Gặp điệp viên từng đối diện với Tổng thống Mỹ tại Lầu Năm Góc
Sau giải phóng miền Nam năm 1975, rất nhiều người sửng sốt khi thấy ông Đinh Văn Đệ hàng ngày tới làm việc tại cơ quan công quyền tại TP.HCM. Có người quá bức xúc liền tới chất vấn các lãnh đạo thành phố rằng: Vì sao một người từng làm tới Phó Chủ tịch Hạ viện của chế độ cũ, nay lại được tuyển vào làm việc ngay tại cơ quan của thành phố mới giải phóng. Ông Võ Văn Kiệt lúc ấy chỉ cười và nói một câu tiếng Pháp: “Il est communist sans parti” ( nghĩa là: Ông ấy không phải là đảng viên, nhưng là một người Cộng sản).
Hẳn những cán bộ trẻ kia còn “bức xúc” gấp nhiều lần nếu biết qua “sơ yếu lý lịch” của ông Đinh Văn Đệ do chế độ cũ quản lý: Sinh năm 1922, xuất thân là giáo viên trường tư thục Sài Gòn (1951) và bị động viên vào lính trong thời kỳ Pháp chiếm đóng Sài Gòn. Sau khi tốt nghiệp trường Sĩ quan Thủ Đức, viên sĩ quan trẻ Đinh Văn Đệ được điều về Bộ Tham mưu Quân khu I Sài Gòn cho đến năm 1954 khi Ngô Đình Diệm thành lập Đảng Cần Lao – Nhân Vị thì ông Đệ được thăng quân hàm Đại úy; 3 năm sau, được thăng vượt cấp quân hàm Trung tá (1957).
Tháng 11/1960, khi Nguyễn Chánh Thi đảo chính Ngô Đình Diệm, lực lượng đảo chính đã bắt Đinh Văn Đệ giam 37 ngày. Cuộc đảo chính bất thành, Đinh Văn Đệ được giải thoát và được Ngô Đình Diệm rất mực tin cẩn, cử đi học tại trường Sĩ quan Đà Lạt (1960 – 1963). Đinh Văn Đệ đã tốt nghiệp thủ khoa. Đó cũng đúng là thời kỳ Dương Văn Minh (theo sự giật dây của CIA) đảo chính Ngô Đình Diệm. Biết được tài năng của Đinh Văn Đệ, Dương Văn Minh đã bằng mọi cách mời ông ra làm Thị trưởng Đà Lạt, sau kiêm thêm chức Tỉnh trưởng Tuyên Đức, rồi chuyển sang làm Tỉnh trưởng Bình Thuận. Cho tới năm 1967 thì Đinh Văn Đệ trúng cử nghị sĩ và được bầu làm Phó Chủ tịch Hạ viện khóa 1967 – 1971. Khóa sau, ông Phó Chủ tịch Hạ viện này bỗng dưng đi “vận động hành lang” để mình được xuống cấp với chức Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng (UBQP) thuộc Hạ viện.
Có lẽ chuyện gây “bức xúc” lớn nhất là khi ta quyết định mở chiến dịch Hồ Chí Minh, chính quyền chế độ cũ lúc đó đang đứng bên bờ vực thẳm, đã giở đến lá bài cuối cùng là cử một phái đoàn nghị sĩ của Quốc hội sang gặp Tổng thống Mỹ G.Ford để xin cứu vớt. Với cương vị Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Quốc hội – nhân vật chủ chốt trong phái đoàn – Đinh Văn Đệ đã được Nguyễn Văn Thiệu giao trọng trách làm sao thuyết phục được Tổng thống Mỹ đưa quân trở lại Việt Nam. Cũng vào thời điểm này, Bộ Chính trị Trung ương Đảng ta cũng đã đặt lên bàn cân câu hỏi: Liệu Mỹ có đưa quân trở lại Việt Nam? Trong bối cảnh đó, rõ ràng, chuyến đi này mang một ý nghĩa lịch sử có tầm ảnh hưởng khôn lường. Vậy, toàn bộ nội dung và kết quả của chuyến “đi sứ” đó ra sao?
Thời gian trôi nhanh, mặc dù bước vào tuổi 84, cụ Đinh Văn Đệ vẫn hồng hào, mẫn tiệp, cử chỉ, lời nói rõ ràng, khoan thai. Biết tôi là nhà báo từ Hà Nội vào, cụ đã ưu ái dành cho tôi trọn một buổi chuyện trò. Lúc tôi ra về, người giúp việc cho cụ nói nhỏ cho tôi đủ nghe: “Lần đầu tiên đấy!”. Cụ bắt đầu câu chuyện với cách xưng hô thân mật: “Gia đình chú vốn đã mấy đời theo đạo Cao Đài. Hồi chú tham gia Nghị viện Sài Gòn, bọn họ cũng chỉ biết gia đình chú toàn là tín đồ đạo Cao Đài, chứ không ai hay biết là chú còn 2 người em trai tập kết ra Bắc, và sau này, có hai em là liệt sĩ. Khi nhận nhiệm vụ, chú đã bàn với tổ chức rằng cách tốt nhất để đảm bảo tuyệt đối bí mật là sẽ lập một hộp thư liên lạc gồm những thành viên là người ruột thịt của chú. Tổ chức rất tán thưởng ý định đó. Vậy là một đường dây liên lạc được thiết lập giữa chú với một ông chú ruột và một người em ruột của chú. Chính nhờ sự khôn khéo của tổ chức và các thành viên trong hộp thư mà suốt mấy chục năm hoạt động, các tướng lĩnh, nhân viên của địch xung quanh chú, kể cả các lãnh đạo chóp bu của chính quyền Sài Gòn không hề có ai mảy may nghi ngờ chú là “Việt cộng nằm vùng”.
Chuyện hoạt động tình báo trong bao nhiêu năm thì vô vàn. Bữa nay, chú chỉ tóm tắt đôi ba việc để cháu hiểu thế nào là “tình báo Xa – lông”, “trong đỏ ngoài xanh”…Chú còn nhớ sau khi quân ta chiếm Phước Long vào ngày 8/1/1975, vì đây là tín hiệu đầu tiên cho Chiến dịch Hồ Chí Minh sau này, Trung ương Cục miền Nam đã yêu cầu bằng mọi cách phải xác định được sau khi mất Phước Long thì kế hoạch của địch ra sao, liệu chúng có tái chiếm Phước Long hay không? Lúc này, chú đang giữ chức Chủ tịch UBQP Hạ viện ngụy Sài Gòn. Trước đó, tổ chức đã phân tích rằng chức vụ Phó Chủ tịch Hạ viện chỉ là “đuôi trâu”; tình thế cách mạng đang cần nhiều tin tức quân sự, cho nên phải làm thế nào để chú ngồi vào được cái ghế Chủ tịch UBQP thuộc Hạ viện và chú đã gắng sức hoàn thành nhiệm vụ đó.
Khi nhận được lệnh của Trung ương Cục miền Nam, với tư cách là Chủ tịch UBQP Hạ viện, chú đã khôn khéo kích động một số nghị sĩ về “thất bại cay đắng” tại Phước Long và quả nhiên họ đã lớn tiếng yêu cầu bên Quốc phòng phải điều trần trước Nghị viện. Chú còn nhớ trong phiên họp điều trần ấy, viên Tổng trưởng Quốc phòng và viên chuẩn tướng, Trưởng phòng hành quân đã toát mồ hôi trước các ý kiến gay gắt của các nghị sĩ. Riêng chú lặng im không phát biểu gì. Ngay sau buổi họp đó, chú mời viên Tổng trưởng Quốc phòng lên phòng chú vỗ về rằng: Đây chỉ là chuyện thực thi “dân chủ”, tôi rất thông cảm, tuy nhiên để tránh căng thẳng cho những lần sau, anh và các nhân viên hãy thông tin cho tôi trước. Nhân đây, anh tìm cho một thẻ Laisser- Passer Permanent (Thẻ thông hành đặc biệt) để mỗi lần hỏi các anh cho thuận tiện… Nhận được sự thông cảm của chú, viên Tổng trưởng cảm ơn rối rít, còn bảo: “Đại ca đừng lo, chúng em đã có kế hoạch san bằng Lộc Ninh, Phước Long. Lính của chúng em đã nắm được từng hố cá nhân của Việt cộng…”.
