Gặp khó tiền bán trú, phụ huynh mang thực phẩm ‘nhà trồng được’ đến trường
“Phụ huynh của chúng tôi có thể gặp khó nếu phải đóng góp vài trăm nghìn cho bữa ăn bán trú. Nhưng nếu có thể đóng góp bằng công sức, lương thực làm ra, tất cả phụ huynh đều rất sẵn lòng”.
Tại hội thảo “Nâng cao chất lượng bữa ăn bán trú và công tác phối hợp giữa gia đình, nhà trường, cộng đồng trong việc chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non” do Bộ GD-ĐT tổ chức, các đại biểu đến từ nhiều tỉnh thành trên cả nước đã chia sẻ những giải pháp để thực hiện mô hình bữa ăn bán trú thành công.
“Nếu lớp có 30 trẻ, mỗi tháng, phụ huynh sẵn sàng góp 30 con gà”
Ông Trần Thế Sơn – Trưởng phòng Giáo dục mầm non, Sở GD-ĐT Nghệ An cho biết, đặc thù của Nghệ An là có những nơi phát triển năng động, mạnh mẽ, nhưng cũng có những vùng hết sức khó khăn. Do đó, trong công tác chỉ đạo, quản lý, Sở GD-ĐT luôn phải cố gắng để đưa ra các giải pháp phù hợp.
“Nghệ An luôn chú trọng vào công tác tổ chức bán trú, trong đó ưu tiên hàng đầu là việc phối hợp giữa phụ huynh và nhà trường. Trước cổng các trường mầm non của chúng tôi đều có khẩu hiệu: “Con của các bạn cũng chính là con của chúng tôi”.
Vì thế nên trong mọi khâu của bữa ăn bán trú tại Nghệ An đều có sự góp mặt của phụ huynh.
Ông Sơn lấy dẫn chứng, ngay tại một địa phương khó khăn của Nghệ An là Tương Dương nhưng mỗi ngày luôn có 2 3 phụ huynh cắt phiên tới tham gia nấu ăn, hỗ trợ các cô giáo chăm sóc trẻ. Đồng thời mỗi tuần 2 lần, phụ huynh sẽ thay nhau đóng góp thực phẩm như: gà, vịt, thịt, cá, nếp nương,… để nấu cháo dinh dưỡng cho các cháu.
“Phụ huynh có thể gặp khó nếu phải đóng góp vài trăm nghìn cho bữa ăn bán trú. Nhưng nếu có thể đóng góp bằng công sức, lương thực làm ra, tất cả đều rất sẵn lòng.
Phụ huynh của chúng tôi luôn sẵn sàng đóng góp một con gà để các con có bữa cháo chiều. Nếu lớp có 30 trẻ, mỗi tháng, phụ huynh sẵn sàng góp 30 con gà và trực tiếp đến nấu cháo cho các cháu ăn. Đó là cách làm trong điều kiện không có nguồn kinh phí”.
Cụ thể hơn về sự tham gia của phụ huynh trong công tác bán trú, ông Sơn cho biết, cha mẹ sẽ tham gia ngay từ khâu nhập thực phẩm, tổ chức chế biến và cùng giám sát hoạt động bán trú của nhà trường.
“Điều này cực kỳ quan trọng, vừa tăng trách nhiệm, vừa tăng tính minh bạch. Nhờ đó, việc đưa thực phẩm bẩn vào trường học sẽ được ngăn chặn ngay từ khâu đầu tiên. Theo tôi, đây là giải pháp quan trọng nhất để thực hiện bán trú thành công và giảm thiểu được nguy cơ ngộ độc thực phẩm, ăn bớt khẩu phần ăn của trẻ”.
Ngoài ra, ông Sơn cho biết: “Chính sách của Nghệ An là phải tuyển nhân viên nấu ăn tối thiểu có bằng sơ cấp về nấu ăn. Hàng năm, các đơn vị cũng phải phối hợp với trung tâm y tế để tập huấn về nghiệp vụ dinh dưỡng và an toàn thực phẩm”.
Bên cạnh đó, đến nay, 100% trường mầm non tại Nghệ An đã ứng dụng thành công phần mềm quản lý bán trú. “Giờ đây ngồi từ xa, chỉ cần một cú click, lãnh đạo Sở cũng có thể kiểm tra việc nhập thực phẩm của trường thế nào, các trường xây dựng thực đơn ra sao.
