Giá xăng dầu ngày càng đắt, lo vỡ quỹ bình ổn
Nhìn lại 7 phiên điều chỉnh giá xăng dầu kể từ tháng 12-2020 đến nay, chỉ một phiên duy nhất giá xăng dầu không tăng vào ngày 10-2 do cận Tết Nguyên đán, Nhà nước chủ trương giữ giá nhưng đổi lại phải mạnh tay chi quỹ bình ổn.
Giá xăng dầu và nhiều nguyên liệu sản xuất trên thế giới tăng dần khi thị trường nhận định kinh tế sớm hồi phục nhờ vắc xin ngừa COVID-19. Nhưng kèm theo đó là lo ngại lạm phát quay lại, trước mắt là “nhập khẩu” lạm phát, như với xăng dầu, phân bón…
Cứ thế này quỹ bình ổn cạn kiệt
Nhìn lại 7 phiên điều chỉnh giá xăng dầu kể từ tháng 12-2020 đến nay, chỉ một phiên duy nhất giá xăng dầu không tăng vào ngày 10-2 do cận Tết Nguyên đán, Nhà nước chủ trương giữ giá nhưng đổi lại phải mạnh tay chi quỹ bình ổn.
Vào thời điểm nói trên, theo tính toán của nhà quản lý, nếu không tiếp tục chi bình ổn, giá xăng dầu tăng thêm 603 – 1.729 đồng/lít (kg). Khi đó, mức chi của Quỹ bình ổn cũng đã khá cao, 250 – 1.350 đồng/lít (kg), nhưng cơ quan điều hành vẫn tăng chi gấp rưỡi hoặc gấp đôi với các mặt hàng dầu. Riêng xăng RON95 tăng chi gấp đôi từ 400 đồng lên 800 đồng/lít, với xăng E5RON92 phải chi thêm hơn 370 đồng/lít.
Tuy vậy, sau đó giá xăng dầu thế giới tiếp tục tăng nên ở kỳ điều hành giá tiếp theo, dù vẫn chi thêm quỹ bình ổn nhưng giá xăng dầu trong nước cũng tăng mạnh. Như xăng E5RON92 có mức tăng chi quỹ bình ổn “đậm” nhất, lên tới 2.000 đồng/lít mới giữ được ở giá trên 17.000 đồng/lít; xăng RON95-III nhờ chi mạnh quỹ lên tới 1.150 đồng/lít mới có giá trên 18.000 đồng/lít.
Đỉnh điểm nhất là dầu có mức chi “kỷ lục” lên tới 800 – 900 đồng/lít để giữ giá 12.000 – 13.000 đồng/lít (kg). Theo nhà điều hành, nếu không thực hiện mức chi như trên, giá bán đã tăng lên hơn 19.000 đồng với xăng và từ 13.000 – 14.000 đồng với dầu.
Nhưng cây muốn lặng mà gió không dừng, giá xăng dầu thế giới lại tiếp tục tăng, sức chi của quỹ bình ổn giá bắt đầu có dấu hiệu “đuối” dần khi kỳ điều hành gần đây nhất vào ngày 12-3, nhà điều hành chỉ giữ lại mức chi 2.000 đồng/lít với xăng E5RON92 để “khuyến khích sử dụng”. Còn lại các mặt hàng khác đều giảm chi sử dụng quỹ bình ổn giá: xăng RON95 giảm chi 50 đồng, các mặt hàng dầu giảm chi từ 200 – 300 đồng.
Mặc dù vậy, giá xăng RON95 cũng đã tiệm cận ở mốc gần 19.000 đồng và giá dầu ở mức cao nhất lên tới hơn 14.400 đồng, là mức khá cao trong vòng gần hai năm trở lại đây.
Theo Bộ Tài chính, số dư quỹ bình ổn đến hết quý 4-2020 còn hơn 9.234 tỉ đồng, nhiều tháng qua chỉ chi, không có thu nên quỹ bình ổn đã giảm mạnh.
Chỉ còn lực chi bình ổn cho bớt tăng sốc
Nhiều chuyên gia lo ngại với xu hướng tăng giá thế giới như hiện nay, quỹ bình ổn khó có thể “chống đỡ” được. Giá dầu đã quay đầu tăng mạnh khi ghi nhận thông tin số lượng giàn khoan của Mỹ giảm lần đầu tiên kể từ tháng 11-2020 và nhiều dự báo lạc quan, tích cực của giới chuyên gia.
