Giả làm ăn xin 2 ngày, Hội trưởng thiện nguyện phát hiện điều không ngờ
Trong quá trình làm công tác thiện nguyện, anh Nguyễn Thành Trung tỏ ra rất băn khoăn không hiểu vì sao hàng ngày lại có nhiều người già, trẻ nhỏ ăn xin tại các quán cà phê nhà hàng như vậy và ông đã quyết định giả làm người ăn xin…2 đêm giả ăn xin
Những ngày qua, vụ việc cán bộ trung tâm nhân đạo “tuồn” quà từ thiện ra ngoài tại Trung tâm Nuôi dưỡng người già và trẻ tàn tật Hà Nội khiến dư luận xôn xao. Nhiều ý kiến cho rằng, vụ việc này đã phần nào làm ảnh hưởng đến phong trào hoạt động thiện nguyện chung trên cả nước và mong muốn các cơ quan chức năng vào cuộc xử lý nghiêm.
Có thể nói, thiện nguyện là một hoạt động nhân văn, ý nghĩa nên thời gian qua đã có rất nhiều tổ chức, tấm lòng hảo tâm đứng ra quyên góp, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, đây là điều đáng ghi nhận. Thế nhưng, đằng sau đó vẫn còn những câu chuyện lợi dụng lòng tốt, dần dà khiến những mạnh thường quân cảm thấy e ngại, câu chuyện của Hội trưởng hội thiện nguyện Hạnh phúc là sẻ chia mới đây cũng khiến nhiều người suy ngẫm.
Trò chuyện với PV , anh Nguyễn Thành Trung cho biết trong quá trình làm thiện nguyện, điều mà anh nhớ nhất đó chính là bản thân anh giả làm ăn xin 2 đêm để tìm ra câu trả lời thắc mắc trong đầu.
“Năm 2011, tôi thường hay ngồi cà phê trên phố, có những tốp đánh giày, ăn xin, nhiều lúc tôi cũng hay cho tiền. Khi tôi đưa tiền thì bạn tôi bảo “cho làm gì” vì có bảo kê hết, cho là hại thêm họ… Nhưng, nhìn thấy người già, trẻ con nên tôi thấy rất tội. Ngày ấy, trong đầu tôi vẫn luôn nghĩ chắc họ nghèo khổ thật nên họ mới phải đi ăn xin. Sau khi nghe bạn nói, tôi đặt ra hàng loạt câu hỏi, tại sao trẻ còn nhỏ như vậy mà bố mẹ bế đi ăn xin, người già tại sao không về quê ở gần con cái mà làm? hoàn cảnh ra làm sao? Tại sao ngày nào cũng chỉ có một người xin ở một địa điểm? Nếu muốn giúp người ta thì mình phải tìm hiểu kỹ”, anh Trung chia sẻ.
Nghĩ là làm, anh Trung cho nhân viên tìm hiểu bằng cách đi theo những đứa trẻ, người già để hiểu thêm về cách thức hoạt động.
“Nhân viên của tôi thời điểm đó có gửi thông tin nói rằng có nhiều trường hợp thuê người tàn tật đẩy đi ngoài đường ăn xin, bán hàng… Mỗi ngày xin được vài trăm nghìn đến cả triệu, ai may mắn thì xin được vài triệu… Đến cuối ngày người thuê trả cho người tàn tật từ 50-60.000 đồng. Tiếp tục tìm hiểu, người đi ăn xin thì sẽ ăn ở đâu, ngủ ở đâu và chúng tôi cũng tìm ra nơi ăn ngủ của những người này”, anh Trung nói.
Sau khi nghe nhân viên thông tin, để có cái nhìn khách quan anh Trung quyết định đích thân mình sẽ tìm hiểu bằng cách giả làm ăn xin vào hai ngày cuối tuần.
Anh Trung nhớ lại 2 đêm mình giả làm người ăn xin: “Tôi vào vai ăn xin, rách rưới, tôi cũng nhận được sự thương xót của người đi đường. Và nhanh chóng tôi làm quen được với những “đồng nghiệp”. Tôi đi ra chợ Long Biên… tôi ngồi lề đường và bắt chuyện, người ta hỏi han vì sao lại đi ăn xin, tôi cũng đã chuẩn bị sẵn câu chuyện nói dối để tạo sự tin tưởng, đồng cảm. Từ đó, 2 người cùng cảnh đi ăn xin bắt đầu bộc bạch rằng ở quê hết mùa vụ, rảnh rỗi không có việc gì làm thêm, có đứa cháu ở Hà Nội hỏi đi làm ăn xin không vẫn có lương cố định… Thế là những người này tranh thủ.
