+
Aa
-
like
comment

Giá vật tư y tế: Bộ Y tế biết, Bệnh viện biết, chỉ có bệnh nhân là không biết

Đỗ Mạnh - 28/09/2020 18:17

Ở Việt Nam, người ốm mà phải nằm viện thì khổ vô cùng, họ còn khổ hơn khi mắc bệnh hiểm nghèo, bán hết cả gia tài mà vẫn không thể sống nổi. Chả thế mà ở quê tôi, nhiều người sau khi đi khám mà chẩn đoán bệnh gì hơi nặng tý là sẽ không đi viện. Hỏi ra mới biết dân quê tôi bảo rằng, ung thư thì chữa sao được, một số những người mắc bệnh hiểm nghèo khác cũng xác định là đằng nào cũng chết thôi thì tốn kém thêm làm gì, khổ vợ khổ con khổ gia đình.

Con người mạng sống là quý, vì thế còn người là còn của nên nhiều người dù gia đình phải bán đi tất cả cũng cố gắng, bán được cái gì thì bán để chữa chạy, nhưng khốn thay đa phần là chết và tài sản cũng hết. Một người đi,  cả nhà thành nheo nhóc và hành trình cơm áo lại bắt đầu gom góp từng đồng xây dựng lại cơ nghiệp. Trong gia đình có một trường hợp bệnh nặng thì những người trong gia đình còn hy vọng có thời gian tăng gia sản xuất để làm lại. Những nhà không may có hai người bị bệnh nặng thì dù có cố gắng suốt đời thì nghèo cũng chỉ hoàn nghèo.

Đặt một cái stend 80 triệu mà muốn được bố trí đặt thì phải có tiền mặt ngay, không có tiền đặt trước thì coi như xong. Thế là chỉ một lời phán cả gia đình lại quay như chong chóng vay mượn khắp nơi để chạy chữa cứu người thân. Mấy ông quê tôi đi viện về kháo nhau, stend là cái gì mà sao đắt thế? Cái này chỉ có Bác sỹ và những người có chuyên môn mới hiểu chứ nông dân thì gọi là trời biết. Bệnh viện người ta phán bao nhiêu thì lo chạy và nộp vào chứ có phải cái chợ đâu mà mặc cả lên xuống. Trong cơ chế thị trường, cái gì cũng được mặc cả giá, nhưng ở bệnh viện thì không, tất cả đều theo quy định và có giá chung.

Với mức giá bệnh viện như hiện nay, người giàu đã khó chứ nói gì đến nông dân. Thu nhập một gia đình một năm kiếm được 100 triệu đã là quá khá giả. Trừ tiền ăn uống, tiền điện tiền nước, ma chay cưới xin mỗi năm để lại được 20 triệu phòng khi ốm đau đã là hạnh phúc lắm rồi. Đó là nói đến nhưng người có sức khỏe, những người không có sức khỏe, chạy chợ bán đồng thì mỗi ngày được vài trăm đã là sung sướng lắm. Với thu nhập như vậy, nếu trong gia đình có một người phải đi viện thì coi như xong, cả nhà sẽ thành con nợ. Nông dân kém hiểu biết, đến tiền mua bảo hiểm y tế cũng không có, thì nói chuyện gì đến thuê phòng dịch vụ khi nằm viện. Nhìn cảnh bệnh nhân ốm 3-4 người chung nhau 1 giường ở các bệnh viện mà thấy tội. Vừa nóng vừa khó thở, đến chỗ nằm còn chả có thì bảo làm sao mà khỏi bệnh được. Thôi chỉ chắp tay lạy ông trời sao cho khỏe mạnh chứ dân nghèo mà phải vào nằm viện thì chỉ ốm thêm chứ chả thể mong khỏi được.