Theo đó, có dự báo cho rằng giá dầu thế giới có thể lên tới 100 USD/thùng trong thời gian tới, khi mà các nhà sản xuất dầu chủ chốt tiếp tục duy trì thỏa thuận cắt giảm sản lượng. Các nhà phân tích đều bày tỏ tâm lý lạc quan về triển vọng phục hồi nhu cầu nửa cuối năm 2021 của nền kinh tế, việc tiêm phòng vắcxin trên diện rộng, kéo theo nhu cầu nhiên liệu tăng mạnh, đặc biệt sẽ “bùng nổ” vào mùa hè cũng như các tháng cuối năm sẽ đẩy giá dầu tăng mạnh nhất trong một thập niên.
Ông Bùi Ngọc Bảo, quyền chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, cho rằng giá xăng dầu thế giới chịu tác động của diễn biến dịch bệnh và còn nhiều ẩn số. Hiện nhiều nước đã kiểm soát được dịch, đẩy mạnh tiêm vắc xin và mở cửa thị trường để phát triển kinh tế khiến nhu cầu sử dụng xăng dầu tăng cao. Ngược lại, các nước sản xuất dầu mỏ thuộc OPEC vẫn cương quyết cắt giảm sản lượng ở mức cao, nên đã tác động đáng kể đến giá xăng dầu quốc tế.
Cho rằng cơ quan điều hành đã tính toán liều lượng và điều hành khá tốt thời gian qua, song ông Bảo cho rằng khi giá xăng dầu trong nước chịu tác động lớn giá thế giới, việc điều chỉnh cần linh hoạt hơn theo thị trường, tính toán kỹ lưỡng các yếu tố như cân đối thị trường, nguồn, giá cả quốc tế, quỹ bình ổn trong từng giai đoạn. Việc điều hành cũng không thuần túy là giá cả mà phải kết hợp các yếu tố vĩ mô, tính toán việc giảm thuế, phí đối với một số mặt hàng như giảm thuế cho nhiên liệu hàng không, xăng E5RON92…
Ông Bảo nói thêm khi giá quốc tế quá cao cũng không thể không tăng giá và quỹ bình ổn không có khả năng đáp ứng. Đặc biệt khi hiện nay biến động giá thay đổi liên tục, nên quỹ cần vận hành theo đúng tinh thần tránh tăng giá sốc nhưng quỹ cũng không phải là “hầu bao” để mãi bình ổn giá xăng dầu.
Quỹ bình ổn cạn dần
Theo tìm hiểu của PV, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu có thị phần lớn như Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) có số dư quỹ bình ổn đến ngày 12-3 còn 2.400 tỉ đồng, trong khi 31-12-2020 còn tới 3.661 tỉ đồng. Như vậy, chỉ sau hơn 2 tháng, số dư này giảm mạnh hơn 1.200 tỉ đồng.
Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) đến ngày 25-2 còn 273,15 tỉ đồng, giảm hơn 165 tỉ đồng so với đầu năm là 438,9 tỉ đồng; Công ty Xăng dầu quân đội đến hết tháng 1 còn 301,4 tỉ đồng, đầu năm là 240 tỉ đồng; Xăng dầu Thanh Lễ vào ngày 25-2 còn 179 tỉ đồng, giảm so với 217 tỉ đồng ở ngày 31-12-2020.
Sẽ rút ngắn chu kỳ điều chỉnh giá
Trước diễn biến giá xăng dầu thế giới tăng liên tiếp trong thời gian gần đây, ông Trần Duy Đông – vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) – cho hay đang hoàn thiện sửa đổi nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu, trong đó sẽ thay đổi cơ chế điều hành giá xăng dầu theo hướng rút ngắn thời gian điều hành từ 15 ngày xuống còn 10 ngày.
Ngoài ra, dự thảo cũng đưa ra thay đổi trong vận hành quỹ bình ổn xăng dầu trên cơ sở toàn bộ nguồn trích lập, chi sử dụng để tham gia điều tiết, hỗ trợ cho mục tiêu bình ổn giá bán lẻ xăng dầu trong nước theo điều hành của Bộ Công thương. Trường hợp số dư quỹ không còn, doanh nghiệp đầu mối được vay vốn để bù đắp việc chi sử dụng quỹ bình ổn và được tính lãi suất tối đa bằng mức lãi suất thỏa thuận thấp nhất.
NGỌC AN