+
Aa
-
like
comment

Geopolitical Monitor: Việt Nam và Mỹ đã sẵn sàng để nâng cấp mối quan hệ đối tác chiến lược

Bảo Trâm - 05/09/2021 08:28

Trang Geopolitical Monitor vừa đăng tải bài viết với tiêu đề “US-Vietnam Relations Ready for Strategic Partnership” (Việt Nam và Mỹ đã sẵn sàng cho đối tác chiến lược), với nhận định rằng, chuyến thăm Việt Nam của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris là dấu hiệu cho thấy hai nước đã sẵn sàng để thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ đối tác chiến lược.

Theo Geopolitical Monitor, chuyến thăm kéo dài 3 ngày của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris tới Việt Nam nhằm mục đích củng cố mối quan hệ kinh tế và an ninh giữa hai nước, tiếp theo chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin.

Tại Hà Nội, bà Harris đã gặp các nhà lãnh đạo cấp cao của Việt Nam, tham dự lễ ký kết hợp đồng thuê đất để xây dựng Đại sứ quán Mỹ mới và lễ khánh thành trụ sở CDC Mỹ khu vực Đông Nam Á.

Nhà lãnh đạo Mỹ cũng công bố món quà 1 triệu liều vaccine của hãng Pfizer, nâng tổng số vaccine Mỹ tặng Việt Nam lên 6 triệu liều. Món quà rất ý nghĩa khi Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, gây ra bởi làn sóng dịch Covid-19 thứ tư.

Theo bài viết trên Geopolitical Monitor, chủ đề quan trọng hơn giữa bà Harris và các nhà lãnh đạo của Việt Nam chắc chắn là làm thế nào để làm sâu sắc hơn mối quan hệ giữa Việt-Mỹ. Quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước đã và đang phát triển đáng kinh ngạc trong vài thập niên qua, giờ đây đang ngày càng được nâng tầm lên đối tác chiến lược.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris

Giờ đây, một trong những chủ đề nóng nhất đối với giới quan sát Việt Nam và quốc tế là: phải chăng đã đến lúc Việt Nam và Mỹ nâng cấp mối quan hệ lên thành “đối tác chiến lược?”

“Có thể thấy rõ rằng rằng, quan hệ Việt-Mỹ đã và đang ngày càng trở nên chiến lược, bất kể “tên gọi” ấy có được sử dụng hay không”, trang Geopolitical Monitor đưa ra nhận định.

Quan hệ đối tác Việt-Mỹ được nhiều người coi là yếu tố then chốt để tăng cường an ninh hàng hải trước sự quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc ở Biển Đông. Theo đó, khu vực hàng hải cực kỳ quan trọng này là nơi vận chuyển khoảng 40% hàng hóa của thế giới, rất giàu hải sản và tài nguyên thiên nhiên này, cũng như đang trở thành một đấu trường trọng yếu của cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung.

Đây cũng là nơi diễn ra những tranh chấp giữa các quốc gia và vùng lãnh thổ như Trung Quốc, Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và vùng lãnh thổ Đài Loan. Bằng cách vạch ra cái gọi là “đường 9 đoạn”, Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với toàn bộ vùng nước bên trong, điều này đã bị Tòa Trọng tài bác bỏ năm 2016, theo Geopolitical Monitor.

Trang Geopolitical Monitor cho rằng, để củng cố đòi hỏi chủ quyền của mình, Trung Quốc áp dụng rất nhiều hoạt động, từ tuyên truyền trên báo chí, in bản đồ có đường 9 đoạn lên hộ chiếu công dân, tăng cường tập trận, cản trở hoạt động kinh tế của các nước láng giềng trong vùng đặc quyền kinh tế, đến áp dụng chiến thuật “vùng xám” để tăng cường sự hiện diện trong khu vực.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris vào sáng 25-8

Trung Quốc luôn luôn khăng khăng lập trường của mình rằng các tranh chấp phải được giải quyết song phương và phản đối quốc tế hóa vấn đề. Đó thực chất là chiến lược “chia để trị”, dựa trên sự chênh lệch sức mạnh rất lớn giữa Trung Quốc và các quốc gia khác trong khu vực.

Tuy nhiên, sự hung hăng của Trung Quốc ngày càng thúc đẩy các cường quốc thế giới tham gia nhiều hơn, cũng có nghĩa là quốc tế hóa trên thực tế các tranh chấp.

Tháng 7/2020, Ngoại trưởng Mỹ khi đó là ông Mike Pompeo tuyên bố: “Những yêu sách của Bắc Kinh đối với các nguồn tài nguyên ngoài khơi tại hầu hết diện tích Biển Đông là hoàn toàn phi pháp”. Sự phản đối của Mỹ được nối tiếp bởi các hành động tương tự từ Ấn Độ và Australia.

Tháng 9/2020, Pháp, Đức và Anh đệ trình lên Liên hợp quốc một công hàm chung, bác bỏ các yêu sách của Trung Quốc. Công hàm tuyên bố rằng “các tuyên bố chủ quyền liên quan đến việc thực hiện ‘các quyền lịch sử’ trên Biển Đông không tuân thủ luật pháp quốc tế và các điều khoản của UNCLOS”.

Theo Geopolitical Monitor, “hành động chung này là chưa từng có, bởi lẽ đây là lần đầu tiên ba cường quốc chủ chốt của châu Âu thể hiện sự phản đối đối với các yêu sách của Trung Quốc một cách trực tiếp và mạnh mẽ như vậy”.

Trước đó, vào tháng 1/2021, Nhật Bản cũng gửi công hàm tới Liên hợp quốc, bác bỏ các yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc và tố cáo các nỗ lực của Trung Quốc nhằm hạn chế quyền tự do hàng không và hàng hải ở vùng biển quan trọng chiến lược này.

Sự can dự ngày càng tăng của các cường quốc thế giới, cũng như cuộc họp gần đây của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về an ninh hàng hải, cho thấy xu hướng quốc tế hóa các tranh chấp trên Biển Đông.

Qua đó, bài viết nhận định, đây có thể coi là một thắng lợi của Việt Nam và các nước ven biển. Nhưng có lẽ bây giờ là lúc các nước này, đặc biệt và trước hết là Việt Nam, phải làm việc song phương với Mỹ và các cường quốc khác để tìm kiếm những giải pháp dài hạn hơn.

Có vẻ như đó là điều mà bà Harris đã nghĩ đến khi nói “Mỹ ủng hộ một Việt Nam mạnh mẽ, độc lập và thịnh vượng và cam kết thúc đẩy quan hệ ổn định và vững chắc với Việt Nam”.

Bảo Trâm (Theo Geopolitical Monitor)

Bài mới
Đọc nhiều