Gia tài của Đại tướng Võ Nguyên Giáp dành cho anh hùng La Văn Cầu
Là người dân tộc Tày tỉnh Cao Bằng, năm 1948, ông La Văn Cầu gia nhập Đại đội 671 và lập được nhiều thành tích trong chiến đấu. Trong trận Đông Khê thuộc chiến dịch Biên giới năm 1950, ông chỉ huy tổ bộc phá làm nhiệm vụ phá hàng rào và đánh lô cốt đầu cầu.
Khi bị địch bắn gãy nát một cánh tay, ông đã yêu cầu đồng đội chặt cánh tay gãy đi để khỏi vướng rồi lại tiếp tục ôm bộc phá xông lên, phá tan lô cốt đầu cầu, mở đường cho đơn vị xung phong tiêu diệt địch. Ông đã cổ vũ phong trào thi đua diệt giặc lập công trong toàn quân.
Khi tổng kết chiến dịch Biên giới, chiến sỹ trẻ La Văn Cầu được Đại tướng Võ Nguyên Giáp biểu dương “La Văn Cầu – lá cờ đầu của phong trào thi đua giết giặc lập công”.
“Đời tôi lần đầu tiên chiến đấu mà sau khi hoàn thành nhiệm vụ được Đại tướng biểu dương như vậy. Đấy là gia tài về lịch sử Đại tướng đã trao cho tôi, không có lời khen nào hơn thế nữa”, ông La Văn Cầu xúc động nói.
Ông chia sẻ, lời biểu dương của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến giờ vẫn còn nguyên giá trị, lúc nào cũng thôi thúc ông hướng về phía trước, vượt qua khó khăn, tình huống nào cũng phải vượt, khó khăn thì quyết tâm phải càng cao.
Vị anh hùng bày tỏ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là học trò của Bác Hồ. Ông được học rất nhiều điều ở Đại tướng. Đó là tính chính xác, quân sự, tình huống nào cũng xử lý rất thông minh… tất cả những đặc điểm này của Đại tướng luôn toát lên ở mọi lúc mọi nơi. Khi chiến đấu có Đại tướng chỉ huy ông cảm thấy rất vững tâm, rất tự hào được là chiến sĩ của Đại tướng.
“Chính vì thế tôi đã xả thân không nề hà khi chiến đấu, góp một phần chiến công nho nhỏ vào chiến thắng vĩ đại của dân tộc. Tôi đã vĩnh viễn để lại cánh tay phải ở cứ điểm Đông Khê lịch sử”, ông Cầu nói.
Ông chia sẻ thêm: “Đến bây giờ tâm niệm của tôi là quyết tâm học tập bác Giáp. Bác sống đến 103 tuổi, tôi cũng cố gắng nối theo bác, không biết có được thế không”.
Tháng 5/1951, với thành tích trong chiến dịch biên giới, anh hùng La Văn Cầu vinh dự được Bác Hồ mời lên chiến khu Việt Bắc.
Ông cùng một cán bộ công vụ đi bộ từ Lạng Sơn lên ATK thuộc huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang để gặp Bác Hồ. Hai người đi bộ ròng rã suốt 2 ngày thì đến.
“Buổi chiều đến ATK, tôi không bao giờ quên được hình ảnh Bác Hồ khi ấy – một ông cụ mặc áo nâu ngồi trên chõng tre cạnh cây đa cổ thụ.
Trước khi đi, chỉ huy trung đoàn giao nhiệm vụ cho tôi thay mặt cán bộ, chiến sĩ chúc sức khỏe Bác, nhưng được gặp Bác, tôi xúc động quá, chưa kịp nói gì thì Bác đã ân cần thăm hỏi:
– Cháu Cầu đến rồi phải không? Cháu Cầu từ Lạng Sơn về đây, đường sá xa xôi, năm trước cháu lại bị thương nặng, mất máu nhiều, chắc là mệt. Giờ cháu đi nghỉ, tối ăn cơm cùng Bác.
Tối hôm đó, tôi được dùng bữa tối cùng Bác Hồ và các đồng chí Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt… Tôi nhớ, trước khi ăn Bác vui vẻ giới thiệu:
– Thực đơn hôm nay có thịt gà do Bác tự nuôi, trứng gà đẻ, rau Bác tự trồng, mắm muối thì nhờ các cô chú cấp dưỡng mua. Cháu Cầu ăn tự nhiên, không ăn hết khẩu phần là lãng phí đấy.
Sau đó Bác hỏi tôi:
– Cháu Cầu hôm nay ăn cơm với Bác và các đồng chí Trung ương có ngon không?
Dù chưa nói thạo tiếng Kinh, nhưng tôi nghĩ nhanh rồi trả lời:
– Thưa Bác, cháu ăn cơm ở đơn vị cũng ngon, nhưng hôm nay cháu vinh dự được ăn cơm cùng Bác và các đồng chí Trung ương, cháu thấy ngon hơn ạ!
Bác hướng sang đồng chí Trường Chinh và khen:
– Cháu Cầu trông hiền thế kia mà trả lời ‘chính trị’ đáo để”
Ông La Văn Cầu cho hay, khi được gặp Bác Hồ thì cảm giác sung sướng không thể tả xiết, ông cũng được gặp Bác rất nhiều lần sau đó.
Mấy năm gần đây, ba lần ông phải vào bệnh viện để phẫu thuật tim, dạ dày, cắt đoạn ruột…, đến nỗi bác sĩ còn nói: “Bác Cầu không những là anh hùng trong chiến đấu mà còn là anh hùng trên bàn mổ”. Nhờ tinh thần lạc quan, kiên trì luyện tập, ông vẫn khỏe mạnh, minh mẫn.
Khi về hưu, trong cuộc sống đời thường ông cũng không nề hà bất cứ việc gì. Hàng ngày, cứ 4h sáng ông dậy, 5h cầm chổi ra dọn vệ sinh nhà cửa và cả con ngõ nơi ông sống, đến chiều ông lại quét một lần nữa.
“Tôi làm theo đúng lời dạy của Bác Hồ, làm phúc cho đời, làm mãi, làm mãi, không bao giờ thừa, chỉ sợ thiếu thôi. Cái gì lợi cho cộng đồng thì tôi sẵn sàng làm, sẵn sàng xả thân, cái gì hại thì không làm”, anh hùng La Văn Cầu bày tỏ.
Khi được TP Hà Nội vinh danh là “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2019, ông xúc động nói, đây là vinh dự quá lớn, không ngờ cuối đời lại nhận được vinh dự như vậy.
Đại tá La Văn Cầu là một trong 7 chiến sĩ đầu tiên được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Ông được Đảng, Nhà nước tặng thưởng huân chương Quân công hạng ba, huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng ba, hạng nhì, hạng nhất và huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng nhất.
Năm 2009, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân La Văn Cầu được Chủ tịch UBND TP Hà Nội tặng bằng khen; năm 2017 được Thủ tướng tặng bằng khen. Năm 2019, ông được TP Hà Nội vinh danh là “Công dân Thủ đô ưu tú”…
Hương Quỳnh – Thành Nam/VNN