Giá lên đỉnh kỷ lục, thịt lợn sẽ tiếp tục tăng đến Tết
Chỉ trong ít ngày, giá thịt lợn hơi leo thẳng lên mốc 55.000-63.000 đồng/kg. Lãnh đạo Cục Chăn nuôi nhận định giá lợn dự kiến sẽ tiếp tục tăng, song sẽ không quá cao như Trung Quốc.
Trao đổi với báo chí về câu chuyện nguồn cung thịt lợn đang thiếu hụt đã đẩy mặt hàng này tăng giá chóng mặt suốt từ đầu tháng 10 tới nay, ông Nguyễn Văn Trọng Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT), cho biết, phía Cục đã yêu cầu các địa phương thống kê đàn lợn đến 31/8/2019. 56 tỉnh, thành phố đã có báo cáo số liệu đàn lợn hiện là trên 22 triệu con và 2,7 triệu con nái. Dự kiến, với 7 tỉnh còn lại, tổng đàn lợn cả nước hiện có khoảng gần 25 triệu con.
Theo ông, với số lượng lợn nái khoảng 2,7 triệu con như hiện nay thì hoàn toàn có thể chủ động con giống cho tái đàn, cùng với hệ thống chăn nuôi an toàn sinh học, ngành chăn nuôi sẽ chủ động được nguồn thực phẩm cuối năm.
Ông Trọng cho hay, hiện nay, giá thịt lợn ở miền Bắc đang dao động từ 60.000-63.000 đồng/kg; Bắc Giang và Vĩnh Phúc cao nhất với mức giá 63.000 đồng/kg. Giá lợn hơi tại miền Trung dao động từ 50.000-57.000 đồng/kg. Tại khu vực ĐBSCL, giá lợn hơi từ 56.000-60.000 đồng/kg.
Liên quan đến vấn đề liệu giá thịt lợn ở Việt Nam có đuổi kịp giá lợn hơi tại Trung Quốc hay không, ông Trọng nhận định giá lợn dự kiến sẽ tiếp tục tăng nhưng sẽ không quá cao như Trung Quốc.
Theo ông Trọng, hiện các cơ sở, trang trại chăn nuôi lớn hầu hết chăn nuôi khép kín, theo chuỗi nên đảm bảo từ khâu sản xuất giống cho đến thương phẩm an toàn sinh học tốt. Đây là những cơ sở có khả năng tái đàn. Đối với hộ chăn nuôi nhỏ nếu không đủ điều kiện an toàn sinh học cũng không nên tái đàn vì nếu dịch tái bùng phát sẽ ảnh hưởng về kinh tế cũng như an toàn dịch bệnh cho cơ sở xung quanh.
Trước đó, dù không đưa ra dự báo giá lợn hơi từ nay đến cuối năm sẽ lên mức bao nhiêu nhưng Cục trưởng Cục Chăn nuôi Nguyễn Xuân Dương khẳng định, giá không thể tăng như Trung Quốc vì tỷ lệ đàn lợn của chúng ta vẫn còn nhiều, bên cạnh đó chúng ta còn nhiều giải pháp khác như phát triển đàn gia cầm, gia súc ăn cỏ, thủy sản.
Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho rằng, việc thịt lợn thiếu tức thì là đương nhiên. Người tiêu dùng cũng cần phải chuyển sang các thực phẩm khác để giảm áp lực cho thịt lợn.
Thế nhưng trên thực tế, tại nhiều địa phương nguồn cung thịt lợn đã cạn kiệt. Anh Nguyễn Văn Trinh chủ trang trại nuôi lợn lớn tại xã Nghĩa Sơn (Nghĩa Hưng, Nam Định), cho biết, tại xã này chuồng trại đã trống từ lâu, đi cả xã không còn con lợn nào nữa. Bởi, một số hộ nuôi lợn mắc dịch tả lợn châu Phi buộc phải tiêu hủy, số khác lợn xuất chuồng xong cũng không dám vào đàn vì sợ dịch bệnh.
Như nhà anh, bình thường xuất lợn xong thì khoảng 20 ngày sau anh sẽ vào đàn mới, song dịp này hơn một tháng nay anh vẫn chưa dám bắt lợn về nuôi, chờ nghe ngóng tình hình và dự kiến nếu ổn định thì 2 tuần nữa mới tái đàn.
Tại khu vực miền Nam, với mức giá hiện tại người chăn nuôi cũng đã có lãi. Song, lượng lợn trong dân không còn nhiều. Đơn cử như TP. Cần Thơ, thống kê cho thấy, đàn heo đã giảm đến 60%; còn tại tỉnh Đồng Nai, dịch tả heo châu Phi đã cướp đi 16% tổng đàn.
Như Băng/Vietnamnet