+
Aa
-
like
comment

“Gây hấn với láng giềng, Trung Quốc mưu đồ làm siêu cường thay Mỹ”

02/07/2020 11:05

Chuyên gia cho rằng, Trung Quốc liên tục thực hiện các hành động gây hấn với các nước nhằm mục đích thay thế Mỹ, trở thành siêu cường dẫn dắt thế giới. 

Trung Quốc ngang ngược thực hiện nhiều hành vi gây hấn với các nước láng giềng từ quân sự hóa ở Biển Đông, xung đột ở biên giới với Ấn Độ và đưa tàu ngầm vào vùng biển gần Nhật Bản, tự đặt tên cho các thực thể dưới nước ở vùng biển Hoa Đông, gần với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mà hai bên đang có tranh chấp.

Trả lời PV, ông Tôn Sinh Thành, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ cho rằng, các hành động của Trung Quốc trong việc gây hấn với các nước láng giềng trong cùng thời điểm nhằm nhiều mục đích khác nhau. Một mặt Trung Quốc đang muốn gây sức ép, buộc các nước phải nhượng bộ trong vấn đề tranh chấp. Mặt khác nước này muốn “đo phản ứng” của Mỹ trong tham vọng trở thành siêu cường dẫn dắt thế giới.

Chuyên gia: Gây hấn với láng giềng, Trung Quốc mưu đồ làm siêu cường thay Mỹ - 1
Trung Quốc xây dựng phi pháp trên đá Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.  

– Trung Quốc liên tục có các hành động gây hấn với nhiều nước láng giềng thời gian gần đây. Ông nhận định thế nào về động thái này?

Theo tôi, đây là điều bất thường. Thông thường, một nước sẽ không đồng thời gây hấn với các nước láng giềng trong cùng một thời điểm. Song Trung Quốc đang làm điều đó. Hiện nay, Trung Quốc có tranh chấp trên đất liền và trên biển với một loạt các nước, như Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam, Ấn Độ, Nepan.

Cùng với đó, cách mà Trung Quốc gây hấn với các nước giờ đây tỏ thái độ rất hiếu chiến và hung hăng, muốn đe dọa các nước để thực hiện kiểm soát của mình trong tranh chấp đối với các nước. Trung Quốc sẵn sàng áp đặt, sử dụng sức mạnh để giải quyết tranh chấp với các nước láng giềng. Điều này thể hiện rất rõ ở Biển Đông và trên biên giới với Ấn Độ.

Trước đây, Trung Quốc muốn giữ yên ổn trên biên giới, không áp đặt. Từ đó Bắc Kinh có thể trao đổi, thương lượng với các nước. Ví dụ cụ thể là với Ấn Độ, Trung Quốc từng duy trì biên giới hòa bình, song hiện nay Bắc Kinh không còn tôn trọng thỏa thuận này nữa.

Gợi ý của Biên tập viên »Trung Quốc bắt nạt, gây hấn với nhiều quốc gia láng giềng thế nào? »Mỹ, Nhật, Philippines chỉ trích việc Trung Quốc tính lập ADIZ Biển Đông »Trung Quốc liên tục gây hấn với láng giềng nhằm mục đích gì? – Trung Quốc đang cậy thế sức mạnh để thực hiện các hành động bắt nạt các nước láng giềng, thưa ông?

Trung Quốc hiện có những thay đổi trong quan điểm, đánh giá về vị thế, tương quan lực lượng của nước này với các nước láng giềng.

Theo đó, Trung Quốc cho rằng, Bắc Kinh có đủ sức mạnh để áp đặt giải pháp đối với các tranh chấp láng giềng xung quanh. Trước đây, ông Tập Cận Bình còn ngại va chạm, đặc biệt với các nước lớn như Nhật Bản hay Ấn Độ. Tuy nhiên, Trung Quốc hiện cho rằng tương quan lực lượng của mình đã hơn hẳn các nước này, thậm chí còn tỏ thái độ coi thường các nước nhỏ ở khu vực.

Bắc Kinh cho rằng đã đến lúc nước này phải dùng những biện pháp mạnh để giành chủ quyền với các nước láng giềng.

Cách hành xử ngang ngược của Trung Quốc đối với các nước sẽ giống nhau. Các nước sẽ phải chấp nhận cách giải quyết theo cách của Trung Quốc. Nếu nước nào không chấp nhận, Bắc Kinh sẽ đe dọa, thậm chí đối đầu tranh chấp.

