+
Aa
-
like
comment

Giả mạo thông tin ‘học sinh tiếp tục nghỉ học’, bị xử lý như thế nào?

14/02/2020 20:39

Để xử phạt hành chính hay xử lý hình sự đối tượng giả mạo tài liệu của cơ quan, tổ chức, các chuyên gia pháp luật cho rằng cần chứng minh mục đích làm giả.

Giả mạo thông tin ‘học sinh tiếp tục nghỉ học’, bị xử lý như thế nào?

Trong đêm 12.2 và sáng 13.2, trên mạng xã hội lan truyền văn bản giả mạo về việc kéo dài thời gian nghỉ học đến ngày 21.2.2020 do dịch Covid-19 khiến phụ huynh, học sinh hoang mang.

Trong sáng 13.2, ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở Giáo dục – Đào tạo TP.HCM, đã ký văn bản khẳng định thông tin lan truyền “cho học sinh tiếp tục nghỉ học do lo ngại việc lây nhiễm virus nCoV” là thông tin giả mạo.

Ngày 13.2, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm vừa yêu cầu Công an TP.HCM phối hợp với Sở Giáo dục – Đào tạo, Sở Thông tin – Truyền thông điều tra làm rõ và xử lý theo đúng quy định của pháp luật đối với việc giả mạo văn bản cho học sinh nghỉ học.

Giả mạo thông tin 'học sinh tiếp tục nghỉ học', bị xử lý như thế nào? - ảnh 1
Văn bản thông báo cho học sinh tiếp tục nghỉ học được Sở GD – ĐT TP.HCM xác định là giả mạo

Theo luật sư Bùi Quốc Tuấn (Đoàn luật sư TP.HCM) hành vi làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức, tùy mục đích có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc xử lý hình sự. Và ngoài ra còn có thể bị xử lý kỷ luật, tùy đối tượng cụ thể.

Làm giả để thực hiện hành vi trái pháp luật, xử lý hình sự

“Khi xác minh sự việc, cơ quan chức năng cần làm rõ hành vi làm giả văn bản nhằm mục đích gì và tùy trường hợp, mức độ để xử lý. Hành vi làm giả tài liệu của Sở GD-ĐT TP.HCM đã rõ, nên hành vi này xâm phạm trật tự quản lý hành chính Nhà nước. Vì vậy, nếu cơ quan chức năng chứng minh được đối tượng làm giả tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức thực hiện hành vi trái pháp luật thì bị phạt tiền hoặc phạt tù đến 7 năm tù về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức theo Điều 341 bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Đối với hành vi làm giả tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì họ có thể bị xử phạt hành chính theo từng lĩnh vực cụ thể, phụ thuộc vào loại giấy tờ giả mà họ sử dụng là loại giấy tờ nào.

Tuy nhiên, luật sư Bùi Quốc Tuấn cũng cho hay hiện nay, quy định của pháp luật hiện hành chỉ mới quy định mức xử phạt hành chính đối với hành vi sử dụng CMND giả, thì phạt từ 2 triệu – 4 triệu đồng (theo Nghị định 167/2013 của Chính phủ); hành vi sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị xử phạt tiền từ 7 triệu – 10 triệu đồng (Nghị định 79/2015 của Chính phủ).

“Đối với hành vi giả văn bản, tài liệu của Sở GD-ĐT TP.HCM, nếu chưa đủ dấu hiệu cấu thành tội hình sự thì trong trường hợp này, cơ quan chức năng sẽ nhắc nhở người vi phạm là chính”, luật sư Tuấn nhận định.

Ngoài ra, luật sư Lê Quang Vũ (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết nếu hành vi giả mạo tài liệu hoặc giấy tờ của cơ quan, tổ chức gây hoang mang dư luận thì cơ quan chức năng vẫn có thể xử phạt người vi phạm về hành vi “Thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật” hoặc hành vi “Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác”, theo nghị định 174/2013 của Chính phủ về Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông, công nghệ thông tin…

PV/TN

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều