GDP và nỗi niềm của Tổng cục trưởng Thống kê
Tính lại GDP là việc quan trọng, cần sự phối hợp của GSO và các bộ, ngành liên quan bởi đây là “chuyện tày đình”, “ảnh hưởng đến hình dung của chúng ta về đất nước”.
Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm giữ vẻ mặt tươi cười dù ông đối diện với nhiều đánh giá nghịch nhĩ của nhiều nhà khoa học trong một cuộc thảo luận về GDP ở Trường Đại học Kinh tế Quốc dân hồi tuần trước. Những đánh giá của họ cũng đồng điệu với nhiều học giả khác đã phát biểu trước đó liên quan đến mức tăng GDP đột biến hơn 25% được Tổng cục Thống kê đánh giá lại cho giai đoạn 2010-2017.
‘Không chịu sức ép của bất kỳ ai’
“Các anh có công bố không? Khi nào thì công bố chính thức để chúng tôi được biết?”, một Tiến sỹ của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân truy hỏi. Những sức ép này, cũng như nhiều sức ép khác, cứ trôi vuội đi khi không nhận được câu trả lời trực tiếp. Ông Lâm chỉ khẳng định: “Chúng tôi hoàn toàn độc lập, khách quan và không chịu sức ép của bất kỳ ai”.
Tuy nhiên, sức ép là có thật, chẳng hạn ở cấp địa phương. Trong nhiều năm nay, các tỉnh thành luôn công bố mức tăng trưởng cao hơn nhiều so với thống kê tăng trưởng quốc gia. Tình trạng này làm xuất hiện câu hỏi, tại sao GDP địa phương cao như thế mà GDP trung ương lại thấp như thế. Tỉnh nào có mức tăng trưởng thấp thường bị quy cho năng lực điều hành.
Ông Lâm kể, cách đây ít lâu một lãnh đạo thống kê địa phương tìm ông Lâm để báo cáo việc bị lãnh đạo địa phương dọa cách chức. “Đồng chí Bí thư tỉnh ủy chịu sức ép (tăng trưởng thấp) nên nói (với lãnh đạo cục thống kê), cậu làm như thế là không giúp cho tỉnh thực hiện nghị quyết của tỉnh. Cậu không cẩn thận là tôi lên nói với Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng và Tổng Cục trưởng Thống kê cách chức cậu”. Tất nhiên, ở vị trí Tổng cục trưởng, ông Lâm đã “động viên” thay vì “cách chức” vị lãnh đạo thống kê địa phương dũng cảm đó.
Ông Lâm khẳng định: “Đừng bao giờ hỏi hay nghi nghờ Tổng cục Thống kê về phương pháp luận. Quan điểm làm thống kê là khách quan, trung thực, đổi mới, vì đất nước”.
Quan điểm thống kê như vậy đã từng được nhiều đời lãnh đạo thống kê như ông Lâm khẳng định. Tại Hội thảo “Kinh tế Việt Nam: Động lực tăng trưởng và giải pháp thúc đẩy” diễn ra trung tuần tháng 11 năm 2017, nhiều nhà kinh tế hàng đầu đã đặt câu hỏi hoài nghi về GDP tăng cao.
Chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên nhận xét, riêng năm 2017, “có nhiều nghi vấn” xung quanh việc GDP quý I chỉ tăng 5,15%, đến quý III có sự đột phá lên 7,46% để trung bình 3 quý là 6,4%. “Bước nhảy vọt từ quý I lên quý III chưa năm nào mạnh như năm nay. Trong khi đó, giải ngân đầu tư công ít, khai thác dầu khí giảm rất mạnh… Tại sao lại như vậy?” ông Thiên đặt vấn đề.
Vẫn khẳng định cách tính “độc lập, khách quan”, ông Lâm nói trong hội thảo đó: “Tổng cục trưởng chịu trách nhiệm về số liệu thống kê. Tôi không phải gửi ai duyệt trước cả”.
‘Ít người khai báo trung thực tài sản, thu nhập’
Cho đến lần này, khi GDP được tính lại tăng tới hơn 25% vì đã ‘phát hiện thêm’ 76 ngàn doanh nghiệp, trong đó có những doanh nghiệp lơn nhất nước, giới học giả một lần nữa lại đặt câu hỏi hoài nghi.