Ngay sau đó, tất cả những “kế hoạch” và “điều trần” của viên Tổng trưởng Quốc phòng đã tới tay Trung ương Cục miền Nam. Nhận được tin tức, Bí thư Trung ương Cục Phạm Hùng đã gửi lời khen ngợi…
Về nội dung và kết quả đối với “trọng trách” mà Nguyễn Văn Thiệu đã giao, chú còn nhớ, trong phái đoàn đó ngoài một số chuyên gia, cố vấn của Tổng thống Thiệu, còn có một Phó Chủ tịch Hạ viện, một Chủ tịch UB Đối ngoại và chú là Chủ tịch UBQP. Trước đó, chú từng giảng dạy tại các lớp quân sự cao cấp và cũng từng được Viện Hàn lâm Hoa Kỳ tặng bằng Viện sĩ danh dự (về vũ khí), cho nên phái đoàn này đã giao cho chú trách nhiệm thuyết trình trước Tổng thống Mỹ G. Ford. Khi đoàn xuống sân bay, đích thân Đại tướng Westmoreland ra đón rất trịnh trọng.
Sau này có người hỏi chú rằng Tổng thống G. Ford tiếp chú ở đâu, như thế nào, hầu như chú không nhớ gì. Vì sao vậy? Vì chú không thể nào quên cái cảm giác khi bước chân trên sảnh Nhà Trắng dẫn tới phòng Tổng thống Mỹ đón, làm việc với phái đoàn.
Trong khoảnh khắc ấy, trong đầu chú căng như sợi dây đàn: Vừa làm sao thực hiện được nhiệm vụ của tổ chức giao, đó là phá vỡ âm mưu đưa quân Mỹ trở lại miền Nam, vừa phải thuyết trình sao cho Tổng thống Mỹ và những người đi cùng không nghi ngờ gì. Khi đã gần tới phòng đón tiếp, chú mới quyết định chọn nước cờ thuần túy về quân sự và không diễn giải theo hướng “ngoại giao” hoặc tình “hữu nghị”, “chiến hữu”, “đồng minh” mà Tổng thống Thiệu hay đề cập đến trước đó. Bằng những thông tin mà báo chí đã đăng tải, cộng với một số phát biểu của các quan chức, tướng lĩnh chế độ cũ, cùng những số liệu về lực lượng, vũ khí, chú đã dựng lên một bức tranh mà không kèm theo một lời bình luận nào. Để kết thúc bài thuyết trình, chú đã thể hiện mình và những người trong phái đoàn, đều là những người hết sức “yêu nước”, rất sợ “mất nước”. Vì vậy, đề nghị Tổng thống và Quốc hội Mỹ phải có quyết định ngay tức thì.
Lúc đó, quan sát Tổng thống Mỹ sau khi đã chứng kiến bức tranh do chú vừa dựng lên, chú thầm đoán rằng trong thâm tâm ông ta cũng không thể nghĩ đến chuyện đưa quân Mỹ trở lại miền Nam. Quả nhiên ông ta đã không muốn làm mất lòng trực diện với ông bạn Thiệu bằng một câu kết luận: Xin cảm ơn các quý vị. Tôi sẽ cử ngay một tướng tài ba sang miền Nam Việt Nam nắm thêm tình hình rồi chúng tôi sẽ quyết định sau. Khi bắt tay chào Tổng thống Mỹ, chú đã phải cố kìm nén nỗi vui mừng, không biểu lộ ra ngoài, vì cộng thêm những dữ liệu khác, chú đã nắm chắc Mỹ sẽ không trở lại. Ngay sau buổi thuyết trình đó, chú đã báo tin về rằng Mỹ sẽ không đưa quân trở lại miền Nam”.
Trước lúc chia tay, cụ đã tặng tôi một cuốn sách nhan đề “Nói chuyện Cao Đài” do đích thân cụ biên soạn dưới pháp danh Thiên Vương Tinh Đinh Văn Đệ.
Mạnh Việt