+
Aa
-
like
comment

Giá trị của người tài và cái “tai” của những kẻ nhỏ mọn

An Diễm - 24/10/2021 13:57

Việc bác sĩ Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai mới đây bị cơ quan Công an khởi tố đang gây xôn xao dư luận. Người thì xót xa tiếc cho một bác sĩ tài năng, “bàn tay vàng” trong làng phẫu thuật tim mạch. Người thì cho rằng vì bác sĩ giỏi nên đã được phân công nhiều chức vụ quan trong như Giám đốc Bệnh viện Tim mạch Hà Nội rồi bây giờ là Giám đốc BV Bạch Mai, nhưng nếu có sai phạm thì cần kiên quyết xử lý. Những kẻ nhỏ mọn như Phạm Minh Vũ, Tiếng Dân News thì không bỏ lỡ cơ hội, vội lu loa lên là “làm quan chức ở Việt Nam thì khó lương thiện”.

Ông Nguyễn Quang Tuấn là bàn tay vàng trong làng phẫu thuật tim mạch

Mỗi con người là tập hợp của những bản thể khác nhau: một bác sĩ, một nhà quản lý, một người chủ gia đình, một người chồng, người cha… với nhiều đặc tính khác nhau. Vậy nên, đánh giá một con người không hề dễ dàng, như tấm huy chương luôn luôn có 2 mặt. Một siêu sao bóng đá có thể là một kẻ bạo hành gia đình, một ca sỹ hào nhoáng trên truyền thông có thể là 1 kẻ phạm tội dùng chất kích thích, một nhà giáo ưu tú có thể đồng thời cũng dính vào một rắc rối nào đó ngoài xã hội. Bàn về người tài, nhất là người đang đứng ở đỉnh cao xã hội như bác sĩ Nguyễn Quang Tuấn, thiết nghĩ phải rất cẩn trọng, và có nhiều thứ để nói.

Một bác sĩ giỏi, một nhà quản lý tồi

Bác sĩ Nguyễn Quang Tuấn thực sự là một tài năng trong giới y học Việt Nam. Ông được gọi là “Tuấn tim” – một nickname như sự thừa nhận một đôi tay vàng trong làng phẫu thuật tim – chứ không phải chỉ vì chức danh Giám đốc Viện Tim Hà Nội. Ông tốt nghiệp xuất sắc tại trường Đại học Toulouse (Pháp) và từ chối lời mời ở lại để về nước cống hiến. Từng giành giải nhất Nhân tài đất Việt lĩnh vực y tế với đề tài “Can thiệp động mạch vành qua đường ống thông (đặt stent)”. Là chuyên gia đầu ngành tim mạch, ông đã biến Viện Tim trở thành một trong những cơ sở y tế mà chuyên môn có thể sánh tầm châu lục, thế giới. Tài năng của ông thể hiện qua nhiều chức danh mà ông từng vinh dự đảm nhận: Chủ tịch Hội Tim mạch can thiệp Việt Nam, Chủ tịch Hội Tim mạch Hà Nội, Thành viên Ban cố vấn Hội Tim mạch học can thiệp châu Á-Thái Bình Dương (FAPSIC), Thành viên Hội Tim mạch học can thiệp Hoa Kỳ (FSCAI). Ông cũng từng được trao danh hiệu Công dân ưu tú Thủ đô, và từng là Đại biểu Quốc hội.

Nếu như tài năng y học của ông được công chúng biết đến và ngưỡng mộ, được bao bệnh nhân và người nhà bệnh nhân nhớ tới và mang ơn, thì vai trò quản lý của ông có lẽ công chúng không thể nào biết tường tận để mà ngưỡng mộ. Nhưng với những cái sai, những vi phạm các quy định về đấu thầu với hậu quả nghiêm trọng với ước tính gây thiệt hại cho Nhà nước lên tới 40 tỷ đồng, có thể đây chính là mặt tối của tấm huy chương lóng lánh mà ông đang đeo. Nhiều người biết đến ông với cái tâm, cái tài ở cương vị của người bác sĩ cảm thấy xót xa, nhưng với pháp luật, mọi công dân đều bình đẳng. Trong công cuộc chống tham nhũng của đất nước, có những vị Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư tỉnh ủy, Bộ trưởng, Tướng lĩnh đã phải đứng trước vành móng ngựa và trả giá cho lỗi lầm của mình, thì có lẽ, chúng ta phải tạm dẹp cảm xúc thương xót của mình để nhường chỗ cho tính nghiêm minh của pháp luật.

Khó khăn trong công việc hay cơ chế làm nên giá trị của người tài

Khi làm bác sĩ, cái khó khăn của ông Nguyễn Quang Tuấn chỉ là chuyên môn, tay nghề và ông đã vượt qua khó khăn đó một cách xuất sắc. Cũng nhờ thành tích đó, ông được đề bạt nhiều vị trí quan trọng như Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội rồi bây giờ là Giám đốc BV Bạch Mai, một trong những bệnh viện hàng đầu cả nước. Nhưng khi làm giám đốc quản lý, ông phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn từ xã hội, nhân viên, kinh doanh, chất lượng khám chữa bệnh, mua sắm, đấu thầu… và ở đây đã có những vấn đề nảy sinh.

