+
Aa
-
like
comment

Giá vàng tăng ‘điên loạn’, toàn thấy bán, mua thì ‘đau tim’

08/08/2020 09:03

Giá vàng tăng ‘điên loạn’ không có điểm dừng những ngày qua khiến nhiều người có tiền nhàn rỗi tiếc rẻ vì lỡ mất cơ hội lướt sóng kiếm lời. Liệu giá vàng có còn tăng và có nên lướt sóng thời điểm này? 

Hôm qua 7-8, giá vàng miếng SJC liên tục nhảy múa, trước khi đạt mức 62,45 triệu đồng/lượng vào cuối ngày, tăng thêm 1,05 triệu đồng/lượng so với ngày trước đó.

Theo các chuyên gia, có nhiều yếu tố củng cố xu hướng tăng của giá vàng thế giới nhưng mua vàng vào lúc này tiềm ẩn rất nhiều rủi ro.

Vàng tăng điên loạn, toàn thấy bán, ai mua thì đau tim - Ảnh 1.
Người dân đứng xếp hàng tại cửa hàng Bảo Tín Minh Châu để chờ đợi giao dịch vàng

Chủ yếu bán, mua “đau tim”

Với việc giá vàng liên tiếp phá kỷ lục trong những ngày gần đây, trên khắp các trang mạng xã hội, nhiều người tiếc rẻ vì đã không kịp rót vốn khi vàng ở giá 49-50 triệu.

Theo chị Kim Phượng (Q.3, TP.HCM), với khoảng 1 tỉ đồng đang gửi tiết kiệm, nếu mua vàng khoảng nửa tháng trước với giá 50 triệu đồng/lượng, đến nay có thể lời hơn 200 triệu đồng nhưng chị đã không dám mạo hiểm.

“Thấy giá vàng tăng từng giờ, lên trên 62 triệu đồng/lượng, tôi thấy rất tiếc nhưng rót vốn lúc này thì không dám” – chị Kim Phượng nói.

Theo ghi nhận của PV tại Hà Nội, giao dịch vàng những ngày gần đây rất sôi động. Ngay từ khi mở cửa ngày 6 và 7-8, nhiều cửa hàng vàng trên phố Trần Nhân Tông đông nghẹt khách. Nhiều cửa hàng đã bố trí nhân viên đón khách ngay từ cửa để đo thân nhiệt, phát phiếu, ghi tên và hướng dẫn xếp hàng.

Tuy nhiên, phần lớn khách đến để bán vàng vì giá vàng đang ở mức cao, thậm chí cao hơn giá vàng thế giới quy đổi 2,96 triệu đồng/lượng. Quyết định bán 12 lượng vàng mua cách đây gần 6 năm với giá 39 triệu đồng/lượng, ông Trần Việt Phương (Bạch Mai, Hà Nội) cho biết thấy có lời nhiều nên bán.

“Giá vàng đạt mức kỷ lục nên vợ chồng tôi quyết định bán vàng để lấy tiền gửi tiết kiệm do lo ngại giá vàng sẽ lại quay đầu giảm” – ông Phương nói.

Dù vậy, vẫn có nhiều người mua vàng với kỳ vọng giá vàng sẽ còn tăng mạnh. Bà Phạm Thị Nga (Cầu Giấy, Hà Nội), mua 30 lượng lúc giá 62,120 triệu đồng/lượng vào ngày 6-8, cho biết tuần trước cũng đã mua và đã bán chốt lời rồi.

“Nhưng mua vàng lúc này cũng “đau tim”. Nếu giá xuống mạnh có thể sẽ mất cả tiền triệu mỗi lượng. Lợi nhuận đi kèm với rủi ro, muốn kiếm lời cũng phải sẵn sàng đón thất bại vì vàng” – bà Nga cho biết.

Rủi ro lướt sóng

TS Ngô Trí Long – chuyên gia kinh tế – cho rằng việc dự báo giá vàng lên bao nhiêu là rất khó, nhưng giá vàng vẫn có thể giữ ở mức cao trong ngắn hạn bởi vẫn chưa có vắcxin phòng COVID-19, trong khi căng thẳng chính trị – kinh tế giữa các nước lớn vẫn chưa giảm nên vàng vẫn là kênh trú ẩn an toàn cho nhà đầu tư.

