+
Aa
-
like
comment

Giá điện mặt trời: Hàng chục dự án nằm chờ, chính sách còn đang nghiên cứu

06/10/2020 06:13

Hàng trăm dự án điện mặt trời xếp hàng chờ bổ sung quy hoạch trong khi cơ chế đấu thầu theo nhiệm vụ Thủ tướng giao vẫn đang trong quá trình nghiên cứu. Vì vậy, Bộ Công Thương đang lấy ý kiến một phương án khác. 

Chưa thể áp dụng đấu thầu

Bộ Công Thương đang tiến hành lấy ý kiến các bộ ngành, địa phương dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình thí điểm xác định giá điện mặt trời. Lý do đưa ra phương án này, theo Bộ Công Thương, là vì cần thời gian để nghiên cứu, xây dựng chủ trương đấu thầu điện mặt trời theo Quyết định 13 của Thủ tướng Chính phủ.

Để hiểu rõ hơn, cần quay lại các quy định được thể hiện tại Quyết định 13/2020 của Thủ tướng Chính phủ.

Cơ chế giá FIT tại Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời chỉ được áp dụng cho các dự án đáp ứng yêu cầu về thời điểm được cấp chủ trương đầu tư và có ngày vận hành thương mại trước ngày 1/1/2021.

Hàng chục dự án nằm chờ, chính sách còn đang nghiên cứu
Thiếu quy định, dừng hết điện mặt trời

Các dự án không đáp ứng tiêu chí trên sẽ không được áp dụng giá FIT, thay vào đó giá mua điện phải được xác định thông qua “cơ chế cạnh tranh”.

Cụ thể “cơ chế cạnh tranh” là gì chưa được nêu rõ, song tại Quyết định 13, Thủ tướng cũng đã giao Bộ Công Thương nghiên cứu hoàn chỉnh cơ chế đấu thầu các dự án điện mặt trời, lộ trình thực hiện và báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt triển khai trên toàn quốc.

Bộ Công Thương cho rằng: Việc nghiên cứu, hoàn chỉnh cơ chế đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, dự án đầu tư và làm cơ sở xác định giá mua bán điện mặt trời là cần thiết, phù hợp với xu hướng trên thế giới.

Song, đến thời điểm này, Bộ Công Thương thừa nhận: Pháp luật hiện hành về đầu tư, đấu thầu và điện lực chưa có quy định về lựa chọn nhà đầu tư phát triển dự án điện mặt trời theo giá mua bán điện. Do đó, Bộ cần có thời gian nghiên cứu để đề xuất ban hành quy định về cơ chế đấu thầu cạnh tranh nhằm đảm bảo công khai, minh bạch, giảm chi phí mua điện, tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước về đầu tư.

Điều này có nghĩa, sau khi hết hạn áp dụng giá bán điện mặt trời cố định theo Quyết định 13 của Thủ tướng (trước 1/1/2021), cơ chế đấu thầu cho điện mặt trời vẫn chưa được ban hành.

Trong khi đó, Bộ Công Thương cho biết hiện có 8 dự án điện mặt trời được bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực, với tổng công suất 610 MW, không đủ điều kiện áp dụng cơ chế giá cố định quy định tại Quyết định 13. Ngoài ra, còn có 21 dự án điện mặt trời với tổng công suất khoảng 1.000 MW đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương bổ sung quy hoạch và 103 dự án điện mặt trời đã hoàn thành thẩm định hồ sơ đề nghị bổ sung quy hoạch với tổng công suất khoảng 10.000 MW.

“Các dự án này đang chờ chính sách mới để phát triển điện mặt trời nhằm tiếp tục quyết định đầu tư”. Nghĩa là, nếu Bộ Công Thương không xây dựng chương trình thí điểm xác định giá điện mặt trời, hàng trăm dự án kia sẽ phải chờ.

