Giá thịt lợn “leo thang”, tại sao chưa đưa vào danh mục hàng dự trữ quốc gia?
Trả lời báo chí về lý do tại sao Việt Nam không dự trữ thịt lợn để giảm tác động tăng giá loại thực phẩm thiết yếu cho người tiêu dùng, ông Lê Văn Thời, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Dự trữ Nhà nước cho rằng, việc đề xuất đưa loại hàng hoá nào vào danh mục dự trữ phải dựa trên cơ sở cần thiết và tình hình ngân sách.
Ngày 26/12, Tổng cục Dự trữ Nhà nước họp báo chuyên đề về kế hoạch năm 2019. Theo đó, cơ quan này đã làm rõ thắc mắc của báo giới xung quanh việc tại sao không dự trữ thịt lợn để bình ổn giá khi thị trường tăng giá sốc hoặc mua vào khi giá thịt lợn giảm mạnh.
Theo ông Thời: “Thời gian qua, rất nhiều thắc mắc của dư luận về việc tại sao không đưa thịt lợn vào danh mục hàng dự trữ quốc gia. Tổng cục Dự trữ Nhà nước đang rà soát danh mục hàng dự trữ quốc gia, những gì cần thiết sẽ đưa vào, cái gì chưa cần thiết, chưa thiết yếu nhưng ngân sách khó khăn cũng không đưa vào, còn những cái gì lạc hậu sẽ đưa ra”.
“Tuy nhiên, khi trình thì phải tìm cái thiết thực nhất mới đưa vào danh mục bởi vì ngân sách khó khăn”, Phó Tổng cục dự trữ quốc gia cho biết.
Ông Thời cho biết, sắp tơi cơ quan này sẽ cân nhắc, lấy ý kiến các cơ quan bộ ngành về việc đưa thịt lợn vào danh mục hàng dự trữ quốc gia.
Ông này cũng thừa nhận, quá trình xem xét việc đưa một mặt hàng nào vào danh mục cần có tính toán kỹ vì có thể ảnh hưởng đến điều tiết thị trường, cân nhắc mặt hàng đó có tác động lớn đến đời sống người dân hay không hoặc có tính thời vụ, dịch bệnh…
Theo lãnh đạo Tổng cục Dự trữ quốc gia, danh mục hàng dự trữ quốc gia hiện nay bao gồm các nhóm hàng: Lương thực; vật tư, thiết bị cứu hộ, cứu nạn; vật tư thông dụng động viên công nghiệp; nhiên liệu…
Theo ông Thời: Nhiều ý kiến cho rằng, nước ta đang xuất khẩu lương thực lớn thì dự trữ những mặt hàng nào cho phù hợp. Tại sao chưa đưa thịt heo vào danh mục dự trữ? Tổng cục đang tiếp tục phối hợp với các bộ ngành, rà soát danh mục hàng dự trữ quốc gia để bổ sung, thay thế.
Chia sẻ về việc dự trữ hàng của các nước, ông Thời cho rằng, mỗi nước có một sản phẩm đặc thù. Ví dụ như ở Nhật Bản, họ dự trữ cả nhà vệ sinh di động, cháo khô, cùng nước và thiết bị lọc nước để có xảy ra vấn đề gì có thể có cháo ăn ngay hay tại Nga, nước này dự trữ rất nhiều thịt bò, thịt heo.
Về việc bổ sung danh mục hàng dự trữ, ông Thời cho biết: “Việt Nam phải cân đối, xem xét để phù hợp với tình hình ngân sách”.
Hiện giá thịt lợn hơi ngày 26/12 sau nhiều ngày tăng lên đã có dấu hiệu giảm xuống 2.000 đồng đến 4.000 đồng/kg, ở mức 90.000 đồng/kg đến 95.000 đồng/kg. Trong khi đó, thịt lợn bán lẻ tại nhiều chợ vẫn dao động từ 120.000 đồng đến 150.000 đồng/kg, thời cao điểm giữa tháng 11, giá thịt lợn cao nhất đã lên đến 200.000 đồng/kg.
Giá thịt lợn đang là tác nhân chính khiến nhiều mặt hàng khác tăng giá theo như giò, chả, thức ăn nhanh, thức ăn ngoài, cá, tôm và thịt gia cầm, gia súc khác. Mới đây, lãnh đạo Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt ngăn chặn việc thương lái, chủ buôn, chủ trang trại làm nhiều cách để đẩy giá thịt lợn tăng cao.
Mới đây, lo ngại thiếu hụt thịt lợn trong thời gian cao điểm cuối năm, Bộ Công Thương đã lên phương án cho phép nhập khẩu thịt lợn từ các nước khác nhằm bổ sung thiếu hụt trong nước. Bộ Công Thương dự báo, có thể Việt Nam thiếu hụt 200.000 đến 300.000 tấn thịt heo trong thời gian tới.
Hiện giá thịt lợn đang kéo theo nhiều loại thực phẩm khác tăng giá, có thể khiến lạm phát tăng cục bộ trong tháng cuối năm, thời gian cao điểm mua sắm, tiêu dùng Tết nguyên đán Canh Tý 2020. Chính vì vậy, các cơ quan chức năng khuyến cáo người nuôi lợn không nên ghìm giá, giữ lợn vì rất có thể khi thịt heo nhập đổ bộ, giá thịt sẽ giảm mạnh.
Hiện, Trung Quốc là nước có kho dự trữ thịt lợn lớn nhất thế giới và nước này cũng là nơi tiêu thụ thịt lợn rất lớn. Thời gian qua, do dịch bệnh tả lợn châu Phi diễn ra, mặt hàng thịt lợn tại nước này trở nên khan hiếm, khủng hoảng và buộc chính phủ Trung Quốc phải đưa thịt lợn ra thị trường để bình ổn giá.
An Linh/DT