hai, bao gồm nhà an toàn, đơn xin tị nạn, chăm sóc thai sản. 5 năm tủi nhục kể từ khi bị buôn bán, B. giờ mới có thể xây dựng cuộc sống mới với con gái ở Anh.
Bất chấp nguy hiểm vì gánh nặng nợ nần
Tương tự T., chị H. sang Anh cũng vì gia đình. H. là người miền Trung, là dân tộc thiểu số, nhà rất nghèo, phải vay ưu đãi theo diện “phát triển cây trồng” nhưng loại dùng khoản vay này để sang Anh, xác định kiếm tiền cho chị gái chữa ung thư, theo lời khai của H. mà Jessica kể lại.
“Hai trường hợp của T. và chị H. cho thấy không phải ai đi sang Anh cũng mong muốn giàu nhanh như một số ý kiến trên mạng. Họ có rất nhiều lý do buộc họ phải đi – những hoàn cảnh khổ kinh khủng, trớ trêu là người Việt lừa người Việt”, Jessica nói.
“Mọi người cứ thắc mắc vì sao họ chi nhiều tiền thế để đi, không dùng để lập nghiệp”, Jessica nói. “Thực ra họ đi vay nặng lãi, họ không hề ‘sinh ra ở vạch đích’ như có người nói, mà họ ở đáy xã hội, không có gì trong tay, thậm chí nợ từ đời trước. Họ không còn cách nào khác”.
“Họ còn được hội buôn người quảng cáo là (sang Anh) kiếm được”.
“Nhiều người không có giấy tờ và đang gánh các khoản nợ lớn, khiến họ dễ bị kiểm soát”, bà Mimi Vũ, chuyên gia chống buôn người ở TP.HCM, nói với PV.
“Làm nail còn khá, nếu rửa bát chỉ khoảng 3-4 bảng/giờ làm, vừa để trang trải cuộc sống, vừa gửi về gia đình và trả nợ”, Jessica nói. “Như vậy, nợ càng chồng chất, có lẽ không bao giờ trả nổi”.
H. bị bắt trong một vụ bắt giữ “rất nhiều người Việt, thuê tới 22 nhà liên tiếp để trồng cần” – khiến Jessica có một “buổi dịch dài kinh khủng”. Nhưng H. khai vô tội, và chỉ đến chơi nhà trồng cần.
Bằng chứng cho thấy H. chỉ có dấu vân tay trên một bóng đèn (dùng để làm ấm vườn giúp cần sa phát triển nhanh hơn), chứ không phải trên các vật dụng khác, theo Jessica. Vì vậy, cuối cùng, H. chỉ bị 10 tháng tù (so với 3-7 năm nếu bị kết tội) và trục xuất về Việt Nam sau đó.
Tay ghẻ lở – điều kiện kinh khủng ở các trại cần sa
Hầu hết vụ người Việt mà Jessica tới dịch đều liên quan tới trồng cần sa, nơi làm việc của nhiều di dân Việt Nam sang Anh, ngoài nhà hàng hay tiệm làm móng
“Họ bị nhốt trong nhà, không tắm giặt, không có ánh sáng mặt trời, không được ra ngoài, các nhu yếu phẩm do ‘quản lý’ mang đến”, Jessica nói. “Môi trường sống thì tối tăm, mùi rất nồng nặc – rất tù túng”.
Có lẽ vì vậy, rất nhiều người trong các vụ mà Jessica tới phiên dịch chỉ trên tay cho thấy họ bị ghẻ lở, cô nói.
Những di dân nam người Việt thường chỉ khai tên giả, khai không phải người Việt, mà chỉ nói bị lừa từ Bỉ sang hoặc từ Pháp sang. Họ cũng không có giấy tờ.
Họ làm vậy vì “theo luật EU và Anh, nếu không có giấy tờ quốc tịch gì cả, (sau khi thụ án tù) anh bị trục xuất về nước mà anh tới trước đấy, tức họ bị đưa về Bỉ hoặc Pháp. Họ sẽ cố quay lại Anh”, Jessica nói.
Như vậy, có những người Việt dành cuộc đời ở Anh mà họ đánh đổi tất cả để có được, xen kẽ giữa án tù và những lần leo xe tải nguy hiểm.
Thỉnh thoảng, cảnh sát trò chuyện với Jessica trong khi chờ bị cáo, vì đã quen mặt sau nhiều vụ phiên dịch. Có những lần, họ nói “người này bị trục xuất vài lần rồi và quay lại, nên chúng tôi không tin (lời khai của hắn)”, Jessica kể lại.
Họ còn nói đùa “vì sao người Việt các cô thích nail với cần sa quá vậy?”
“Nhiều lúc xấu hổ. Người Việt mình đã đi sang Anh chỉ nổi tiếng hai thứ ấy. Câu chuyện ấy rất buồn, mình chỉ biết cười trừ ‘tôi cũng biết thế’”, Jessica nói.
Trọng Thuấn/ Zing News