+
Aa
-
like
comment

Giá lương thực toàn cầu tăng đột biến khiến các nhà hoạch định chính sách đau đầu

Bảo Trâm - 13/07/2021 15:14

Theo Reuters, sự quay trở lại không mong muốn của áp lực giá lương thực đã khiến các nhà hoạch định chính sách và nhà đầu tư trở nên đau đầu trong bối cảnh khắp nơi trên thế giới vẫn chịu sự ảnh hưởng của các đợt bùng phát Covid-19 mới.

Reuters trích ý kiến của Manik Narain, người đứng đầu chiến lược thị trường mới nổi tại UBS cho biết: “Các Ngân hàng Trung ương sẽ theo dõi biến động giá lương thực khá cẩn thận trong vài tháng tới vì họ sẽ phải đưa ra quyết định có phản ứng với điều này hay không.”

Thực phẩm là yếu tố lớn nhất trong rổ lạm phát ở nhiều thị trường mới nổi, chiếm khoảng một nửa ở các nước như Ấn Độ hoặc Pakistan so với chiếm dưới 10% ở Mỹ.

Giá lương thực tăng cao đã góp phần gây ra bất ổn xã hội trong quá khứ. Các tác động của biến đổi khí hậu dự kiến ​​sẽ làm trầm trọng thêm sự biến động giá cả và giá năng lượng tăng càng làm tăng thêm áp lực, theo Reuters.

Đối với Cleanne Brito Machado, giống như hàng triệu người ở các nước đang phát triển trên thế giới, việc mua sắm các loại thực phẩm chủ yếu như gạo, đậu, dầu hoặc khoai tây giờ đây trở thành những lựa chọn khó khăn.

Giỏ hàng ngày càng ít đi và chúng tôi phải trả nhiều tiền hơn“, người phụ nữ 41 tuổi làm nghề giúp việc ở thủ đô Brasilia của Brazil cho biết, “Chúng tôi đã phải từ bỏ những chuyến du lịch nhỏ, về thăm gia đình vào cuối tuần và chúng tôi không thể tiết kiệm được bất kỳ khoản tiền nào cho những trường hợp khẩn cấp hoặc gửi ngân hàng”.

Sự kết hợp giữa mất giá đồng tiền, tăng giá hàng hóa và sự gián đoạn do Covid-19 đã khiến lạm phát lương thực tăng 14% trong năm ngoái ở nền kinh tế lớn nhất Mỹ Latinh (mức tăng lớn nhất trong gần hai thập kỷ). Các thực phẩm chủ lực đề cập ở trên đều có sự tăng vọt về giá, chẳng hạn như gạo tăng 76% hoặc giá dầu đậu nành tăng gấp đôi.

Theo Reuters, các nước đang phát triển khác từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Nigeria cũng ghi nhận mức lạm phát lương thực tăng vọt ở hai con số. Các nhà xuất khẩu lúa mì và ngô lớn như Nga hay Argentina đã áp dụng các biện pháp hạn chế hoặc áp thuế để bảo toàn kho dự trữ trong nước, làm gia tăng áp lực ở những nơi khác.

Dữ liệu của Liên hợp quốc cho thấy giá lương thực đạt mức cao nhất trong sáu năm vào tháng 1/2021 sau khi tăng trong tám tháng liên tiếp.

Đối với những người như Machado, hóa đơn thực phẩm cao hơn khiến chi tiêu cho các hàng hóa khác ít hơn, hạn chế nhu cầu đối với các mặt hàng từ du lịch đến ăn uống.

Đặc biệt hơn, nhiều quốc gia đã chứng kiến ​​nguồn thu ngoại tệ khó khăn từ các lĩnh vực như du lịch và họ thiếu khả năng bơm kích thích kinh tế như các quốc gia giàu có hơn.

David Rees, chuyên gia kinh tế cấp cao về thị trường mới nổi tại Schroders nói với Reuters: “Đó là một sự cân bằng rất khó khăn, các chính phủ ở các thị trường mới nổi cho dù có làm hay không làm những điều như vậy cũng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Là một nhà hoạch định chính sách – bạn chọn hỗ trợ dân số của mình hay chọn giữ cho thị trường hài lòng?”.

Bảo Trâm (Theo Reuters)

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều