Gần 16 tỷ USD đầu tư mở rộng các sân bay trước năm 2030
Tổng chi phí đầu tư xây dựng sân bay toàn quốc giai đoạn 2020 – 2030 ước tính 365.100 tỷ đồng (tương đương 15,7 tỷ USD), theo Cục hàng không Việt Nam.
Cục Hàng không Việt Nam vừa hoàn tất dự thảo quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc giai đoạn đến năm 2030 và định hướng đến 2050.
Trong đó, giai đoạn 2020 – 2030, nhiều sân bay dự kiến được đầu tư mới như Long Thành, Quảng Trị, Phan Thiết, Sapa; một số sân bay được mở rộng tăng công suất như Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh…
Giai đoạn 2030 – 2050, Cục Hàng không VN đề xuất đầu tư thêm các sân bay mới như Lai Châu, Nà Sản (Sơn La), Cao Bằng, sân bay thứ hai Hà Nội và mở rộng nhiều sân bay địa phương khác để nâng công suất lên 2-3 lần hiện nay.
Tổng chi phí đầu tư xây dựng sân bay toàn quốc giai đoạn 2020 – 2030 ước tính 365.100 tỷ đồng (tương đương 15,7 tỷ USD); giai đoạn 2030 – 2050 là khoảng 866.360 tỷ đồng (tương đương 37,3 tỷ USD).
Theo đại diện ban soạn thảo, do nguồn đầu tư lớn nên đơn vị nghiên cứu đã đề xuất ưu tiên các dự án trọng điểm trước năm 2030, như xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn 1, công suất 25 triệu khách/năm, tổng vốn đầu tư gần 5 tỷ USD; đầu tư nhà ga T3 và xây dựng đường băng thứ ba sân bay Nội Bài để đạt công suất 60 triệu hành khách, tổng vốn đầu tư gần 5 tỷ USD.
Cùng với đó, xây dựng nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất để nâng công suất toàn cảng lên 50 triệu khách năm; mở rộng sân bay Đà Nẵng và Cam Ranh đạt công suất lên 25 triệu khách/năm. Tổng vốn đầu tư các dự án này ước tính trên 5 tỷ USD.
Nguồn vốn thực hiện các dự án được huy động các nguồn lực khác nhau, như: Vốn vay ODA; nguồn vốn ngân sách Nhà nước; vốn vay thương mại; vốn xã hội hóa theo hình thức PPP.
Cục Hàng không Việt Nam cũng đề xuất các giải pháp về huy động nguồn vốn, trong đó có việc Chính phủ xem xét hỗ trợ, cho phép vay ưu đãi, bảo lãnh vay thương mại, tạo cơ chế, chính sách thuận lợi (thuế, đất đai…) đối với các doanh nghiệp trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng hàng không.
Chính phủ cũng có thể tạo điều kiện để các doanh nghiệp phát hành trái phiếu, tăng vốn điều lệ, liên kết đầu tư ngoài ngành, sử dụng nguồn vốn huy động của địa phương nơi có sân bay…
Ông Trần Quang Châu, Chủ tịch Hội khoa học và công nghệ hàng không Việt Nam, cho rằng, việc đầu tư xây dựng và mở rộng các sân bay bằng vốn nhà nước sẽ không đủ mà phải huy động vốn trong dân. Thời gian qua đã có nhiều doanh nghiệp tư nhân tham gia đầu tư xây dựng sân bay như Vân Đồn, Cam Ranh.
“Vấn đề là cần có hàng lang pháp lý bảo đảm, để nhà đầu tư yên tâm sẽ được bảo toàn vốn và phát triển. Trước đây, đầu tư cảng hàng không là việc của Nhà nước vì còn phục vụ an ninh quốc phòng, song ngày nay doanh nghiệp có thể tham gia, quan trọng nhất là giải quyết hài hòa để đảm bảo lợi ích của nhà nước, doanh nghiệp và người dân:, ông Châu nói và cho rằng việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Cam Ranh, Đà Nẵng…, sẽ có nhiều doanh nghiệp tư nhân tham gia nếu có cơ chế thu hút hợp lý.
Chuyên gia hàng không Nguyễn Thiện Tống cảnh báo, vấn đề quan trọng nhất là xác định sự cần thiết xây dựng sân bay thì mới thu hút được doanh nghiệp đầu tư. Theo ông Tống, một số dự án đã có trong quy hoạch, như sân bay Quảng Trị, song nhu cầu vận tải không cao, không cần thiết xây dựng.
“Sân bay Quảng Trị cách sân bay Đồng Hới (Quảng Bình) và Phú Bài (Thừa Thiên Huế) chỉ 60-80 km nên người dân tỉnh này có thể đi các sân bay lân cận. Nếu dự án không có tính khả thi, làm sẽ lỗ, kể cả nhà nước hay tư nhân đầu tư”, ông Tống nói.
Ông Hoàng Văn Cường – Phó hiệu trưởng Đại học Kinh tế quốc dân, Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội, cũng cho rằng các sân bay địa phương nhỏ nên để đầu tư vào giai đoạn 2030 – 2050, như Lai Châu, Nà Sản (Sơn La), Cao Bằng… “Việc xây dựng các sân bay địa phương phải song hành với sự phát triển về kinh tế, xã hội trên địa bàn thì mới phát huy được hiệu quả”, ông Cường nói.
Theo ông Cường, hiện một số cảng hàng không lớn như Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng đang quá tải. Vì vậy, giai đoạn trước năm 2030, cần tập trung đầu tư nâng cấp, sửa chữa các sân bay này. Cùng với đó, dự án sân bay Long Thành đã được Quốc hội thông qua và trở thành dự án trọng điểm những năm tới, Chính phủ cần tập trung xây dựng. “Dự án này không chỉ giải quyết các nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng không mà còn tạo động lực để phát triển đất nước”, ông Cường nói.
Đồng tình cần huy động đa dạng nguồn vốn để đầu tư xây dựng, nâng cấp các sân bay, ông Cường khuyến nghị ngân sách Nhà nước chỉ nên tập trung vào các dự án hoặc công trình hạ tầng vừa có yếu tố kinh tế, vừa có yếu tố an ninh quốc phòng như xây dựng đường băng, giải phóng mặt bằng… Việc đầu tư và vận hành các khu vực như bến bãi, bến đỗ, cảng hàng hóa, nhà ga, khu vận chuyển, trung gian phục vụ…, nên để cho tư nhân.
“Việc thu hút đầu tư tư nhân phải dựa trên nguyên nhắc, những công trình, hạng mục khó, đem lại ít hiệu quả thì Nhà nước sẽ đầu tư bằng ngân sách. Còn lại các hạng mục hấp dẫn hơn để tư nhân tham gia”, ông Cường đề xuất.
Đoàn Loan – Viết Tuân/ VNE