Mấy hôm nay thấy báo chí ồn ào vì ông Nguyễn Quốc Anh, nguyên giám đốc Bệnh viện Bạch Mai bị khởi tố bắt giam để điều tra về vụ nâng giá thiết bị y tế. Người dân đọc báo mới phần nào biết được trong thời gian nằm viện, họ bị những con robot mà bệnh viện nhập về cắt cổ như thế nào? Một con robot giá  trên thị trường là 7,4 tỷ, khi về đến Bạch Mai nó có giá 39 tỷ.Một số thiết bị khác khi giá thị trường là 13 tỷ, về Bạch Mai nó có giá 40 tỷ. Đọc nhưng thông tin này có bác nông dân bảo, với 40 tỷ quê ông xây được cả trăm căn nhà cấp 4 đấy. Nhưng nghe nói thiết bị nhập về hiện đại lắm, nó thay người để mổ cho bệnh nhân đấy nên nó đắt cũng phải, người ta bảo nó là người máy đấy. Những bệnh nhân đang thoi thóp thở chỉ biết tri ân những ân nhân cứu họ chính là các bác sĩ, chứ có ai biết là ông viện trưởng Nguyễn Quốc Anh đã chỉ đạo để một số đồng phạm nâng giá thiết bị y tế để siết cổ họ đâu? 500 bệnh nhân được bệnh viện phẫu thuật bằng robot đã phải trả giá cao hơn 5-6 lần sau khi thiết bị được nâng giá. Thật đáng thương cho những bệnh nhân đang đau đớn vì bệnh tật lại còn bị những con robot làm khánh kiệt về tài chính. Những con robot tưởng giúp người bị người ta nâng giá biến thành những kẻ hút máu và giáng cho đòn chí mạng vào bệnh nhân mà không bệnh nhân nào biết. Họ chỉ biết họ là những người không may mang bệnh chứ đâu có biết đằng sau chiếc áo blue trắng và vẻ mặt đội lốt thánh thiện của ông Nguyễn Quốc Anh hiện nguyên hình bộ mặt của một con quỷ hút máu người. Sau vụ việc này người ta mới hiểu thì ra cái danh hiệu phó giáo sư và học hàm tiến sĩ của ông chỉ là cái rèm mỏng dùng để che cái mặt nạ ác quỷ của ông. Dư luận đặt câu hỏi, vậy từ năm 2009 đến nay, hay nói cách khác là từ khi ông Nguyễn Quốc Anh làm giám đốc Bệnh viện Bạch Mai thì có bao nhiêu thiết bị y tế bị đội giá. Dư luận đặt câu hỏi liệu sau khi Bộ Y tế giao quyền tự chủ về tài chính cho các bệnh viện lớn liệu có thực hiện tốt công tác giám sát hay không? Nếu công tác giám sát, thanh kiểm tra tốt sao các thiết bị y tế bị đội giá từ những năm 2017 sao không biết? Một câu hỏi nữa được đặt ra là giá các thiết bị y tế mỗi bệnh viện mua với các mức giá khác nhau vậy trách nhiệm Bộ Y tế ở đâu?

Thời gian gần đây, đặc biệt là trong thời gian diễn ra đại dịch Covid-19, giá các thiết bị y tế bị đội lên ở rất nhiều tỉnh thành trong cả nước. Bộ y tế chưa thấy có ý kiến chính thức về vấn đề này? Và liệu tình trạng nâng giá thiết bị có còn tiếp diễn nếu chúng ta không quản lý chặt, không công khai minh bạch các thiết bị chữa trị.

Để sớm chấn chỉnh những việc đã diễn ra, nhằm giảm nhẹ những gánh nặng chi  phí cho người bệnh. Dư luận cho rằng Bộ Y tế không thể nằm ngoài cuộc về giá những vật tư y tế hiện nay. Cần thiết có thể thành lập một tổ chức mua sắm chung vật tư y tế để thực hiện yêu cầu vật tư của các bệnh viện, cơ quan này nằm dưới sự chỉ đạo chặt chẽ của Bộ trưởng Bộ y tế và nằm dưới quyền giám sát của những cơ quan giám sát chuyên trách. Chúng ta cần sớm chấm dứt những tình trạng nâng giá vô tôi vạ, đừng dùng những thủ đoạn để dồn gánh nặng tài chính lên vai bệnh nhân, những người đã rất khổ sở và đau đớn vì bệnh tật.

Chúng ta không vơ đũa cả nắm, đội ngũ bác sỹ, y sĩ và điều dưỡng viên trong cả nước được nhân dân coi như những từ mẫu đã mang lại cuộc sống cho hàng triệu bệnh nhân cuộc sống và sức khỏe. Nhân dân cảm ơn họ, họ suốt ngày tận tụy với bệnh nhân và cũng chính họ cũng là những nạn nhân của những kẻ lợi dụng quyền hạn để làm giàu cho bản thân và làm xấu đi hình ảnh của ngành y tế Việt Nam.

Để sớm chấm dứt những tình trạng trên, dư luận kêu gọi chính những bác sĩ, những người hiểu chuyên môn và tính năng của những thiết bị y tế hãy mạnh dạn tố cáo những hành động sai trái của những người lạm dụng quyền lực để nâng giá thiết bị làm giàu bất chính. Những người mượn danh lãnh đạo làm xấu đi hình ảnh của đội ngũ y, bác sĩ đang cần mẫn như những từ mẫu đang ngày đêm mang lại cuộc sống cho hàng triệu con người.

Đỗ Mạnh

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Bài mới
Đọc nhiều