+
Aa
-
like
comment

Giá lợn hơi tại Thái Lan tăng mạnh sau thông tin Việt Nam nhập khẩu

14/06/2020 18:42

Sau tin doanh nghiệp Việt sẽ nhập lợn sống từ Thái Lan, giá lợn hơi tại nước này tăng mạnh. Thương nhân cho rằng nếu không tính toán kỹ lưỡng, doanh nghiệp nhập khẩu có thể bị lỗ.

Chiều 11/6, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phát đi thông báo cho phép nhập khẩu lợn sống từ Thái Lan vào Việt Nam để nuôi, giết mổ làm thực phẩm kể từ ngày 12/6.

Theo đó, các doanh nghiệp nhập khẩu lợn sống phải có xe vận chuyển lợn chuyên dụng, bảo đảm yêu cầu vệ sinh thú y và phúc lợi động vật, đồng thời phải có cơ sở nuôi cách ly kiểm dịch đáp ứng các yêu cầu theo quy định.

Ở chiều ngược lại, Thái Lan đăng ký 8 trang trại xuất khẩu lợn sống sang Việt Nam. Số lượng trang trại đăng ký có thể thay đổi tùy từng thời điểm nhưng bảo đảm các trang trại này đều được cơ quan thú y có thẩm quyền của Thái Lan giám sát và đăng ký với Cục Thú y Việt Nam.

Gia lon song tu Thai Lan nhap ve Viet Nam tang len muc ‘kho mua’ anh 1
Bộ NN&PTNT cho phép nhập khẩu lợn sống từ Thái Lan vào Việt Nam để nuôi, giết mổ làm thực phẩm kể từ ngày 12/6. Ảnh: Văn Giang.

Trong 3 ngày, giá lợn hơi tại Thái Lan tăng 8.000 đồng/kg

Trao đổi với báo chí, ông Phạm Trần Sum, Giám đốc Công ty TNHH Dinh dưỡng quốc tế Việt Đức, cho biết đơn vị này mới hoàn tất các thủ tục nhập khẩu lợn sống với đối tác Thái Lan. Dự kiến đầu tuần tới, lô hàng 2.000 con lợn sống sẽ được chuyển về khu vực biên giới giữa Lào và Thái Lan để chờ vận chuyển về Việt Nam.

Ông Sum thông tin thêm kể từ khi công bố cho phép nhập khẩu lợn sống từ Thái Lan vào Việt Nam để nuôi, giết mổ làm thực phẩm, giá lợn hơi tại Thái Lan tăng mạnh. Chỉ trong 3 ngày, giá lợn hơi tại Thái Lan đã tăng thêm 8.000 đồng/kg, vượt mức 60.000 đồng/kg.

Tính trung bình mỗi con lợn nặng 100 kg, doanh nghiệp phải trả thêm 800.000 đồng/con. Bên cạnh đó là phí vận tải, phí kiểm dịch, bến bãi, thuế tạm nhập tái xuất,… và các yếu tố như hao hụt, rủi ro lợn chết.

Tổng chi phí tăng thêm cho mỗi con lợn khoảng 1,5 triệu đồng. Như vậy, giá lợn hơi về Việt Nam đã lên đến 80.000 đồng/kg. Đại diện doanh nghiệp cho rằng nếu không tính toán cẩn thận, có nguy cơ lỗ nặng.

Gia lon song tu Thai Lan nhap ve Viet Nam tang len muc ‘kho mua’ anh 2
Thương nhân cho rằng nếu không tính toán kỹ lưỡng trong việc nhập khẩu lợn từ Thái Lan, có thể thua lỗ. Ảnh: Văn Giang.

Ông Hòa Bình, Giám đốc trại chăn nuôi lợn Hòa Bình, cho biết nếu cộng tất cả chi phí, giá lợn hơi về theo đường biên giới Lào là 82.000-84.000 đồng/kg, còn Campuchia là 84.000-86.000 đồng/kg. Mức giá này tăng 10.000 đồng/kg so với 10 ngày trước.

Trong khi đó, giá lợn hơi trong nước ngày 14/6 đồng loạt giảm. Tại miền Bắc, giá giảm 1.000-3.000 đồng/kg, phổ biến dao động 90.000-92.000 đồng/kg. Giá lợn hơi tại miền Trung và miền Nam giảm xuống quanh mức 84.000-89.000 đồng/kg, một số tỉnh còn 83.000 đồng/kg.

Trước đó, ông Đàm Xuân Thành, Phó cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), cho biết giá lợn hơi tại Thái Lan dao động 55.000-57.000 đồng/kg. Việc cho nhập lợn sống từ Thái Lan về giết mổ thương phẩm sẽ tác động tích cực đến giá lợn hơi trong nước.

Chỉ đạo ngăn chặn buôn lậu lợn, sản phẩm từ lợn qua biên giới

Bộ NN&PTNT mới có công văn hỏa tốc gửi Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389 quốc gia); UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương yêu cầu tăng cường kiểm soát vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn qua biên giới.

Theo báo cáo của cơ quan chuyên môn thú y, thời gian qua hiện tượng buôn bán, vận chuyển trái phép lợn qua biên giới giữa Việt Nam và các nước, đặc biệt là qua biên giới với Lào, Campuchia làm gia tăng nguy cơ xâm nhiễm, lây lan các loại dịch bệnh nguy hiểm như dịch tả lợn châu Phi, lở mồm long móng,… từ các nước vào Việt Nam.

Bộ NN&PTNT đề nghị Ban chỉ đạo 389 quốc gia chỉ đạo, đôn đốc Ban chỉ đạo 389 các tỉnh biên giới trong việc ngăn chặn, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp nhập lậu, vận chuyển, buôn bán trái phép lợn, sản phẩm lợn ra, vào Việt Nam; đặc biệt là qua biên giới với Lào, Campuchia.

Thành lập các đoàn công tác của Ban chỉ đạo 389 quốc gia đến các địa bàn trọng điểm để hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc tổ chức triển khai đồng bộ các biện pháp ngăn chặn tình trạng vận chuyển trái phép lợn, sản phẩm từ lợn ra, vào Việt Nam.

Bộ NN&PTNT cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường kiểm tra, kiểm soát, đặc biệt tại cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, giết mổ, vận chuyển lợn, sản phẩm lợn không đảm bảo an toàn làm lây lan dịch bệnh.

Bảo đảm sớm chấm dứt tình trạng nhập lậu, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật, sản phẩm động vật, đặc biệt là lợn, sản phẩm lợn ra, vào Việt Nam tại các đường mòn, lối mở với các nước Lào, Campuchia. Trường hợp bắt được các lô hàng lợn, sản phẩm từ lợn vận chuyển bất hợp pháp thì phải tiêu hủy theo quy định.

Văn Hưng/ ZFN

Bài mới
Đọc nhiều