+
Aa
-
like
comment

Gia công, chế biến đơn giản không được coi là “made in Vietnam”

03/08/2019 10:33

Với nhiều tranh cãi trong thời gian gần đây, việc Bộ Công thương đưa ra lấy ý kiến góp ý cho dự thảo thông tư ‘quy định về cách xác định sản phẩm, hàng hóa là sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam’ là hoàn toàn cần thiết.

Dây chuyền sản xuất gốm sứ Minh Long 1, tỉnh Bình Dương - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Dây chuyền sản xuất gốm sứ Minh Long 1, tỉnh Bình Dương – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Bộ Công thương cho rằng việc thiếu vắng các quy định về việc như thế nào để một sản phẩm được coi là “sản phẩm của Việt Nam” hay “sản xuất tại Việt Nam” đã khiến nhiều tổ chức và cá nhân lúng túng khi muốn ghi chính xác nước xuất xứ trên nhãn sản phẩm theo quy định của nghị định 43/2017 về nhãn hàng hóa.

Khắc phục bất cập, thêm nhiều chi tiết

Thời gian qua, một số mặt hàng dù chỉ trải qua các công đoạn gia công, lắp ráp, chế biến đơn giản tại Việt Nam nhưng cũng gắn nhãn “sản xuất tại Việt Nam” khiến người tiêu dùng thắc mắc, thậm chí bức xúc, nhưng các cơ quan chức năng lại không có căn cứ để phân xử.

Trên cơ sở đó, dự thảo của Bộ Công thương có 4 chương, 16 điều, được xây dựng chủ yếu dựa trên các bộ quy tắc xuất xứ hiện đang áp dụng cho hàng xuất khẩu từ Việt Nam, trong đó có nghị định số 31/2018 quy định chi tiết Luật quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa.

Theo đó, hàng hóa được coi là hàng hóa của Việt Nam khi có xuất xứ thuần túy (WO) hoặc được sản xuất toàn bộ tại Việt Nam. Đại diện cho khái niệm này chủ yếu là các mặt hàng được gieo trồng và thu hoạch tất tần tật tại Việt Nam, chẳng hạn như trong lĩnh vực nông sản, thủy sản.

Hoặc hàng hóa có xuất xứ không thuần túy hoặc không được sản xuất toàn bộ tại Việt Nam nhưng trải qua công đoạn gia công, chế biến cuối cùng tại Việt Nam làm thay đổi cơ bản tính chất của hàng hóa.

Đối với chủng loại hàng hóa theo định nghĩa này, sản phẩm phải đáp ứng tiêu chí thuộc danh mục quy tắc cụ thể mặt hàng do Bộ Công thương quy định, được xác định trên rất nhiều tiêu chí khác nhau (bao gồm cả công thức tính toán để ra được hàm lượng giá trị gia tăng trên từng mặt hàng, nguyên liệu – PV) khá phức tạp.

Quy định của thông tư cho phép tùy thuộc vào quá trình sản xuất, gia công, chế biến, tổ chức, cá nhân có thể lựa chọn và chỉ sử dụng một trong các cụm từ “sản phẩm của Việt Nam” hoặc “sản phẩm Việt Nam”; “hàng hóa của Việt Nam” hoặc “hàng hóa Việt Nam”, hoặc “hàng Việt Nam”; “sản xuất tại Việt Nam” hoặc “Việt Nam sản xuất”; “chế tạo tại Việt Nam” hoặc “Việt Nam chế tạo”; “chế tác tại Việt Nam” hoặc “Việt Nam chế tác”… để thể hiện là hàng hóa của Việt Nam trên nhãn hàng hóa, hoặc trên tài liệu, vật phẩm chứa đựng thông tin liên quan đến hàng hóa đó.

Gia công, chế biến đơn giản không được coi là “made in Vietnam” - Ảnh 2.
Sản xuất đồ dùng nhà bếp, đồ gia dụng, đồ chơi trẻ em tại Công ty gỗ Đức Thành, Q.Gò Vấp, TP.HCM – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Minh bạch nguồn gốc xuất xứ

Theo bà Trịnh Thị Thu Hiền, trưởng phòng xuất xứ hàng hóa (Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công thương), hằng ngày Bộ Công thương đều nhận được rất nhiều hồ sơ đề nghị chứng nhận xuất xứ hàng hóa.

“Một đôi giày ghi nhãn “made in Việt Nam” trên sản phẩm, nhưng chưa chắc nó có giấy chứng nhận xuất xứ từ Việt Nam. Đây là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau.

‘Đôi giày này chỉ được ghi “made in Vietnam” khi nó thể hiện được một phần cho công đoạn cuối cùng được sản xuất tại Việt Nam, hoặc có liên quan đến nguyên liệu được sản xuất tại Việt Nam” – bà Hiền chia sẻ thông tin.

Theo bà Hiền, cấp độ xác định nguyên liệu không có nguồn gốc xuất xứ hiện gây nhiều tranh cãi nhất, cũng như được đề nghị Cục Xuất nhập khẩu xác minh nhiều nhất, “chủ yếu rơi vào các sản phẩm gia công, chế biến”.

Trong khi đó, để xác định được hàng hóa có xuất xứ Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam, sản phẩm hàng hóa phải dựa trên danh mục quy tắc cụ thể mặt hàng theo phụ lục của Bộ Công thương ban hành, nếu đáp ứng một trong các tiêu chí lựa chọn đó.