Ngoài ra, ứng dụng này cũng giúp người làm nghiệp vụ nấu ăn ở các trường hàng ngày lên thực đơn dễ dàng và chuẩn hơn cho từng nhóm đối tượng như béo phì, bình thường, nhẹ cân,…”, ông Sơn nói.
Khuyến khích phụ huynh có thực phẩm sạch bán cho nhà trường
Hiệu trưởng Trường Mầm non Đăk Kroong, huyện Đâk Glei, tỉnh Kon Tum cho biết, trước đây, nhiều em học sinh đi học buổi sáng, đến buổi trưa về nhà không có người chăm sóc.
Hàng ngày, trẻ đi học về sẽ tự ăn cơm với mắm, muối rồi lang thang đi chơi nắng. Đến giờ học chiều, học sinh nào tự giác sẽ trở lại lớp. Nhiều em mải chơi, đến khi cô giáo đến tận nơi gọi về học mới miễn cưỡng đi theo. Từ khi thực hiện cho trẻ ăn trưa tại trường, các lớp duy trì được tỷ lệ chuyên cần, huy động được trẻ đi học buổi chiều.
Hiện nay, công tác bán trú của Trường Mầm non Đăk Kroong được thực hiện với hình thức mang cơm tới lớp. Mỗi ngày, bữa ăn của trẻ sẽ được bố mẹ đem đến trong cặp lồng 3 ngăn. Giáo viên sẽ tiếp nhận, kiểm tra bữa ăn của trẻ, kịp thời tư vấn, góp ý cho phụ huynh làm thế nào để đảm bảo dinh dưỡng trong bữa ăn cho trẻ khi cần thiết.
Tại Vĩnh Phúc, 5 năm trước vẫn diễn ra tình trạng nhiều trường mầm non bếp ăn chật hẹp, đồ dùng bán trú không đồng bộ, cô nuôi không có trình độ nấu ăn, mức ăn của trẻ dưới 13.000 đồng/ suất.
Tuy nhiên, địa phương này cho biết, kể từ năm 2015 đến nay, toàn ngành đã tập trung xây dựng bếp ăn một chiều, trong đó gồm 3 phòng chính liền kề (sơ chế, chế biến, chia ăn). Giữa các phòng có một lối đi thông nhau, được hoạt động theo dây chuyền từ khâu tiếp nhận thực phẩm đến sơ chế, chế biến, chia ăn, bảo quản, vận chuyển thức ăn,… đảm bảo sự lưu thông một chiều. Các thiết bị nấu ăn đảm bảo vệ sinh theo tiêu chuẩn cụ thể. Nhờ vậy, chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ cũng được cải thiện rõ rệt.
Trong khi đó, tại Nam Định, cô Chu Thị Dung, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hải Tân, Hải Hậu cho biết, nhà trường luôn xây dựng thực đơn theo mùa. Đặc trưng của Hải Hậu là vùng biển nên tôm, cua, cá được đưa vào thực đơn nhiều. Tuy nhiên, nhà trường luôn cân đối để thức ăn không lặp lại nhau trong vòng 2 tuần. Sau khi lên thực đơn, tổ dinh dưỡng của trường sẽ tính khẩu phần ăn cho trẻ theo đúng định lượng yêu cầu của độ tuổi.
Bên cạnh đó, khi thực phẩm được mang đến, sẽ có một người trong ban giám hiệu, một nhân viên dinh dưỡng và đại diện phụ huynh sẽ tới kiểm tra về độ tươi ngon, đảm bảo vệ sinh của thực phẩm, sau đó kiểm tra về số lượng và cân nặng trước khi ký kết.
Cũng theo cô Dung, nhà trường còn lắp thêm camera ở bếp ăn để quản lý mọi hoạt động trong bếp, tránh tình trạng ăn bớt khẩu phần của trẻ. Hàng ngày, nhân viên dinh dưỡng tại bếp sẽ lưu lại hình ảnh cân nặng của thực phẩm và gửi công khai trên nhóm zalo của nhà trường.
“Trong năm qua, trường được cấp 800 m2 đất. Nhà trường đã sử dụng để làm vườn, trồng rau sạch, tạo điều kiện cho các cô nhà bếp trồng rau và cung cấp thực phẩm rau sạch cho các con. Ngoài ra, trường cũng khuyến khích phụ huynh học sinh, giáo viên có thực phẩm sạch tại gia không có hóa chất có thể bán cho nhà trường để đảm bảo an toàn vệ sinh”, cô Dung chia sẻ.
Thúy Nga/VNN