Giá bán khẩu trang y tế tăng ‘lật mặt’
Ngay sau khi ca bệnh Covid-19 tại TP.Đà Nẵng được xác nhận, chỉ qua 1 đêm, giá khẩu trang y tế tăng vọt ở nhiều địa phương.
Điệp khúc hết hàng, tăng giá
Tại TP.HCM ngày 26.7, PV đến quầy thuốc trên đường Tân Kỳ Tân Quý (P.Sơn Kỳ, Q.Tân Phú) hỏi mua số lượng lớn khẩu trang y tế (KTYT), nhưng người bán từ chối bán vì “rất nhiều người đang cần”. Chủ quầy cho biết giá bán 1 hộp 50 cái tại đây là 70.000 đồng.
Trong khi đó, quầy thuốc trên đường Thăng Long (P.4, Q.Tân Bình) kêu giá KTYT kháng khuẩn 4 lớp 100.000 đồng/hộp (50 cái). Theo người này, cửa hàng chỉ còn vài hộp, nếu muốn mua phải chờ đến đợt sau. Một quầy thuốc khác trên đường Bạch Đằng (P.2, Q.Tân Bình) còn “hét” giá 135.000 đồng/hộp (50 cái). Khách ngỏ ý muốn mua số lượng lớn với giá ưu đãi hơn thì người này từ chối vì “lượng mua những ngày gần đây tăng nên phải tăng giá”.
Chiều cùng ngày, một số nhà thuốc ở TP.Vinh (Nghệ An) cho biết “hết hàng KTYT”, một số khác chỉ bán lẻ với giá 2.000 đồng/chiếc (tương đương 100.000 đồng/hộp). Tại Thanh Hóa cũng đã có hiện tượng tăng giá và găm hàng. Giá KTYT nhiều nhà thuốc bán cho khách hàng ở địa bàn TP.Thanh Hóa từ 70.000 – 80.000 đồng/hộp, trong khi ngày 24 – 25.7 chỉ khoảng 50.000 đồng/hộp.
Hải Phòng, Hà Nội, Hà Tĩnh… KTYT cũng được đẩy giá lên trong ngày 26.7, thấp nhất 60.000 đồng/hộp 50 chiếc loại 4 lớp, cao nhất đến hơn 100.000 đồng/hộp. Trao đổi với PV chiều 26.7, chủ một đại lý tại chợ thuốc Hapulico (chợ bán buôn thuốc lớn nhất Hà Nội) cho biết, nhiều nhà máy đã báo giá tăng và hàng “khan hiếm”. Một số đầu mối bán buôn ở chợ thuốc Hapulico báo giá 2,8 – 3 triệu/thùng KTYT, trong khi trước đó vài tiếng, nhiều người còn rao bán giá 2 triệu/thùng.
Loạn giá trên mạng
Ngay từ hôm 25.7, nhiều người buôn bán online đã đăng “tút” gom hàng, với giá ban đầu chỉ 50.000 đồng/hộp 50 chiếc KTYT, nhưng qua ngày 26.7 đã vọt lên 70.000 – 75.000 đồng/hộp. “Giá tăng đúng kiểu lật mặt. Tối hôm qua tôi lấy buôn đang 1,7 triệu đồng/thùng (50 hộp) khẩu trang 4 lớp kháng khuẩn, sáng nay đã tăng lên 2,4 triệu, chiều tăng lên 2,8 triệu, rồi 3 triệu/thùng, không kém một xu. Lấy số lượng lớn cũng không được giảm giá. Hôm qua họ hứa để cho mình 50 thùng, hôm nay đã kêu hết hàng vì khan hiếm nguyên liệu”, chị N.Y, một người bán hàng online, cho biết.
Nắm bắt nhu cầu của người dân tăng cao, nhiều nhân viên các nhà máy sản xuất khẩu trang cũng tìm cách “tuồn” hàng ra bán. Mày mò một lúc trên các hội nhóm bán buôn, chúng tôi tìm được một mối tự xưng là kế toán công ty, bán hàng với giá “mềm” hơn một chút – 2,7 triệu đồng/thùng nếu lấy 10 thùng trở lên, nhưng phải 2 ngày nữa mới có hàng. “Nếu chị đặt cọc luôn thì em cam kết giữ nguyên giá này, chứ sau hôm đó thì giá thị trường sao em bán vậy, chắc chắn sẽ lên. Có khách đang đặt 300 thùng mà em chưa dám nhận, vì sợ không đủ hàng”, người này cho hay.
Trên chợ bán buôn cũng có chủ hàng rao “khẩu trang tăng giá ầm ầm nhưng em không tăng nhé”, nhưng khi chúng tôi hỏi thì được báo giá lên tới… 4 triệu đồng/thùng.
Xử lý nghiêm tình trạng trục lợi
Ngày 26.7, Công an TP.Đà Nẵng chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ và địa phương những giải pháp cấp bách phòng chống dịch Covid-19. Theo đó, Công an TP.Đà Nẵng sẽ phối hợp liên ngành, kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng dịch bệnh để đầu cơ, găm hàng, tăng giá trang thiết bị, vật tư y tế phục vụ công tác phòng chống dịch, các hành vi trục lợi bất chính như sản xuất hàng giả, tái chế khẩu trang y tế đã sử dụng, gian lận thương mại gây bất ổn thị trường. Chiều cùng ngày, Cục Quản lý thị trường TP.Đà Nẵng cho hay đã tăng cường lực lượng giám sát các cửa hàng vật tư y tế, hiệu thuốc… để chống đầu cơ, găm giá, trục lợi; chưa phát hiện các trường hợp vi phạm.
Sở Y tế Hải Phòng cũng đã có văn bản nghiêm cấm các cơ sở kinh doanh dược phẩm tăng giá thuốc và KTYT. Còn tại Nghệ An, ông Dương Đình Chỉnh, Giám đốc Sở Y tế, cho biết Sở sẽ liên hệ với một số nhà cung cấp khẩu trang để đề nghị cung ứng KTYT cho các nhà thuốc. Sở Y tế Nghệ An cũng sẽ phối hợp với quản lý thị trường và công an kiểm tra, kiểm soát giá bán và sẽ xử lý nghiêm nhà thuốc lợi dụng dịch để đẩy giá KTYT lên cao.
PV/ TNO