‘Giá điện không tăng, EVN có thể phải đi vay để trả tiền mua điện từ bên ngoài’
Do phải tăng mua điện từ các nhà máy điện độc lập bên ngoài, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang đứng trước những áp lực lớn về tài chính khi phải thanh toán cho các hợp đồng mua điện dài hạn.
Thông tin được nêu ra trong báo cáo “EVN đối diện tương lai: Thời cơ để triển khai đúng cách nguồn điện tái tạo” được Viện Kinh tế năng lượng và Phân tích tài chính (IEEFA) công bố dựa trên việc phân tích bức tranh doanh thu của EVN giai đoạn từ 2015-2019.
Theo đó, năm 2019, doanh thu thuần của EVN đạt 394,9 nghìn tỉ đồng (16,9 tỉ USD), duy trì lợi nhuận khiêm tốn nhờ vào việc điều chỉnh giá điện. Lượng điện bán ra tăng trưởng mạnh ở mức 9,9% mỗi năm và giá bán điện bình quân thực tế tăng 14,4% giai đoạn này, giúp doanh thu gộp hàng năm năm là 13,2%.
Nguồn điện ngoài EVN ngày càng tăng, chi phí phát điện tăng
Tuy nhiên, trong năm 2019, EVN đã ghi nhận sự sụt giảm mạnh về biên lợi nhuận gộp. Nguyên nhân là chi phí phát điện tăng do các nhà máy nhiệt điện độc lập (IPP), cụ thể là nhiệt điện than. Điều này dẫn tới biên lợi nhuận gộp giảm 2,8 điểm phần trăm, dự báo sẽ còn tiếp tục giảm khi ngày càng nhiều nhà máy IPP hòa lưới trong thời gian tới.
Do nguồn vốn eo hẹp để thực hiện các dự án nên các nguồn điện tại Việt Nam ngày càng có nhiều sự tham gia của nhà đầu tư bên ngoài. EVN hiện chỉ còn giữ lại hoạt động truyền tải và phân phối, trong khi khâu phát điện đã giảm vai trò. Tổng công suất nguồn điện do tập đoàn sở hữu đã giảm từ 61% xuống 52% toàn hệ thống, dự báo còn giảm nhanh hơn trong thời gian tới.
Trong khi đó, dự báo các nhà máy điện IPP sẽ hòa lưới điện khoảng 4,4 GW công suất mỗi năm trong giai đoạn 2020-2022 và tăng lên khoảng 6,1 GW vào năm 2023, phần lớn trong đó là các nguồn năng lượng tái tạo và nhiệt điện than.
Chi phí mua điện của EVN theo đó cũng sẽ tăng 70,5% trong giai đoạn dự báo, lên 335,3 nghìn tỉ đồng (14,4 tỉ USD) và chiếm 60,1% chi phí hoạt động của EVN.
“Hệ quả của tình trạng này là thay vì đi vay để mở rộng tài sản nền của bản thân, EVN nay phải đối mặt với nguy cơ nếu giá điện tăng không đủ nhanh thì tập đoàn sẽ phải đi vay nợ để chi trả cho các khoản thanh toán IPP ngày một lớn,” báo cáo viết.
Tài chính của EVN có thể bị ảnh hưởng nếu không điều chỉnh giá điện
Điều chỉnh giá điện, theo IEEFA, là biến số nhạy cảm nhất trong kịch bản dự báo về triển vọng tài chính của EVN trong những năm tới. Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings đánh giá, hồ sơ tài chính của EVN có thể bị ảnh hưởng đáng kể nếu giá điện không được điều chỉnh thường xuyên trước những rủi ro lớn về thủy văn, tiền tệ và nhu cầu tiêu thụ điện.
Tuy nhiên, khả năng tăng giá điện đang trở nên khó khăn, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang ảnh hưởng nặng nề đến tăng trưởng kinh tế và cuộc sống của người dân.
Trong bối cảnh Bộ Công thương đang xây dựng quy hoạch điện VIII để giúp EVN trở thành nhà vận hành hệ thống điện hiệu quả với năng lực tài chính bền vững, IEEFA cho rằng cần đầu tư một hệ thống truyền tải đáng tin cậy để tối ưu hóa nguồn năng lượng tái tạo, giảm chi phí mua điện.
EVN có thể lỗ ròng năm 2020?
Không chỉ hoạt động trong điều kiện phải giữ nguyên giá điện trong năm 2020, EVN còn phải cắt giảm 10% hóa đơn tiền điện, khiến tập đoàn hụt một khoản thu lên đến 6.800 tỉ đồng (291 triệu USD) tính đến tháng 6-2020, tương đương 1,7% doanh thu năm 2019.
Trong khi đó, sản lượng điện thương phẩm dự kiến sẽ chỉ tăng 2.2% trong năm nay so với mức tăng trưởng gần hai con số thường thấy những năm gần đây. Trước tình hình này, dự kiến EVN sẽ lỗ ròng trong năm 2020 cũng như sẽ ghi nhận nguồn tiền mặt sụt giảm.
NGỌC AN/TT