+
Aa
-
like
comment

Giả thuyết ‘bỗng sống lại’ về nguồn gốc virus SARS-CoV-2

29/05/2021 07:01

Các nhà khoa học liên tục tìm kiếm lời giải cho câu hỏi: virus SARS-CoV-2 bắt nguồn từ đâu, khi nào và như thế nào? Một giả thuyết tưởng bị bác bỏ bỗng dưng được quan tâm lại.

Cộng đồng khoa học đang nghiêng về hai giả thuyết lý giải nguồn gốc của đại dịch Covid-19, theo Channel NewsAsia.

Một giả thuyết cho rằng virus xuất phát từ một loài động vật giống như dơi. Sau đó, virus này truyền sang một con vật khác có tiếp xúc gần với người và lây nhiễm cho họ.

Giả thuyết thứ hai nghi ngờ virus SARS-CoV-2 rò rỉ từ một phòng thí nghiệm hóa học ở Vũ Hán, Trung Quốc – nơi đầu tiên ghi nhận bệnh nhân mắc Covid-19. Giả thuyết này bị bác bỏ nhiều lần, ngay cả bởi nhóm chuyên gia của WHO đến Vũ Hán điều tra cũng đã loại bỏ giả thuyết này. Dù vậy, những tuần gần đây, nghi vấn này lại được đào xới lại.

Cả hai giả thuyết này đều vẫn chưa có lời giải đáp hợp lý, tạo nên một cuộc tranh cãi giữa các nhà khoa học.

Tâm điểm dư luận

Viện Virus học Vũ Hán là nơi chuyên nghiên cứu các mầm bệnh trong tự nhiên có khả năng lây nhiễm cho người – gây ra các căn bệnh mới lạ và tiên lượng tử vong cao.

Viện đã thu thập nhiều mẫu từ động vật hoang dã để thí nghiệm nhằm đánh giá tính dễ tổn thương của con người với nhiều loại virus từ động vật.

Viện này đã thực hiện nhiều cuộc nghiên cứu về virus bắt nguồn từ dơi kể từ đợt bùng phát dịch SARS năm 2002, đợt dịch cướp đi sinh mạng của 774 người trên toàn thế giới. Nhiều năm sau công cuộc tìm kiếm vất vả, các nhà khoa học phát hiện một loại virus tương tự virus gây ra SARS tồn tại trong hang dơi ở phía tây nam Trung Quốc.

Để giảm nguy cơ mầm bệnh vô tình thoát ra ngoài, cơ sở này đã phải thực thi hàng loạt các quy trình nghiêm ngặt, chẳng hạn như trang phục bảo vệ hay hệ thống lọc không khí.

Tuy nhiên, kể cả những biện pháp nghiêm ngặt nhất cũng không thể loại bỏ rủi ro rò rỉ virus ra ngoài môi trường sống.

nguon goc virus corona anh 1
Nhà virus học Trung Quốc Thạch Chính Lệ thuộc Viện Virus học Vũ Hán. Ảnh: South China Morning Post.

Đối với một số nhà khoa học, việc một nhân viên phòng thí nghiệm bất cẩn phát tán mầm bệnh là một giả thuyết hợp lý giải thích cách đại dịch bắt đầu.

Viện Virus học Vũ Hán nằm ngay gần chợ hải sản Hoa Nam – ổ dịch được coi là có khả năng cao nhất lây truyền virus từ động vật sang người. Địa điểm giữa hai nơi ngay lập tức làm dấy lên nghi ngờ.

Nhiều người càng nghi ngờ hơn trong bối cảnh chưa xác định được loài động vật đã mang mầm bệnh và chính phủ Trung Quốc liên tục từ chối cho phép điều tra kịch bản Covid-19 là sản phẩm rò rỉ từ phòng thí nghiệm.

Các nhà khoa học phát triển giả thuyết dựa trên những lo ngại về rủi ro liên quan đến nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, manh mối trong bộ gene của virus và thông tin từ các nghiên cứu của viện.

Viện Virus học Vũ Hán khẳng định phòng thí nghiệm của họ không có loại virus có mối liên hệ đủ gần với SARS-CoV-2 – nguồn gốc của sự bùng phát Covid-19.

Giải thuyết này nhiều lần bị bác bỏ, và bị lãng quên một thời gian. Cho đến ngày 23/5, Wall Street Journal trích dẫn một bản báo cáo mật của Mỹ tiết lộ, vào tháng 11/2019 – thời điểm trước khi Trung Quốc báo cáo những ca mắc Covid-19 đầu tiên, một số nhà nghiên cứu ở Viện Virus học Vũ Hán đã phải nhập viện.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên tuyên bố ngày 24/5 rằng bài báo này “hoàn toàn không đúng sự thật”.

Khả năng truyền virus từ động vật sang người

Số lượng lớn hơn những nhà khoa học thì tin rằng virus gây Covid-19 có nguồn gốc tự nhiên bởi không có bằng chứng khoa học nào chứng minh cho kịch bản rò rỉ từ phòng thí nghiệm.

Kristian G Andersen – nhà khoa học tại Scripps Research, người đã thực hiện nhiều nghiên cứu về virus corona, Ebola và các mầm bệnh khác truyền từ động vật sang người – cho biết các trình tự gen tự nhiên tương tự cũng xuất hiện trong virus corona.

nguon goc virus corona anh 2
Nhiều căn bệnh mới trong quá khứ có nguồn gốc từ dơi. Ảnh: SCMP.

Ngoài ra, nhìn từ lịch sử, một số căn bệnh mới xuất hiện trong thế kỷ qua được bắt nguồn từ sự tương tác của con người với động vật hoang dã và động vật nuôi, bao gồm dịch SARS (dơi), MERS-CoV (lạc đà), Ebola (dơi hoặc động vật linh trưởng) và virus Nipah (dơi).

Tuy nhiên, dù theo kịch bản nào thì cũng chưa có đủ bằng chứng chứng minh kịch bản còn lại không thể xảy ra.

24 nhà khoa học mới đây đã gửi một lá thư tới Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) yêu cầu một cuộc điều tra độc lập, nghiêm ngặt vì cho rằng cuộc điều tra quốc tế tới Trung Quốc vào đầu tháng 2 là chưa đủ sâu.

Tổng thống Mỹ Joe Biden trong ngày 26/5 cũng ra lệnh lực lượng tình báo “nỗ lực gấp đôi” để điều tra nguồn gốc đại dịch Covid-19 và báo cáo kết quả điều tra trong vòng 90 ngày.

Phương Linh

Theo Channel NewsAsia

Bài mới
Đọc nhiều