Giá lợn hơi giảm nhưng giá thịt lợn vẫn cao, Bộ trưởng NN-PTNT nói gì?
15 doanh nghiệp lớn giảm giá lợn hơi xuống 70.000 đồng/kg nhưng lượng lợn nuôi từ các doanh nghiệp này chưa đủ sức chi phối, thịt lợn giết mổ nhỏ lẻ, đi qua nhiều khâu trung gian, khiến giá thịt lợn vẫn ở mức cao.
Trao đổi với báo chí bên lề cuộc họp trực tuyến bàn giải pháp ứng phó nguy cơ dịch bệnh trên cây trồng do Bộ NN-PTNT tổ chức ngày 7.4, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường lý giải nguyên nhân vì sao giá thịt lợn vẫn cao trong khi giá lợn hơi xuất chuồng được các doanh nghiệp điều chỉnh xuống 70.000 đồng/kg.
Theo ông Cường, về giá thịt lợn cao, nguyên nhân thứ nhất là do chăn nuôi hiện tại chưa đủ sản lượng phục vụ nhu cầu thị trường. Thống kê trước khi có dịch tả lợn châu Phi, mỗi quý thị trường cần tới 910.000 tấn nhưng vừa qua chỉ đạt 820.000 – 830.000 tấn.
Bên cạnh đó, chăn nuôi lợn hiện trong bối cảnh vẫn còn dịch tả lợn châu Phi nên chi phí phòng dịch bệnh, đảm bảo các biện pháp an toàn sinh học chống dịch khiến giá thành cũng cao hơn so với trước đây.
Cũng theo ông Cường, để điều tiết thị trường thịt lợn, Bộ NN-PTNT đã làm việc với 15 doanh nghiệp lớn trong ngành chăn nuôi bàn các giải pháp hạ giá. Bắt đầu từ ngày 1.4, các doanh nghiệp này đồng loạt hạ giá lợn hơi xuất chuồng đồng đều ở mức 70.000 đồng/kg. Nhưng số lượng lợn ở những doanh nghiệp này chưa đủ lớn, dẫn đến chưa đủ sức chi phối thị trường.
Mặt khác, lợn được giết mổ chủ yếu ở các cơ sở nhỏ lẻ, lưu thông qua nhiều kênh phân phối nhỏ lẻ, khiến người dân chưa thể tiêu dùng thịt lợn với mức giá thấp như chúng ta mong muốn.
Đẩy nhanh tái đàn, nhập khẩu thịt lợn
Ông Cường khẳng định, để giảm giá thịt lợn hiện nay, giải pháp gốc rễ vẫn là tập trung, tái đàn, tăng đàn đàn lợn sau dịch tả lợn châu Phi. Ngay sau đỉnh dịch, Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo các doanh nghiệp, địa phương đẩy nhanh việc tái đàn và kết quả hiện giờ rất khả quan.
Đến đầu tháng 3, tổng đàn lợn đã đạt 24 triệu con. Với tốc độ tái đàn đạt 6,3% như hiện nay, dự báo đến quý 3 và đầu quý 4, tổng đàn lợn sẽ đạt số lượng bằng thời kỳ cao nhất cuối năm 2018. Khi đó, ngành chăn nuôi lợn trong nước sẽ có đủ khối lượng để cung cấp cho thị trường.
Bên cạnh đó, Bộ NN – PTNT tiếp tục phối hợp với Bộ Công thương, các doanh nghiệp làm sao giảm bớt khâu trung gian giữa các khâu sản xuất, khâu chế biến, đến phân phối tiêu dùng phải ngắn nhất. Trong thời gian tới, Bộ NN – PTNT tiếp tục nhập khẩu thịt lợn trong chừng mực còn thiếu, để đảm bảo cho nhu cầu thị trường.
“Chúng tôi cũng khuyến cáo người tiêu dùng lựa chọn nhiều sản phẩm thay thế thịt lợn như trứng, cá… để vừa đảm bảo có lợi, tốt cho sức khỏe, vừa có giá cả phù hợp với sức tiêu thụ và không tạo áp lực về một mặt hàng là thịt lợn”, ông Cường nói.