+
Aa
-
like
comment

Ghi nhận tín hiệu bất thường của lực lượng hải cảnh Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa

Duân Đặng - 10/09/2021 11:28

Ngày 9 và ngày 10.9 ghi nhận một số chuyển động của tàu hải cảnh Trung Quốc khá bất thường ở khu vực phía nam Biển Đông.

Cụ thể:

– Hai tàu hải cảnh 5303 và 5203 di chuyển vào vùng biển Việt Nam phía đông nam Cam Ranh từ tối ngày 8.9 và hiện tại di chuyển xuống phía nam.

– Một nhóm 5 tàu hải cảnh gồm 4201, 2305, 5302, 3304, 6307 từ phía bắc hướng xuống khu vực Đá Xu Bi.

– Tàu 3302 từ khu vực bãi cạn Scarborough di chuyển sang khu vực Đá Vành Khăn.

Không loại trừ khả năng hai tàu 5303 và 5203 bám theo nhóm tác chiến tàu sân bay USS Carl Vinson đi qua khu vực trong đêm 8.9 và những chuyển động khác là nhằm tránh bão số 5 (Conson) quét qua khu vực.

Tuy nhiên, vẫn có một số dấu hiệu gợi ý về những khả năng khác. Chẳng hạn, về khả năng, hai tàu 5303 và 5203 bám theo tàu sân bay Mỹ thì tàu Mỹ đã đi qua khu vực xuống phía tây nam Biển Đông ngày 9.9 nhưng đến nay hai tàu hải cảnh vẫn lượn lờ trong vùng biển Việt Nam.

Vị trí tàu hải cảnh Trung Quốc ở phía nam Biển Đông ngày 10.9

Trong nhóm 5 tàu xuống gần Xu Bi, chỉ có tàu 4201 từ Hoàng Sa xuống trong khi 2305, 5302 và 6307 xuống thẳng từ Tam Á, còn 3304 xuống thẳng từ Trạm Giang. Nếu tránh bão thì chúng sẽ không di chuyển như thế.

Một dấu hiệu khác khiến tôi nghi ngờ về khả năng Trung Quốc đang tập hợp lực lượng hải cảnh ở Trường Sa phục vụ cho một mục đích nào đó là sự xuất hiện của các tàu 2305, 6307, 3304 và 3302.

Theo bố trí của Trung Quốc, những tàu có số hiệu bắt đầu bằng 5 (5xxx) phụ trách khu vực quần đảo Trường Sa, thường duy trì sự hiện diện tại đây. Tàu 4xxx phụ trách quần đảo Hoàng Sa, tàu 3xxx phụ trách khu vực bãi cạn Scarborough như một phần của cái gọi là Trung Sa. Đây là những tàu thuộc Phân cục Nam Hải.

Còn tàu 2xxx thuộc Phân cục Đông Hải đóng ở Ninh Ba. Tàu 6xxx thuộc Phân cục Bắc Hải đóng ở Thanh Đảo.

Nếu tàu 2xxx và 6xxx xuất hiện ở Trường Sa, nhiều khả năng đó là sự điều động chuyển vùng bất thường nhằm phục vụ một chiến dịch nào đó.

Trong nội bộ Phân cục Nam Hải, tàu 4xxx chỉ xuống phía nam khi được tăng cường. Chẳng hạn tàu 4303 được tăng cường để hộ tống tàu Hải Dương Địa Chất 10 hoạt động trong vùng biển Indonesia. Việc tàu 3xxx được điều từ bãi cạn Scarborough qua Trường Sa cũng là dấu hiệu bất thường.

Tất nhiên đó chỉ mới là những dấu hiệu cần theo dõi thêm trong những ngày tới. Có một khả năng là Trung Quốc đang chuẩn bị cho một cuộc đối đầu dài hơi với Indonesia liên quan đến hoạt động của tàu Hải Dương Địa Chất 10, hoặc tính toán điều gì đó trong vùng biển Việt Nam.

Ngoài hoạt động của tàu hải cảnh, tàu khảo sát/nghiên cứu của Trung Quốc trong thời gian gần đây cho thấy chúng được triển khai đến hoạt động ở những khu vực ranh giới của cái tên gọi phi pháp chưa hề được Việt Nam cũng như thế giới công nhận là “đường lưỡi bò” như một tuyên bố rằng Trung Quốc sẽ không từ bỏ yêu sách phi pháp này mà ngược lại còn ra sức đẩy mạnh nó.

Chẳng hạn, tàu Hải Dương Địa Chất 10 được triển khai hoạt động trong vùng biển và thềm lục địa của Indonesia. Những chuyển động của tàu này cho thấy đây là một chiến dịch được thiết kế để gây sức ép với Jakarta.

Cụ thể, cho đến nay nó chỉ hoạt động trong vùng biển Indonesia và chủ động né vùng biển Việt Nam và Malaysia. Chuyển động của nó cũng nằm trong khu vực mà Trung Quốc xác định là khu vực “đường lưỡi bò”.

Nó không phải là hoạt động nghiên cứu khoa học, bởi nghiên cứu khoa học thì sẽ không bị ràng buộc bởi ranh giới biển như chuyển động của tàu này cho thấy.

Ở phía tây Biển Đông, cuối tháng 8, tàu Hải Dương Địa Chất 8 chỉ thực hiện một đường khảo sát xuống vùng đặc quyền kinh tế Philippines ở gần đảo Palawan, tiến tới gần một “đoạn” trong cái gọi là “đường chín đoạn” hay “đường lưỡi bò”. Nhiều khả năng đó chỉ mới là một tín hiệu cảnh báo Philippines trước kế hoạch xúc tiến thăm dò dầu khí ở khu vực Bãi Cỏ Rong.

Trong khi đó, tàu Hướng Dương Hồng 10 thì hết hoạt động ở vùng biển Malaysia và Brunei lại chuyển sang vùng biển Việt Nam.

Duân Đặng

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Bài mới
Đọc nhiều