Với phương châm sống “mỗi giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại”, đến nay, Thượng úy Nguyễn Thành Công đã tình nguyện hơn 30 lần hiến máu cứu người. Nghĩa cử cao đẹp này đã được Bộ trưởng Bộ Công an gửi thư tuyên dương, khen ngợi…
Có dịp trò chuyện với Thượng úy Nguyễn Thành Công (công tác tại Trung đội Cảnh sát đặc nhiệm, Tiểu đoàn CSCĐ – Phòng CSCĐ Công an tỉnh Đắk Lắk), để hiểu rõ hơn về những cống hiến, những nghĩa cử cao đẹp hết mình vì nhân nhân của anh tôi mới cảm nhận được hy sinh của anh đến nhường nào.
Thượng úy Công, SN 1989, sinh ra và lớn lên tại TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Chia sẻ với PV Báo CAND, Thượng úy Công cho biết, bố mẹ anh vốn sinh ra và lớn lên tại vùng quê có truyền thống cách mạng thuộc xã Nghĩa Hành, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An.
“Bố mẹ mình đều làm nông nên cuộc sống gia đình khá vất vả. Cảm nhận được sự vất vả của bố mẹ, ngay từ khi cắp sách đến trường mình đã nhận thức phải cố gắng học tập thật tốt, sau này làm người có ích cho gia đình và cho xã hội. Chính vì lẽ đó, vào năm 2008, sau khi học xong lớp 12, mình đã viết đơn xin tình nguyện tham gia vào ngành Công an. Sau 2 năm công tác tại Công an huyện Ea H’leo, mình được cử đi học tại Trường Trung cấp CSND ở Hà Nội”, Thượng úy Công cho biết.
Sau 2 năm theo học, Công được điều động về công tác tại Tiểu đoàn CSCĐ – Phòng CSCĐ Công an tỉnh Đắk Lắk cho đến nay. “Từ khi mới bước vào ngành Công an, mình đã luôn ý thức rất rõ trách nhiệm của mình, xác định đó không chỉ là niềm tự hào, mà phải luôn thực hiện tốt sáu điều Bác Hồ dạy đối với người chiến sĩ Công an nhân dân…”, Công tự hào chia sẻ.
Khi được hỏi về nghĩa cử nhiều năm liền luôn hăng hái tự nguyện tham gia hiến máu cứu người, Thượng úy Nguyễn Thành Công chia sẻ thêm: “Khi còn là lính nghĩa vụ tại Công an huyện Ea H’leo, mình đã bắt đầu tham gia phong trào hiến máu tình nguyện của đơn vị. Với mình, tham gia hiến máu nhân đạo là việc làm có ý nghĩa góp phần cứu sống đồng đội, cứu sống người bệnh. Những giọt máu của mình cho đi có thể cứu sống một bệnh nhân nào đó trong cơn nguy hiểm nên khi có yêu cầu mình sẵn sàng ngay. Tính đến nay, mình đã hơn 30 lần tham gia hiến máu tình nguyện”.
Không chỉ vậy, Công còn tích cực tuyên truyền, vận động, giải thích cho mọi người, nhất là bạn bè, đồng đội cùng tham gia hiến máu. Tính đến nay đã hơn 10 năm, Công tham gia tình nguyện hiến máu cứu người.
Điển hình như vào năm 2017, trong một lần đang trực công tác tại đơn vị, Công nhận được thông tin từ lãnh đạo, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk, có một bệnh nhân nam 23 tuổi nhập viện cấp cứu đang trong tình trạng bị sốt xuất huyết trong, mất máu nặng, nguy cấp đến tính mạng và cần gấp nhóm máu O nhưng trong kho máu bệnh viện đã hết.
“Nhận được thông tin, mình lập tức xin lãnh đạo đơn vị vào ngay bệnh viện. Hiến máu xong, mình quay về tiếp tục công việc mà không kịp hỏi bệnh nhân tên gì. Sau này mới biết, nhờ được hiến máu kịp thời mà bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch, khỏi bệnh và có đến gửi thư cảm ơn đơn vị cũng như cá nhân mình”, Thượng úy Công nhớ lại.
