+
Aa
-
like
comment

Gia nhập NATO lúc này có còn lợi cho Ukraine?

Huy Hoàng - 07/12/2022 14:47

Mặc dù việc gia nhập NATO là một trong những nguyên nhân làm bùng nổ cuộc giao tranh với Nga. Thế nhưng, kể từ sau vụ đánh sập cầu Crimea diễn ra, việc gia nhập NATO với Ukraine lại trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg (phải) và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky

Vừa qua, chia sẻ với truyền thông, bà Olga Stefanishina – Phó Thủ tướng Ukraine, người phụ trách Hội nhập châu Âu và châu Âu – Đại Tây Dương, cho hay ngày 1/12 rằng: “Chúng tôi đã đạt tiến bộ trong việc xích lại gần hơn với với NATO. Tại cuộc họp cấp bộ trưởng ở Bucharest vào ngày 30/11 vừa qua, tất cả 30 nước NATO đã nhất trí về sự cần thiết phải trao tư cách thành viên cho Ukraine”. Có thể thấy cho tới nay, mong muốn gia nhập NATO của Ukraine vẫn cực kỳ mạnh mẽ.

Tuy nhiên, NATO hiện chưa bình luận về phát ngôn của Phó Thủ tướng Ukraine. Khối này trước đó nhấn mạnh họ luôn mở cửa với Ukraine, nhưng khẳng định Kiev chưa đạt các yêu cầu cơ bản để trở thành thành viên.

Sau cuộc họp ở Bucharest hôm 30/11, thông cáo chính thức của NATO cũng không nhắc tới khả năng sớm kết nạp Ukraine, khẳng định hội nghị chỉ tập trung vào thảo luận về “khả năng phục hồi, việc duy trì lợi thế công nghệ của NATO và tăng cường hợp tác với các đối tác Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”. Mặc cho thái độ cầu thị từ Kiev, NATO đến nay vẫn chưa có bất kỳ động thái nào sẽ sớm để kết nạp Ukraine.

Hình ảnh vụ nổ cầu Crimea

Vậy thì tại sao đã qua 10 tháng giao tranh, Ukraine vẫn mong muốn gia nhập NATO đến như vậy? Để hiểu được tình thế mà Ukraine đang gặp phải, chúng ta cần nhìn những gì đã xảy ra từ sau sự kiện đánh sập cầu Crimea.

Kể từ sau vụ đánh bom bí ẩn nhắm vào cầu Crimea, dù chưa có bằng chứng chứng minh là Ukraine gây ra, thế nhưng quốc gia này đã phải hứng chịu những thiệt hại vô cùng lớn về cơ sở hạ tầng do các cuộc tấn công tên lửa có chủ đích từ Nga.

Theo đó, hàng trăm ngàn ngôi nhà bị phá hủy, 30% hệ thống giao thông bao gồm cả đường sắt, đường cao tốc và các cây cầu đã bị đánh sập với giá trị ước tính 96 tỷ đô la, 388 cơ sở doanh nghiệp 18 sân bay dân sự, 43.700 máy móc nông nghiệp, 1991 cửa hàng, 715 cơ sở văn hóa, 934 cơ sở chăm sóc sức khỏe, 119 cơ sở dịch vụ xã hội, 593 hiệu thuốc, 17 trung tâm dịch vụ hành chính bị hư hỏng phá hủy hoặc tịch thu.

Hiện tại Chính phủ Ukraine đã phải tiến hành cắt điện luân phiên

Chỉ trong vài tuần gần đây, tên lửa và máy bay không người lái của Nga còn đã tấn công 40% cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine, gây ra tình trạng mất điện liên tục trên khắp đất nước. Với người dân Ukraine, ngoài bất tiện trong cuộc sống hàng ngày như thực phẩm không thể cất trữ trong tủ lạnh, giặt quần áo phải dùng tay hay dùng đèn dầu thắp sáng vào ban đêm. Việc không có điện còn dẫn đến mất nguồn cung cấp nước và xử lý nước thải, từ đó có thể gây ảnh hưởng sức khỏe tại các thành phố. Nhiều doanh nghiệp của Ukraine cũng vì mất điện mà không thể duy trì hoạt động sản xuất. Mất điện còn gây rủi ro cho hoạt vận chuyển khí đốt bằng đường ống, vì các trạm nén khi đẩy nhiên liệu xuống đường ống cần có điện. Hiện tại Chính phủ Ukraine đã phải tiến hành cắt điện luân phiên giữa các vùng và thiết lập các trạm sưởi ấm công cộng để phục vụ cho mùa đông.

Có thể thấy, kể từ sau sự kiện đánh sập cầu Crimea, Ukraine đã nhận về vô số thiệt hại do những đợt trả đũa từ Nga. Và vì mất đi những cơ sở hạ tầng quan trọng này, nền kinh tế Ukraine đang rơi vào kiệt quệ.

Giờ đây, sự hỗ trợ từ các đồng minh đang ngày một yếu đi thấy rõ. Đơn cử như vụ việc mới đây nhất tại Italy, sau khi chính phủ Italy hứa hẹn sẽ cung cấp thêm vũ khí cho Ukraine vào năm 2024, hàng nghìn người dân tại Thủ đô Rome đã xuống đường đường biểu tình. Họ yêu cầu tăng lương và lên án chính phủ Italy nên chấm dứt việc viện trợ vũ khí cho Ukraine, nhiều người cho rằng việc đó chỉ làm leo thang xung đột và Ukraine tốt nhất là nên đàm phán với Nga.

Một tòa chung cư bị phá hủy hoàn toàn trong giao tranh ở Borodyanka, Bucha, Ukraine

Việc nguồn viện trợ đang có nguy cơ gián đoạn, trong khi kinh tế thì đang bị tàn phá trước các đợt tấn công nhắm vào cơ sở hạ tầng từ Nga. Chính vì vậy, nếu việc tấn công như trên tiếp tục kéo dài, kinh tế Ukraine sẽ đạt đến giới hạn. Qua đó sẽ buộc Kiev phải lùi bước trước Nga trên mặt trận quân sự.

Cuộc chiến giờ đây là cuộc chiến xem ai chịu đựng lâu hơn, và Ukraine đang ngày một thất thế. Cho đến nay, Ukraine trên giấy tờ vẫn là một quốc gia trung lập, nằm ngoài cả EU và NATO. Do đó, càng giữ tình trạng trên càng lâu, Ukraine càng đứng trước nguy cơ mất đi nguồn hỗ trợ.

Việc gia nhập NATO, trước mắt sẽ có thể duy trì sự trợ giúp lâu dài từ các thành viên của khối. Qua đó, giữ vững sức chiến đấu trước Nga. Ngoài ra, việc gia nhập được NATO sẽ mở một cánh cửa giúp Kiev nhanh chóng được kết nạp vào EU, qua đó nhận được sự hỗ trợ về mặt kinh tế.

Không chỉ giúp họ có thêm chiến phí để duy trì chiến tranh, mà còn nhận được các khoản hỗ trợ để tái thiết kinh tế thời hậu chiến. Tuy nhiên, cả NATO và EU đều có sự lo ngại, khi NATO thì lo ngại sẽ đối đầu trực diện với Nga, còn EU thì không muốn kết nạp một thành viên yếu kém về kinh tế. Đi ngược với lợi ích chung, mong muốn gia nhập của Ukraine vì thế vẫn rất khó có thể thành hiện thực vào lúc này.

Huy Hoàng

Bài mới
Đọc nhiều