+
Aa
-
like
comment

‘Gia đình bị cáo Nguyễn Bắc Son khóc như mưa, quyết định làm theo tâm nguyện của bố’

21/12/2019 11:35

Theo luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyễn Bắc Son, việc gia đình không được gặp bị cáo, thư riêng của bị cáo cũng không được chuyển đến tay, là lý do họ không hợp tác trong việc khắc phục hậu quả.

Bị cáo Nguyễn Bắc Son trước tòa /// Ảnh V.H
Bị cáo Nguyễn Bắc Son trước tòa

Bào chữa cho bị cáo Nguyễn Bắc Son sáng 21.12, luật sư Phạm Công Hùng khẳng định “99% là sẽ nộp được đủ số tiền (khắc phục hậu quả) để trình Hội đồng xét xử phiếu nộp tiền vào tuần tới, làm cơ sở để Hội đồng xét xử xem xét công và tội”.

Nhắc lại nội dung trong cáo trạng, cho rằng “riêng bị can Nguyễn Bắc Son có ý thức khắc phục, nhưng gia đình không hợp tác để nộp tiền. Do đó, khi xem xét quyết định hình phạt đối với tội danh này cần có sự phân hóa về vai trò, hành vi, số tiền chiếm đoạt và kết quả nộp tiền khắc phục hậu quả…”, luật sư cho rằng mình không đồng tình với từ “chiếm đoạt” được sử dụng.

Gửi lời cảm ơn thẩm phán Trương Việt Toàn, đặc biệt là thẩm phán Nguyễn Thị Xuân Thu, đã “rất nhân văn, quyết định cho phép luật sư và gia đình vào làm việc với bị cáo Nguyễn Bắc Son” trao đổi về việc khắc phục hậu quả, luật sư cho biết mình “đã thuyết phục bằng được gia đình bị cáo phải làm việc đó”.

“Còn trước đây, các bạn ấy (điều tra viên) chỉ gọi con (bị cáo Son) lên, ghi vào biên bản, rồi bảo người ta không khắc phục hậu quả. Lá thư ông chồng viết cho người vợ thì không đưa cho người ta, mà lại giữ lại trong hồ sơ. Giữ lại lá thư riêng, để làm chứng cứ buộc tội người ta. Lẽ ra thuyết phục người ta khắc phục hậu quả thì nên đưa cho vợ người ta, để người ta đọc, người ta thấu hiểu, thôi thúc sự thật, thôi thúc lẽ phải, người ta mới đi theo chứ. Cho tới giờ phút này, tất cả những người trong gia đình không hề nhận được lá thư. Thế mà bảo người ta không khắc phục”, luật sư Hùng nói.

Theo ông Hùng, có thể giữ lại lá thư để làm chứng cứ, nhưng nên chụp lại, phô tô lại, còn bản chính thì đưa cho gia đình. “Giữ lá thư của chồng người ta ở trong tù rồi bảo người ta không chấp hành, không khắc phục hậu quả thì tôi nghĩ rằng điều đó là hết sức không nên”, luật sư nhắc lại.

“Hôm nay là thứ 7, có lẽ không kịp, tôi xin phép ngày thứ hai tôi sẽ làm. Khi tôi phân tích (với gia đình) là thôi bỏ đi, đừng ấm ức về chuyện không nhận được lá thư nữa, tất cả khóc như mưa và làm theo tâm nguyện của bố. Tôi nói lên điều này để một lần nữa tôi mong Viện kiểm sát thuyết phục người ta bằng cái tình là chính. Tôi khẳng định 99% sẽ nộp được đủ số tiền để trình Hội đồng xét xử phiếu nộp tiền vào tuần tới”, luật sư khẳng định.

Về việc nhận hối lộ, bản thân bị cáo Nguyễn Bắc Son đã nhiều lần nhận tội và đề nghị luật sư không bào chữa tội danh này. Tuy nhiên, tại buổi bào chữa hôm nay, 21.12, luật sư vẫn tiếp tục đưa ra một số chi tiết, cho rằng lời khai nhận 3 triệu USD của bị cáo không thể là chứng cứ buộc tội duy nhất, nếu nó không phù hợp với chứng cứ khác.

Theo luật sư Phạm Công Hùng, lời khai về việc nhận hối lộ trong vụ này chỉ có 2 người, là bị cáo Phạm Nhật Vũ và bị cáo Nguyễn Bắc Son.

“Giai đoạn thứ nhất, anh ấy (bị cáo Vũ) không khai gì cả. Giai đoạn thứ hai, anh ấy nói có đưa mà anh ấy không nhớ. Nhưng tôi quan tâm đến lần thứ ba, anh khẳng định một con số, thì con số ấy nó được tạo lâp bởi một chứng cứ cực kỳ nguy hiểm”, theo luật sư Hùng.

Ông Hùng sau đó dẫn lời khai của bị cáo Phạm Nhật Vũ như sau: “Tôi đã được điều tra viên cho xem biên bản hỏi cung bị can và bản tự khai của ông Son, nhận số tiền là 3 triệu USD. Sau khi xem, tôi xin khai như sau: số tiền tôi không nhớ cụ thể, nhưng tôi nghĩ số tiền như ông Son nói là chấp nhận được vì ông Son không nói dối”. Theo luật sư, thu thập chứng cứ thế này là “mớm cung”, là “thông cung của người này đưa cho người kia, để người kia xác nhận, coi đó là chứng cứ buộc tội”.

Phiên tòa đang tiếp tục, các luật sư đang bào chữa để khẳng định bị cáo Son không phải “đầu vụ” trong vụ việc này.

(Theo TNO)

Bài mới
Đọc nhiều