– Trung Quốc đáng lẽ phải đoàn kết, phối hợp cùng các nước trong chống đại dịch COVID-19, song đang làm điều ngược lại. Trung Quốc dường như muốn thách thức thế giới, liên tục gây hấn với các nước để thể hiện mưu đồ riêng?

Ngay thời điểm này, mặc dù chịu sự tác động của dịch COVID-19 song tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc vẫn ở mức 1%, trong khi các nước phương Tây tăng trưởng âm. Còn các nước láng giềng như Ấn Độ đang gồng mình chống dịch. Do đó, Trung Quốc coi rằng đây là thời cơ để thực hiện mưu đồ chiến lược của mình.

Việc Trung Quốc cùng lúc gây hấn với một loạt nước láng giềng là để thử phản ứng của các nước. Theo đó, những nước nào không chịu được áp lực của Trung Quốc sẽ phải nhượng bộ, hoặc Bắc Kinh sẽ tiếp tục gia tăng áp lực.

Tuy nhiên, nhìn một cách sâu xa, hành động gây hấn của Trung Quốc đối với các nước láng giềng là thông điệp nước này muốn gửi đến Mỹ. Bắc Kinh muốn “đo phản ứng” của Washington qua động thái này.

Từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền, mục tiêu của Trung Quốc là giành vị thế số 1, thay thế Mỹ để lãnh đạo thế giới. Vì thế, Bắc Kinh đang muốn xem phản ứng của Washington ra sao.

Trong trường hợp Mỹ không phản ứng gì, Trung Quốc sẽ thực hiện những kế hoạch của mình, với vị thế của siêu cường số 1 trên thế giới. Khi đó Bắc Kinh sẽ áp đặt trật tự mới, buộc các nước khác phải phục tùng.

– Các nước có liên quan sẽ không chịu ngồi yên sau các hành vi khiêu khích, gây hấn của Trung Quốc, thưa ông?

Hành động hiếu chiến của Trung Quốc chắc chắn sẽ vấp phải phản ứng của các nước trong có liên quan. Điều này có thể nhìn thấy ở biển Hoa Đông. Sau động thái Trung Quốc điều tàu ngầm đến tiến vào vùng biển gần Nhật Bản, Tokyo lập tức điều khu trục hạm và tàu chở trực thăng săn ngầm áp sát, theo dõi.

Ở Biển Đông, chúng ta có thể thấy rõ hơn phản ứng ngày càng mạnh lên của các nước ASEAN qua Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 36 vừa diễn ra tại Hà Nội, do Việt Nam chủ trì. Còn ở Ấn Độ, nước này cũng phản ứng rất mạnh mẽ. Khi Trung Quốc đưa quân lên biên giới, Ấn Độ cũng sẵn sàng điều quân để đáp trả.

Bên cạnh đó, những động thái của Trung Quốc sẽ khiến căng thẳng trong các khu vực tranh chấp ngày càng leo thang. Bởi vì tại Biển Đông, không chỉ có lợi ích của các nước trong khu vực mà còn có lợi ích của các nước trên thế giới, đặc biệt là về quyền tự do hàng hải.

Các nước lớn trong khu vực sẽ can dự vào đây để đảm bảo quyền tự do hàng hải. Và đặc biệt là Mỹ, sẽ có hành động bảo đảm cho chiến lược “Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương tự do và rộng mở”.

Chuyên gia: Gây hấn với láng giềng, Trung Quốc mưu đồ làm siêu cường thay Mỹ - 3
Binh lính Trung Quốc và Ấn Độ đã có giao tranh, đụng độ dẫn đến thương vong ở biên giới hôm 15/6.

– Leo thang căng thẳng trong khu vực giữa Trung Quốc và các nước lớn sẽ khiến cho các nước nhỏ gặp nhiều bất lợi?

Xung đột giữa Trung Quốc và các nước lớn trong khu vực cũng đặt ra vấn đề lớn đối với các nước nhỏ. Khi đó, các nước sẽ phải chọn bên, đẩy các nước vào thế phải theo Trung Quốc hoặc theo bên kia. Trường hợp theo Trung Quốc, nước này sẽ không gây hấn, còn nếu các nước không khuất phục thì Bắc Kinh sẽ gây chuyện.

Nếu các nước chùn bước, chịu không nổi trước sức ép của Trung Quốc, phải nhân nhượng thì nước này sẽ tiếp tục lấn tới. Và khi Trung Quốc giành được ưu thế, thì nước này sẽ tìm mọi cách, gây sức ép để tiếp tục đạt thêm nhiều lợi ích khác.

Trong tranh chấp biên giới với Ấn Độ, nếu phản ứng của Ấn Độ không mạnh, không sử dụng các biện pháp khác nhau thì Trung Quốc sẽ lấn tới và giành lấy thêm những khu vực tranh chấp.

Ở Biển Đông, nếu các nước có liên quan không có phản ứng hay không có tiếng nói mạnh mẽ từ các nước ASEAN cũng như của cộng đồng quốc tế thì Trung Quốc sẽ còn tiếp tục gây căng thẳng. Chỉ khi nào có sự phản ứng mạnh mẽ và hợp tác của các nước mới đủ sức kiểm chế âm mưu bành trướng của Trung Quốc.

– Trong các nước láng giềng mà Trung Quốc đang gây hấn, có rất nhiều đồng minh, đối tác quan trọng của Mỹ. Washington sẽ có phản ứng mạnh mẽ trước các hành động của Trung Quốc, thưa ông?

Nhật Bản là đồng minh và là trụ cột trong chiến lược của Mỹ ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Nếu Trung Quốc đụng đến đồng minh chủ chốt nhất trong chiến lược “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở” thì chắc chắn Washington sẽ ngồi yên.

Đối với Ấn Độ, qua những vụ liên quan đến tranh chấp biên giới từ năm 2017 diễn ra ở khu vực trên cao nguyên Doklam, New Delhi đã rất cảnh giác với Bắc Kinh và tăng cường quan hệ với Mỹ.

Mặc dù chưa ở mức đồng minh, song Mỹ đã coi Ấn Độ là đối tác quốc phòng chủ chốt. Trong khi đó, Ấn Độ vẫn đang thực hiện chính sách tự chủ chiến lược, không nghiêng hẳn về bất cứ bên nào, đồng thời cố gắng duy trì quan hệ cân bằng với các nước lớn.

Tuy nhiên, với hành động vừa qua của Trung Quốc ở Đông Ladakh, Bắc Kinh đã có bước đi sai lầm khi đẩy New Delhi hẳn về phía Washington.

Mới đây, ở Brussel, Ngoại trưởng Mỹ cũng tuyên bố Mỹ giảm quân ở châu Âu để bổ sung, tăng cường cho khu vực châu Á – Thái Bình Dương, đối phó với mối đe dọa từ Trung Quốc đối với Ấn Độ và các nước Đông Nam Á.

Qua đó, có thể thấy Washington đã hành động, và có những kế hoạch để sẵn sàng hỗ trợ đồng mình, đối tác trong khu vực đương đầu với các thách thức từ Trung Quốc.

– Các nước láng giềng của Trung Quốc và cộng đồng quốc tế cần phải làm gì để ngăn chặn hành động ngang ngược của nước này, thưa ông?

Tôi cho rằng, nếu chúng ta không lên án và có những phản ứng quyết liệt đối với các hành động của Trung Quốc thì nước này sẽ tiếp tục lấn tới.

Trước hết, chúng ta phải lên án về mặt dư luận, lên án hành động sử dụng vũ lực để giải quyết các vấn đề tranh chấp lãnh thổ với các nước láng giềng. Chúng ta cần lên án những hành động như vậy, không chỉ có ở Biển Đông mà ở nhiều nơi trên thế giới.

Thứ hai, phải tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế. Điều này rất quan trọng. Bởi vì các nước quanh biên giới với Trung Quốc là những nước nhỏ, yếu thế hơn so với Trung Quốc. Một nước không thể một mình đương đầu với Trung Quốc, do đó cần có sự ủng hộ của các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế.

Trong đó, cần đề cập đến tính thượng tôn pháp luật. Luật pháp quốc tế không cho phép nước nào sử dụng vũ lực để giải quyết các vấn đề tranh chấp về lãnh thổ. Nước nào sử dụng vũ lực để giải quyết vấn đề tranh chấp lãnh thổ là sai. Ví dụ, Trung Quốc dùng vũ lực chiếm Hoàng Sa của Việt Nam là hoàn toàn sai.

Thứ ba, giữa các nước cần có sự hợp tác chặt chẽ cùng nhau. Giữa các nước cùng lợi ích, cùng mối đe dọa chung để bảo vệ lợi ích, chủ quyền lãnh thổ. Nếu các nước chia rẽ, không có sự đoàn kết thì sẽ là cơ hội để Trung Quốc lợi dụng “xé lẻ bó đũa” để thực hiện ý đồ của mình một cách dễ dàng.

– Xin cảm ơn ông!

Kông Anh/ VTC

Bài mới
Đọc nhiều