Từ đó, tôi mới nhận ra thì ra đây gần như là một công việc, tôi được tận mắt chứng kiến. Từ ngày đó, tôi mới hạn chế cho những người ăn xin, vì nếu không cho thì lại lăn tăn, lương tâm bứt rứt. Biết vậy, nhưng vẫn cho và bây giờ tại các ngã tư đèn xanh đèn đỏ, hay các quán ăn chúng ta vẫn bắt gặp cảnh tượng ăn xin ấy”.
2 đêm giả làm ăn xin, có khi giả vờ ngủ co ro trên ghế đá anh Trung đã tìm được câu trả lời.
Chia sẻ về quá trình giả làm người ăn xin liệu có cảm thấy sợ hãi, anh Trung bộc bạch: “Để ngồi một góc ăn xin, ban đầu tôi cũng ngại, rồi đến khi mò vào tận nơi ở để tìm hiểu tôi hơi sợ khi va phải những kẻ cầm đầu bảo kê, nhưng tôi có những người bạn đi cùng, họ ngồi xa xa quan sát và có thể hỗ trợ bất cứ lúc nào, điều đó giúp tôi tự tin hơn trong việc tìm ra câu trả lời đang thắc mắc trong đầu”.
Đừng thiện nguyện theo kiểu phong trào
11 năm làm công tác thiện nguyện, anh Nguyễn Thành Trung cho biết Hội của mình có sức ảnh hưởng nhất định trong công tác thiện nguyện và có nhiều hoạt động đã được triển khai, đến với bà con vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn.
“Hiện nay, có nhiều tổ chức, cá nhân đứng ra kêu gọi thiện nguyện vì mạng xã hội facebook phát triển. Nhưng, có những yếu tố dễ khiến công tác thiện nguyện phát triển theo phong trào như: Nhiều đơn vị làm từ thiện với mục đích pr; Làm để tư lợi cá nhân; Thậm chí làm chỉ để thể hiện cái tôi… Vì những yếu tố đó mới sinh ra từ thiện theo phong trào”, ang Trung chia sẻ.
Theo anh Trung làm thiện nguyện là công tác nhân văn, đạo đức nên khi muốn giúp đỡ ai, hoàn cảnh nào thì phải tìm hiểu thật kỹ, xem hoàn cảnh đó cần gì.
“Chúng tôi hiện nay vẫn đang thực hiện theo cách, tìm hiểu xem bà con ở vùng cao cần gì, tặng vật nuôi, trồng rừng, xây chuồng trại, nhà cửa… tặng cho bà con. Giúp bà con phát triển kinh tế hộ gia đình, hay hỗ trợ học phí cho các cháu có hoàn cảnh khó khăn đến trường, hỗ trợ bệnh nhân nghèo…
Quan điểm của tôi khi làm từ thiện là “mang quà đi biếu chứ không phải đem cho. Nên thay vì mang những gì mà tự cho rằng là họ cần thì tôi sẽ đặt vị trí của mình vào họ, rồi tìm hiểu xem họ thực sự cần gì thì chúng tôi sẽ mang theo tặng họ.
Tôi cũng thấy nhiều nhóm từ thiện cứ mặc định mang theo mỳ gói, chăn màn, quần áo cũ… đi tặng, nhiều đoàn tặng quá bà con dùng không hết sẽ dẫn đến lãng phí”, hoặc người dân sẽ mang ra chợ bán để đổi vật dụng cần thiết khác, đến khi biết bà con mang bán quà từ thiện thì lại mắng họ “đấy, tặng có dùng đâu, toàn mang bán để lấy tiền uống rượu”, tôi thấy như vậy là không đúng”, anh Trung trải lòng.
Theo anh Trung: “Để làm thiện nguyện thì cần phải tìm hiểu kỹ nơi mình định giúp đỡ, chứ đừng làm theo kiểu có cho xong. Có như vậy, công tác thiện nguyện mới ngày càng phát triển và mang đúng ý nghĩa nhân văn cao đẹp”.
Thanh Lam