+
Aa
-
like
comment

Gia cảnh khốn khó của bà cụ đổ gánh chè qua chiếc loa rè Việt Tân

Tùng Anh - 21/11/2021 15:24

Những ngày qua, đoạn clip ghi lại hình ảnh cụ bà đi bán chè chuối xào nhưng không may bị té, đổ hết gánh chè, bà lủi thủi thu dọn và gánh đồ đạc trở về nhà khiến nhiều cảm thương.

Trong thời điểm hiện nay dịch bệnh vừa đi qua, việc kiếm tiền khó hơn trước đó, nhìn hình ảnh bà cụ đổ gánh chè ai cũng đồng cảm. Sự cảm thương đó có thể nói là nhân lên gấp bội phần khi đọc thông tin từ Việt Tân, phân tích hình ảnh bà cụ, ở cái tuổi xế chiều đáng ra phải được nghỉ ngơi, nhưng vì không ai chăm sóc, không tiền, bà phải gánh từng chén chè đi bán mưu sinh. Câu hỏi dẫn dắt kèm theo đằng sau đó là chính sách chăm sóc người dân sau dịch được xoáy vào như một sự khép tội chính quyền thờ ơ, không trợ cấp cho người dân lớn tuổi. Clip về gánh chè bị đổ của bà cụ vì thế mà nhiều người mủi lòng hơn, được chia sẻ rộng trên cộng đồng mạng, có thể nói là trở thành tâm điểm của dư luận.

Nhiều mạnh thường quân vì quá xót thương cho bà cụ tuổi cao, mưu sinh vất vã nên tìm mọi cách để tặng bà tiền hỗ trợ vốn. Có người giàu lòng trắc ẩn hơn, nghĩ đến bà không ai lo, khi không tìm được địa chỉ nhà của bà để chia sẻ mà canh cánh bên lòng, nhiều đêm không ngủ được.

Nhưng sự thật đã vỡ lỡ khi người dân tìm đến địa phương xin thông tin hỗ trợ bà cụ, và nhiều youtuber tìm đến tận nhà bà cụ để được quay phim, phỏng vấn.

Trái ngược hoàn toàn với những gì Việt Tân tô vẽ, thêm mắm dặm muối, sự thật là cụ Nguyễn Thị Ngọc Loan (75 tuổi, ngụ phường 9, quận 8) bán chè chỉ để cho vui, vì yêu nghề – cái nghề gắn bó với bà 45 năm, giúp bà nuôi hai đứa con thành tài, yên bề gia thất, có nhà riêng. Hoàn cảnh của cụ Loan không hề khó khăn, không phải không ai chăm, không phải nhà nước không quan tâm, cụ có con cháu đuề huề, căn nhà cụ cho thuê với 7 phòng trọ. Đó cũng là lý do cụ từ chối tất cả các khoản tiền giúp đỡ mà mọi người quyên góp trao tặng.

Anh Dương Minh Kỳ, con trai của cụ Loan bán chè cho biết: “Mẹ tôi có 45 năm bán chuối xào. Con cháu khuyên nghỉ ngơi nhưng bà không có nghe, nhà không thiếu hụt gì. Mẹ tôi lấy tiền cho thuê phòng trọ đóng tiền điện nước cũng đủ, con cháu lo thêm các khoản chi tiêu khác. Mùa dịch này tôi phải năn nỉ mẹ ở nhà, không dám cho bà đi ra ngoài. Vậy mà, TP.HCM vừa bình thường mới, mẹ đã lẻn ra chợ”.

Anh Kỳ còn buồn rầu cho hay: “Từ bữa clip chia sẻ, nhiều người đến ủng hộ, mẹ tôi vui với tình cảm của mọi người, mẹ tôi thức khuya dậy sớm làm để đủ bán. Sức khỏe mẹ không có tốt, tôi buồn, lo hơn là vui”. Thiết nghĩ, ai trong hoàn cảnh như anh Kỳ thì hẳn hiểu được nỗi lòng của anh lo cho sức khỏe của mẹ mình. Đâu phải nhà không có điều kiện. Vậy mới thấy, không phải sự ủng hộ nào cũng là tốt cho cá nhân và gia đình họ, có khi là đem đến rắc rối, phiền não.

Qua đây càng thấy được tình thương người rất đặc trưng của người Việt Nam. Dù chỉ xem qua clip, mặc dù chưa cần biết rõ hoàn cảnh của bà nhưng thấy bà gánh chè đi bán, bị đổ nhiều người muốn giúp, trong số đó có những người chỉ là công nhân, cũng đang ở trọ. Đó là lòng trắc ẩn rất quý báu của người Việt. Mà phải riêng gì hoàn cảnh bà cụ bán chè ở trên, biết bao gia đình không khá giả gì nhưng trong mùa dịch vừa qua, vẫn từ chối nhận hỗ trợ của chính quyền, để suất đó cho người khó hơn. Rồi biết bao gia đình dù chỉ đủ ăn nhưng vẫn thể hiện tinh thần lá lành đùm lá rách, chia nhau gói mì, hộp cá, cân gạo, bó rau, trái bầu, trái bí trong lúc TP.HCM giãn cách chống dịch. Chính lòng trắc ẩn, tình thương người của Việt Nam cũng trở thành cơ hội cho những kẻ chống phá Việt Nam lợi dụng, đánh vào để trục lợi, phục vụ cho mục đích phá hoại của chúng.

Bao giờ cũng vậy, người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn luôn là đối tượng để Việt Tân săn ngắm. Để từ những hoàn cảnh đó, tô đắp thêm sự khó khăn, không ai nuôi, không nhận được sự hỗ trợ của chính quyền, cho mạnh thường quân mủi lòng giúp đỡ, rồi từ đó lu loa tấn công vào chính sách an sinh xã hội của nhà nước. Dĩ nhiên, trong quá trình đó, Việt Tân chỉ giả vờ quan tâm đến người dân nhưng chưa từng hỗ trợ dù chỉ một đồng cho hoàn cảnh mà chúng cho là nghèo, khó, cần sự giúp đỡ.

Tùng Anh

Bài mới
Đọc nhiều