Chuyên gia Bùi Trinh nói: “Trước đây GSO cũng luôn nói là ‘độc lập, khách quan’ khi tính GDP, vậy họ làm sao giải trình được việc bỏ sót một số lượng doanh nghiệp lớn như thế?”. Chuyên gia Võ Trí Thành nói: “Tôi sốc với GDP được tính lại nhưng không phải vì mức tăng hơn 25% mà vì cách giải trình”. Ông giải thích, tính lại GDP là việc quan trọng, cần sự phối hợp của GSO và các bộ, ngành liên quan bởi đây là “chuyện tày đình”, “ảnh hưởng đến hình dung của chúng ta về đất nước”.
Trong suốt quá trình thảo luận vừa qua, dường như không có ý kiến phản đối việc tính lại GDP vì nhiều nước khác cũng làm như vậy. Vấn đề là, như ông Thành nhận xét, giới học thuật ngạc nhiên với con số tính thêm 76 ngàn doanh nghiệp.
Hệ thống đăng ký kinh doanh đã được hiện đại hóa rất cao và quản lý tập trung ở Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Ở Tổng cục Thuế cũng như vậy. Số doanh nghiệp được báo cáo hàng giờ về trung ương; được công bố hàng tháng, hàng năm. Vậy vì sao bỏ sót 76 ngàn doanh nghiệp này? Bên cạnh đó, Sách trắng Doanh nghiệp Việt Nam 2019 vừa được công bố hồi tháng 7/2019 cũng không ghi nhận con số này. Vì sao trong những tài liệu quan trọng đó lại không có mà nay lại có?
Một lý do khác, lâu nay khu vực doanh nghiệp tư nhân có đăng ký chính thức của Việt Nam không lớn được, và được tính toán là chỉ chiếm vỏn vẹn 8-9% GDP mỗi năm. Đến cuối 2018, cả nước có 715 ngàn doanh nghiệp tư nhân. Nhưng nay có thêm 76 ngàn doanh nghiệp (tương đương hơn 10% tổng số doanh nghiệp tư nhân cả nước). Vậy làm sao số doanh nghiệp tăng thêm này giúp tăng GDP tăng hơn 25%, cao hơn nhiều so với đóng góp GDP của 715 ngàn doanh nghiệp cả nước.
Tuy nhiên, thêm 67 ngàn doanh nghiệp mới chỉ là 1 trong 5 nguyên nhân làm tăng GDP. Ông Lâm tiết lộ, khi báo cáo Bộ Chính trị gần đây, Tổng cục Thống kê đã nhận trách nhiệm, “trong 5 nguyên nhân thay đổi, có 2 nguyên nhân do Tổng cục Thống kê chưa cập nhật số liệu tốt”.
Dù sao, tác động của GDP tăng thêm 25,4% sẽ làm các chỉ tiêu tài chính công gắn với GDP giảm đáng kể, cách xa mức trần của Quốc hội, theo chuyên gia kinh tế Phạm Thế Anh. Cụ thể, trong năm ngoái, tỷ lệ nợ công/GDP giảm từ 56,1% xuống còn 44,7%; nợ chính phủ/GDP giảm từ 49,2% xuống 39,2%; nợ nước ngoài/GDP giảm 45,8% xuống 36,5% và thâm hụt ngân sách/GDP giảm từ 3,6% xuống 2,9%.
Ông Thế Anh nói: “GDP tăng lên sau khi tính lại ở góc độ nào đó đã vô hiệu hóa các ngưỡng trần mà Quốc hội đã đưa ra và tạo an toàn giả tạo bởi thu ngân sách không tăng”.
Tổng cục Trưởng Nguyễn Bích Lâm không phủ nhận thực tế này. Ông bộc bạch, trước đây, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh từng nói trước Quốc hội rằng đến các đại biểu Quốc hội cũng không kê khai trung thực hết thu nhập, nói gì đến những người khác, làm cho ngành thống kê rất khó khăn. “Những nước đang phát triển như Việt Nam có ít người khai báo trung thực tài sản, thu nhập của mình nên chúng tôi phải hoàn toàn dựa vào số liệu điều tra được để tính toán,” ông Lâm phân trần.
(Theo Vietnamnet)