Về cuộc sống gia đình, Thượng úy Công cho biết, vợ chồng anh hiện có hai con nhỏ, vợ đang công tác tại Bệnh viện Tâm thần của tỉnh.
“Hiện cả hai vợ chồng vẫn đang thuê nhà ở trọ nên cuộc sống khá vất vả. Do đặc thù công việc, vợ mình thường phải trực đêm trong bệnh viện. Những hôm vợ đi trực đêm, con còn nhỏ, mình phải vừa làm cha, vừa làm “mẹ” chăm sóc, dạy dỗ hai bé. Mỗi gia đình đều có hoàn cảnh khó khăn, vất vả riêng, nhưng điều quan trọng là bản thân mình phải ráng vượt lên hoàn thành thật tốt nhiệm vụ cơ quan giao, làm tròn trách nhiệm cao với gia đình và xã hội, sống sao cho xứng đáng, có ý nghĩa, …”, Thượng úy Công tự hào nói.
Trao đổi với phóng viên, Trung tá Nguyễn Công an, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn CSCĐ – Phòng CSCĐ Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết, những năm qua, được Đảng ủy, Ban Giám đốc Công an tỉnh ủng hộ, khích lệ, đơn vị đã lập ngay ngân hàng máu sống trong đơn vị và nhận được sự đồng tình, hưởng ứng tích cực của toàn bộ cán bộ, chiến sỹ.
“Khi bệnh viện cần máu gấp, các thành viên sẵn sàng hiến máu bất kể ngày hay đêm. Đặc biệt, mỗi khi có yêu cầu đột xuất cần máu cứu người, bản thân Thượng úy Công luôn gương mẫu và sẵn sàng đi đầu trong việc tình nguyện hiến máu. Từ nhiều năm nay, mỗi cán bộ, chiến sỹ trong đơn vị luôn tâm niệm việc hiến máu cứu sống bệnh nhân là một niềm hạnh phúc lớn, có ý nghĩa nhân văn cao cả nên ai cũng nhiệt tình ủng hộ”, Trung tá An chia sẻ.
Nói về Thượng úy Công, Trung tá An chia sẻ thêm, không chỉ hăng hái tình nguyện đi đầu trong phong trào hiến máu cứu người, Thượng úy Công còn là một chiến sỹ năng nổ, hết mình vì công việc, luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được đơn vị giao phó.
“Để ghi nhận những cống hiến đó, trong nhiều năm liền, Thượng úy Công được UBND tỉnh Đắk Lắk tôn vinh là đoàn viên tiêu biểu có thành tích xuất sắc, đặc biệt là trong phong trào hiến máu tình nguyện. Trong công tác, Thượng úy Công được Bộ trưởng Bộ Công an tặng Bằng khen “vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác, chiến đấu, xây dựng lực lượng CAND, góp phần giữ gìn ANCT, TTATXH”, cùng nhiều Giấy khen của Giám đốc Công an tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố…”, Trung tá An cho hay.
Có thể nói, những việc làm, của Thượng úy Nguyễn Thành Công đã để lại ấn tượng, hình ảnh tốt đẹp của người cán bộ, chiến sỹ Công an nhân dân, được nhân dân tin yêu, quý trọng. Để ghi nhận, biểu dương, những nghĩa cử cao đẹp của Thượng úy Công, ngày 14/4, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an đã gửi Thư khen. Trong thư, đồng chí Đại tướng Tô Lâm viết: “Được biết, đồng chí Nguyễn Thành Công, công tác tại Phòng CSCĐ Công an tỉnh Đắk Lắk đã hơn 30 lần hiến máu tình nguyện, trong đó có nhiều lần đến bệnh viện hiến máu để kịp thời cứu sống người bệnh đang cấp cứu cần truyền máu. Những hành động của đồng chí Công thể hiện bản chất tốt đẹp của người chiến sỹ CAND, vì nhân dân phục vụ, mang tính nhân văn cao cả…Thay mặt Đảng ủy Công an TW, Bộ Công an, tôi đặc biệt biểu dương, khen ngợi đồng chí Công đã có những hành động đẹp, cao cả và nhân văn, tích cực tham gia phong trào tình nguyện hiến máu cứu người…”.
Văn Thành/CAND