Theo Bộ Công thương, khi thực thi, thông tư sẽ không làm phát sinh thêm chi phí cho doanh nghiệp bởi ghi nhãn hàng hóa và công bố nước xuất xứ trên nhãn hàng hóa là yêu cầu bắt buộc theo quy định ban hành trước đó.

Thông tư giúp các tổ chức, cá nhân có căn cứ để thực hiện đúng yêu cầu quy định của pháp luật, giúp loại bỏ các trường hợp vô tình hay cố tình vi phạm thông tin về nước xuất xứ. Các doanh nghiệp chân chính sẽ không phải đối diện với nguy cơ cáo buộc “gian lận xuất xứ”, tránh được rủi ro kiện tụng và mất uy tín với người tiêu dùng.

Gia công, chế biến đơn giản không được coi là “made in Vietnam” - Ảnh 3.
Ba cấp độ nguồn gốc xuất xứ hàng hóa – Đồ họa: Tấn Đạt

Gia công, chế biến đơn giản không được coi là “made in Việt Nam”

Các công đoạn gia công, chế biến sau đây, theo Bộ Công thương, khi được thực hiện riêng rẽ hoặc kết hợp với nhau được xem là đơn giản. Hàng hóa không có xuất xứ Việt Nam, nếu chỉ trải qua một hoặc kết hợp nhiều công đoạn này, không được coi là hàng hóa của Việt Nam:

– Các công việc bảo quản hàng hóa trong quá trình vận chuyển và lưu kho.

– Các công việc như lau bụi, sàng lọc, chọn lựa, phân loại, lau chùi, sơn, chia cắt ra từng phần.

-Thay đổi bao bì đóng gói và tháo dỡ hay lắp ghép các lô hàng; đóng chai, lọ, đóng gói, bao, hộp và các công việc đóng gói bao bì đơn giản khác.

– Dán lên sản phẩm hoặc bao gói của sản phẩm các nhãn hiệu, nhãn, mác hay các dấu hiệu phân biệt tương tự.

– Trộn đơn giản các sản phẩm, dù cùng loại hay khác loại.

– Lắp ráp đơn giản các bộ phận của sản phẩm để tạo nên một sản phẩm hoàn chỉnh.

– Giết, mổ động vật.

Loại bỏ dần tình trạng “đội lốt” hàng Việt

Chia sẻ thêm với Tuổi Trẻ về dự thảo thông tư mới, ông Trần Thanh Hải, phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, cho rằng quy định tự xác định và tự chịu trách nhiệm về ghi nước xuất xứ trên nhãn hàng hóa đã phát sinh một số bất cập.

Ông Hải nói: “Theo quy định, mọi tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa tại Việt Nam, hoặc nhập khẩu hàng hóa vào VN đều phải ghi nhãn cho hàng hóa, trừ một số trường hợp đặc biệt”.

* Theo ông, đâu là những quy định chính, quan trọng của dự thảo thông tư vừa được công bố?

– Đó là các điều khoản chung về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng và giải thích các thuật ngữ sử dụng trong thông tư. Các trường hợp được phép và không được phép thể hiện là hàng hóa của Việt Nam, cách thức và ngôn ngữ thể hiện.

Các trường hợp, tiêu chí để hàng hóa được coi là hàng hóa của Việt Nam. Hay các quy định khác liên quan đến việc xác định hàng hóa của Việt Nam (gia công đơn giản, bao bì phụ kiện, tỉ lệ linh hoạt, yếu tố gián tiếp). Hoặc quyền và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa và tổ chức thực hiện.

* Những cách nào để xác định sản phẩm, hàng hóa là sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam, hoặc sản xuất tại Việt Nam?

– Tôi lấy trường hợp hạt cà phê được trồng và thu hoạch tại Việt Nam. Con cá được nuôi hoặc đánh bắt tại vùng biển Việt Nam, tài nguyên khoáng sản khai thác trên lãnh thổ Việt Nam. Đó là những mặt hàng có xuất xứ thuần túy và đương nhiên được coi là hàng hóa của Việt Nam.

Với trường hợp sử dụng nguyên liệu nhập khẩu hoặc nguyên liệu không rõ xuất xứ, hàng hóa sẽ phải đáp ứng yêu cầu trải qua công đoạn gia công, chế biến cuối cùng tại Việt Nam, cộng với việc đáp ứng tiêu chí “chuyển đổi mã số hàng hóa” hoặc tiêu chí “hàm lượng giá trị gia tăng”.

Chẳng hạn, bột mì nhập khẩu từ nước ngoài thì không được coi là hàng hóa của Việt Nam. Nhưng sau khi đưa vào nhà máy, trải qua công đoạn chế biến để thành sản phẩm cuối cùng là bánh quy thì sản phẩm bánh quy đó đã trở thành một loại hàng hóa mang mã số khác, có tính chất thay đổi khác hẳn với bột mì ban đầu, nên sản phẩm bánh quy đó đáp ứng tiêu chí “chuyển đổi mã số hàng hóa”. Từ đây, nó được coi là hàng hóa của Việt Nam.

* Thông tư liệu có làm cho doanh nghiệp phát sinh thêm chi phí gì không?

– Thông tư sẽ không làm phát sinh thêm chi phí cho doanh nghiệp bởi ghi nhãn hàng hóa và công bố nước xuất xứ trên nhãn hàng hóa là yêu cầu bắt buộc theo quy định của nghị định 43. Thông tư cũng sẽ giúp loại bỏ dần tình trạng hàng nhập khẩu nhập nhèm “đội lốt” hàng Việt Nam như đã rải rác xảy ra trong thời gian qua.

(Theo Tuổi Trẻ)

Bài mới
Đọc nhiều