+
Aa
-
like
comment

Gia đình làm hơn 30.000 bánh ú dịp Tết Đoan Ngọ

25/06/2020 09:08

Một tuần trước Tết Đoan Ngọ, anh Phan Văn Hiếu, 31 tuổi, huyện Hóc Môn thuê thêm người gói bánh ú từ sáng đến đêm để kịp bán.

Hơn 50 năm nay, cứ đến Tết Đoan Ngọ (mùng 5/5 âm lịch), gia đình anh Phan Văn Hiếu (31 tuổi, xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn) lại quây quần gói bánh ú, loại bánh không thể thiếu trong ngày này của dân Nam Bộ.

“Vùng này từ xưa giờ vẫn làm bánh ú, ban đầu chỉ để ăn rồi nhiều nhà thành vựa luôn, cung cấp cho khắp Sài Gòn. Ngày thường tôi bán thịt heo ở chợ, nhưng cứ một tuần trước Tết Đoan Ngọ lại tạm nghỉ để làm bánh”, anh Hiếu cho biết.

Căn nhà của anh Hiếu trên đường Nguyễn Thị Sóc (ấp Bắc Lân) chất đầy bánh ú bên trong lẫn ngoài sân. Như mọi năm, vựa vẫn làm hơn 30.000 cái bánh ú bán trong dịp Tết Đoan Ngọ.

Chủ vựa cho biết, phải thuê khoảng 15 người phụ ngâm gạo, rửa lá, gói và luộc bánh… làm liên tục từ sáng đến đêm trong cả một tuần để kịp thời gian.

Một tấn gạo nếp được ngâm trong hai ngày với nước tro. Công việc này thường bắt đầu từ trước Tết Đoan Ngọ bốn ngày.

Thay vì gói lá tre, anh Hiếu dùng lá dong. Trước kia, để theo đúng truyền thống, người dân trong vùng chỉ sử dụng lá dong trồng ở Bà Điểm làm bánh. Do đô thị hóa nên từ nhiều năm nay, lá phải nhập ở Đồng Nai.

Lá dong tươi được rọc sống lưng, luộc khoảng 3 tiếng rồi rửa sạch để cho mềm, dai; khi gói không bị rách. Vựa anh Hiếu tiêu thụ gần một tấn lá dong gói bánh.

Hơn chục năm nay, cứ dịp Tết Đoan Ngọ, bà Nguyễn Thị Tai (ở giữa) lại tạm ngừng buôn bán để đi gói bánh ú thuê. Làm 12 tiếng mỗi ngày, bà được trả công gần một triệu đồng.

“Người nào quen tay thì ngày gói 1.000 cái là bình thường. Công việc này tôi thu nhập được, lại giữ nghề truyền thống. Mà gói bánh hơi mệt khi phải ngồi một chỗ cả ngày thôi”, người phụ nữ 63 tuổi chia sẻ.

Đậu xanh sau khi được ngâm nước sẽ trộn đường rồi nấu chín, vo tròn để làm nhân.

Nhân bánh ú thường có cục mứt bí đao và trộn thêm sầu riêng cho thơm. Việc vo nhân bánh chủ yếu dành cho phụ nữ.

Mỗi chùm có 12 bánh, được cột lại bằng dây chuối phơi khô. Bánh được luộc trong nồi lớn, nấu bằng củi để đảm bảo thơm ngon. Nước lúc nào cũng phải ngập bánh, mỗi nồi chứa khoảng 300 cái.

Sau gần 5 tiếng luộc, em Hồng Đức (15 tuổi) nhanh tay móc từng chùm bánh vào thau. Mấy ngày nay, Đức cùng một bạn trông 5 nồi bánh ú từ sáng đến đêm, canh giờ để châm nước, thêm củi, vớt…

“Vớt vài chùm bánh thấy thú vị lắm nhưng đứng hàng giờ bên bếp lửa, vớt liên tục thì nóng hừng hực, nhất là trưa nắng”, Đức chia sẻ.

Bánh sau khi vớt được dội nước lạnh cho nguội và treo trên thanh tre cho ráo nước.

Theo chủ vựa, bánh ngon là khi lá vẫn còn xanh, lớp ngoài có màu vàng nhạt còn nhân đậu mềm, có màu nâu của tro. Khi ăn bánh có vị thơm nhẹ, ngọt thanh và dẻo.

Hơn chục năm nay, ông Lê Thanh Tâm ( 50 tuổi, áo xanh) đều lấy của vựa 3.000 bánh ú để bán ở chợ Tân Định (quận 1) ngày Tết Đoan Ngọ. Mỗi chùm bánh có giá sỉ 60.000 đồng.

Tết Đoan Ngọ là ngày Tết truyền thống tại một số nước châu Á. Ở Việt Nam, ngày này còn được gọi là Tết giết sâu bọ. Người dân quan niệm, buổi sáng sớm ăn bánh tro, chè, trái cây, rượu nếp thì sẽ giết sâu bọ, bệnh tật trong người.

Quỳnh Trần/ VNE

Bài mới
Đọc nhiều