Tuy nhiên, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới, giữa giá mua và giá bán tại thị trường trong nước rất lớn cũng là sự cảnh báo rất lớn đối với người mua vàng trong nước lúc này.

“Khoảng cách giữa giá bán và giá mua lên đến trên 1 triệu đồng/lượng, chưa kể giá vàng trong nước cao hơn giá thế giới đến gần 3 triệu/lượng, việc mua vàng lướt sóng kiếm lợi vào thời điểm này là rất rủi ro” – ông Long khuyến cáo.

Nhiều chuyên gia cũng khuyến cáo người dân thận trọng với việc mua vàng vào lúc này vì giá vàng trong nước bị tác động mạnh bởi giá vàng thế giới, trong khi Ngân hàng Nhà nước áp dụng chính sách hạn chế người dân tích trữ vàng từ nhiều năm nay.

Theo ông Nguyễn Ngọc Trọng – giám đốc Công ty vàng Đối tác mới (NPJ), dù đang có nhiều yếu tố củng cố xu hướng tăng của giá vàng thế giới, nhưng việc mua vàng vào lúc này rất rủi ro.

Chỉ trong vòng 2 tháng qua, giá vàng thế giới đã “phi” thẳng từ 1.700 USD/ounce lên mức 2.060 USD/ounce như hiện nay, tương đương mức tăng 360 USD/ounce (10 triệu đồng/lượng).

Cao điểm chỉ trong 20 ngày qua, vàng thế giới tăng 260 USD/ounce, mức biến động giá này tiềm ẩn rủi ro rất lớn bởi kinh nghiệm cho thấy xu hướng tăng như vậy rất khó bền vững.

“Nhiều người tiếc rẻ là mình đã mất cơ hội kiếm lời lớn với vàng trong thời gian ngắn, nhưng không dễ như nhà đầu tư tính toán. Nhiều người mua vàng với mức giá 46 triệu đồng/lượng đã chốt lời khi vàng lên 48-50 triệu đồng/lượng, rồi lại tiếp tục mua vào – bán ra.

Chỉ có ai chấp nhận “liều ăn nhiều” mới có lời lớn, nhưng không phải ai cũng đủ bản lĩnh để giữ vàng khi giá vàng liên tục tăng cao thời gian gần đây” – ông Trọng nói.

Giá vàng có thể tiếp tục tăng?

Giá vàng trên thị trường thế giới tiếp tục lập kỷ lục trong bối cảnh kinh tế toàn cầu chưa hết lao đao vì đại dịch COVID-19.

Theo Hindu Times, giá vàng tại Ấn Độ ngày 7-8 đã tăng thêm 0,02%, lên 54.810 rupee/10 gram (2.073,23 USD/once). Hãng tin Reuters ghi nhận giá vàng tại Mỹ ngày 6-8 lập kỷ lục 2.075,2 USD/ounce trước khi giảm xuống vì một số giao dịch chốt lời.

Theo Đài CGTN của Trung Quốc, tác động của đại dịch COVID-19 lên thị trường toàn cầu khiến đồng USD suy yếu, những căng thẳng địa chính trị tại Trung Đông và nhiều khu vực khác là những lý do khiến giá vàng tăng cao. Việc các ngân hàng trung ương in tiền ồ ạt khiến các loại tài sản đầu tư khác mất giá cũng khiến nhiều người tìm đến vàng hơn.

Các chuyên gia cho rằng với những bất ổn như hiện nay, vàng được xem là tài sản đảm bảo và thực tế cho thấy vàng đã tăng hơn 35% trong năm nay, theo Economic Times.

Theo chuyên gia Prathamesh Mallya thuộc Hãng tư vấn tài chính Angel Broking, vàng là tài sản an toàn có lịch sử được giới đầu tư ưa thích, đồng thời dự báo giá cả các loại kim loại quý sẽ tiếp tục tăng trong thời gian còn lại của năm 2020, trừ khi nền kinh tế toàn cầu bắt đầu hồi phục.

NGUYÊN HẠNH/ TTO

Bài mới
Đọc nhiều