Cái luận điệu xằng bậy của những kẻ nhỏ mọn như Phạm Minh Vũ, Chân Trời Mới Media thì rêu rao rằng “trong bộ máy nhà nước thì người tài khó làm việc nếu không phạm pháp”. Nhưng thực tế thì trái ngược, chính khó khăn mới làm nên giá trị của người tài. Khi được bổ nhiệm, chắc chắn ông Tuấn phải biết hết những khía cạnh của công việc bao gồm khó khăn và thuận lợi đi kèm, các cấp lãnh đạo bổ nhiệm ông chắc chắn cũng đã đánh giá ông có đủ năng lực để làm tốt. Nếu không thể làm tốt, tại sao ông lại nhận công việc, và tại sao người ta không bổ nhiệm người khác trong vô số tài năng ngoài kia để tín nhiệm trao vai trò quan trọng cho ông Tuấn?

Lời bịa đặt xằng bậy của Phạm Minh Vũ.

Có một câu chuyện rất hay như thế này: Gia Cát Lượng chưa từng hỏi Lưu Bị: “Tại sao cung tên của chúng ta ít như vậy?”; Quan Vũ chưa bao giờ hỏi Lưu Bị: “Tại sao binh lính của chúng ta thiếu thốn đến thế?”; Trương Phi chưa bao giờ hỏi Lưu Bị: “Khi bị quân lính vây hãm dưới thành, chúng ta phải làm sao?”

Thế nhưng… Đã từng có tích dùng thuyền cỏ mượn tên, Quan Vũ từng qua năm ải chém sáu tướng, Trương Phi từng có sự kiện chặt đứt cây cầu dọa lùi Tào binh.

Một câu chuyện khác kể rằng Triệu Tử Long từng nhận được quân lệnh tấn công khi chỉ có 20 binh sĩ. Kết quả đã công hạ được mười thành trì, thu được 2 vạn binh sĩ cùng ba ngàn con ngựa tốt. Trong quân lệnh chỉ viết vẻn vẹn 4 chữ: “Đánh hạ thành trì”.

Nếu như mọi việc dễ dàng thì giá trị của người lãnh đạo ở đâu?

Đảng và Nhà nước luôn quan tâm hỗ trợ người tài

Nói về những khó khăn của cơ chế ảnh hưởng đến công việc lãnh đạo thì dễ, nhưng chỉ ra cụ thể những khó khăn ấy như thế nào thì không biết có vị lãnh đạo nào đã chỉ ra được chưa. Trong phiên họp thứ 58 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, khi nói về vấn đề thể chế, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ có nói: “Xu hướng đổ thừa cho cơ chế nổi lên rất mạnh. Có luật, Nghị định, Thông tư thì cấp nào rà soát, xác định sửa cái gì, sửa thế nào? Cứ kêu mà không sửa. Lần này chủ động rà soát để khắc phục, quan trọng là xác định vướng chỗ nào, cái gì phải chỉ ra chứ không chỉ kêu, không làm được lại đổ thừa thể chế”.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cũng nêu: “Vừa rồi ai cũng kêu thể chế, địa phương nào cũng kêu thể chế, bộ nào cũng kêu thể chế, doanh nghiệp kêu thể chế, nhưng cứ kêu thế thôi, có thấy làm gì đâu. Cứ phát biểu là hiện nay vướng luật lệ lắm, nhưng thực tế vướng điều nào, vướng khoản nào, ai là người sửa thì không thấy nói”.

Từng có thời gian làm Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hoà, ông Định chia sẻ: “Khi về địa phương, thấy chỗ nào cũng kêu vướng luật. Cứ 15 ngày, tôi họp một lần, cuối cùng có vướng đâu, làm được hết”.

Đấy là về khó khăn thể chế, còn về việc đột phá, dám nghĩ, dám làm của người tài, trong Quy định 22 về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng, do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ngày 28/7, có nội dung nêu rõ: Trung ương yêu cầu công tác kiểm tra, giám sát phải bảo vệ cái đúng, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đột phá vì lợi ích chung.

Như vậy, có thể hiểu việc khởi tố ông Nguyễn Quang Tuấn đã được cơ quan điều tra xem xét rất kỹ, có cân nhắc đến cả việc có những đột phá vì công việc và lợi ích chung. Dẫu sao, vụ án vẫn đang được cơ quan điều tra nghiên cứu và mọi thứ vẫn chưa được rõ ràng, và dưới góc độ y học, chắc chắn nhiều người vẫn mong ông Tuấn – một giáo sư, tiến sĩ đầu ngành sẽ không phạm phải những lỗi lầm nghiêm trọng để sớm trở về với gía trị thực của ông – bàn tay vàng trong làng phẫu thuật tim mạch.

An Diễm

Bài mới
Đọc nhiều