Hàng chục dự án nằm chờ, chính sách còn đang nghiên cứu
Nhà đầu tư sẽ đề xuất giá điện, ưu tiên giá thấp nhất

Có lợi cho dự án vận hành trước tháng 7/2022

Với tình hình nêu trên, Bộ Công Thương cho rằng, trong giai đoạn chuyển tiếp từ cơ chế giá FIT sang cơ chế đấu thầu cho các dự án đã có trong quy hoạch phát triển điện lực và không đủ điều kiện áp dụng giá FIT, cần thực hiện Chương trình thí điểm xác định giá ĐMT.

Theo Bộ Công Thương, tính đến hết tháng 8/2020, cả nước đã có 92 dự án điện mặt trời được đưa vào vận hành và phát điện với tổng công suất lắp đặt là 6.165 MWp.

Bộ Công Thương cũng nhắc lại những báo cáo về khả năng thiếu điện giai đoạn 2021-2024 mà Bộ này cho rằng là “rõ ràng”. Lượng điện thiếu hụt sẽ tăng từ 400 triệu kWh năm 2021, lên cao nhất đến 13,3 tỷ kWh vào năm 2023 và giảm xuống khoảng 11 tỷ kWh vào năm 2024.

Để giảm nguy cơ thiếu điện trong giai đoạn 2021-2025, một trong những giải pháp được đề xuất là đẩy mạnh phát triển nguồn điện năng lượng tái tạo, nhất là nguồn điện mặt trời do có thể thực hiện nhanh, đáp ứng tiến độ vận hành ngay từ năm 2021.

Tổng công suất nguồn điện mặt trời dự kiến phát triển giai đoạn đến năm 2025 là 14.450 MW và đến năm 2030 là 20.050 MW.

Theo Bộ Công Thương, việc thực hiện Chương trình thí điểm nhằm đảm bảo 4 mục tiêu lớn. Trong đó có việc đảm bảo tính liên tục về chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời, qua đó huy động kịp thời nguồn cung cấp điện giai đoạn đến năm 2025 cho hệ thống điện, đảm bảo cân đối cung cầu trước nguy cơ thiếu điện tại khu vực miền Nam.

Theo Dự thảo Quyết định Chương trình thí điểm, dự kiến, từ tháng 11/2020 đến tháng 5/2021 sẽ tổ chức lựa chọn dự án theo giá điện; từ năm 2021 đến tháng 6/2022 là thời gian hoàn thiện thủ tục và thực hiện đầu tư dự án.

Chương trình áp dụng đối với các dự án điện mặt trời, trong quy hoạch phát triển điện lực và chỉ áp dụng 1 lần đối với dự án điện mặt trời nổi và điện mặt trời nối lưới. Chương trình không áp dụng đối với dự án điện mặt trời nối lưới được đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) và hình thức mua bán điện trực tiếp.

Nguyên tắc áp dụng là các dự án điện mặt trời tham gia Chương trình có giá bán điện từ thấp đến cao, dưới mức giá trần do Thủ tướng phê duyệt, sẽ lựa chọn để phát triển cho đến khi đạt tổng quy mô công suất của Chương trình.

Giá trần điện mặt trời của Chương trình thí điểm áp dụng theo quy định tại Quyết định 13/2020/QĐ-TTg. Giá điện áp dụng cho dự án được lựa chọn sẽ là mức giá bán điện đề xuất của nhà đầu tư và nhỏ hơn mức giá trần được Thủ tướng phê duyệt. Giá bán điện này được áp dụng 20 năm kể từ ngày vận hành thương mại.

Trường hợp dự án được lựa chọn phát triển trong Chương trình thí điểm được cơ quan có thẩm quyền cho phép giãn tiến độ đầu tư và có ngày vận hành thương mại sau ngày 30/6/2022, giá bán điện áp dụng của dự án sẽ là giá bán điện nhà đầu tư đề xuất (không vượt quá giá trần theo Quyết định 13) nhưng giảm trừ lũy kế theo tỷ lệ 5% sau mỗi quý chậm tiến độ.

Lương Bằng/VNN

Bài mới
Đọc nhiều