Gạc Ma bất tử
Vào ngày này hằng năm, mỗi người dân Việt cảm thấy như có một vết dao cứa vào lòng mình khi nghĩ về 64 người lính đã ngã xuống tại đảo đá Gạc Ma. Các anh bất tử với Gạc Ma, mãi bất tử trong lòng dân Việt.
Chị Nguyễn Thị Anh, người “quản gia” của Khu tưởng niệm Gạc Ma, vừa lấy đồ cúng ra khỏi giỏ, vừa chia sẻ: “Gì chứ khoai lang là không thể thiếu trên mâm cỗ mỗi lần giỗ các ảnh. Còn đây là các loại trái cây hái trong vườn ở quê. Các ảnh chắc nhớ quê lắm đây”.
Tôi nhìn túi khoai lang, vỏ còn tươi màu đất, lòng như chùng lại. Tôi như gặp thế hệ mình – một thế hệ cùng sắn khoai ra trận. “Các ảnh” mà chị Anh nói ấy là 64 người lính đã ngã xuống tại đảo đá Gạc Ma 32 năm trước – 14.3.1988. Thêm một lần giỗ nữa lại về. Thời gian thì cứ dần xa, còn những người lính ấy thì mãi trẻ với tuổi hai mươi của mình.
Mỗi năm một vạn khách
Khu tưởng niệm Gạc Ma tọa lạc trên một ngọn đồi thoai thoải cát, giữa trung tâm Khu du lịch Bãi Dài thuộc bán đảo Cam Ranh (Khánh Hòa). Để chọn được một vị trí đắc địa ở khu du lịch này làm nơi tưởng niệm những liệt sĩ Gạc Ma, các nhà quản lý đã nhiều lần cân nhắc cẩn trọng trước khi đặt viên đá đầu tiên. Bây giờ thì mới thấy việc chọn vị trí này để làm khu tưởng niệm là “rất có lý”.
Từ Nha Trang đi vào, đổ đèo Cù Hin một quãng là gặp khu tưởng niệm này. Khách rời sân bay Cam Ranh đi về hướng bắc một thôi đường là đã nhìn thấy “vòng tròn bất tử ở phía chân trời”. Cát trắng và biển xanh – món quà vô giá của thiên nhiên luôn sẵn dành cho khu tưởng niệm. Mỗi năm tỉnh Khánh Hòa đón trên 7 triệu lượt khách là cũng từng ấy người “ngang qua” đây. Hai tiếng Gạc Ma vẫn luôn thức trong lòng họ mỗi khi đặt chân đến xứ trầm hương này. Không một ai lãng quên các anh.
Ngày này mọi năm, hàng ngàn người đã tụ hội về đây để dâng hương tưởng niệm anh linh các anh hùng liệt sĩ Gạc Ma. Năm nay, dù đã lên lịch rồi nhưng để tránh dịch Covid-19 đang diễn biến khó lường, tỉnh Khánh Hòa chủ trương chỉ “giỗ nội bộ”. Dù vậy, sự thiêng liêng của ngày tưởng niệm không vì thế mà giảm đi. “Đây là lần giỗ thứ hai sau lễ cúng tất niên âm lịch. Sang tháng 7, chúng tôi làm một lễ nữa đúng ngày Thương binh – Liệt sĩ. Lễ giỗ cuối cùng của năm là Ngày thành lập quân đội 22.12”, chị Anh nhớ chi li từng lần giỗ.
“Chúng tôi muốn khu tưởng niệm này luôn ấm cúng khói hương, không lúc nào thiếu vắng bóng người, kể cả ban đêm khi du khách không còn lai vãng nữa”, ông Lê Đức Tấn, người chuyên chăm cây, kiêm bảo vệ khu tưởng niệm, nói thêm. Đoạn, ông Tấn mở sổ: “Chỉ trong tháng 2, khu tưởng niệm đón trên 2.200 lượt khách. Bình quân trong năm là hơn một vạn người đến viếng”.
Hơn một vạn người đến đây thì cũng từng ấy tấm lòng thành kính, luôn ơn nghĩa trước mỗi cuộc đời đã hy sinh vì nước. Từ một bà mẹ bán rau ở xã Cam Nghĩa cho đến ông Chủ tịch Trung ương Liên hiệp Công đoàn Lào, mỗi chữ trong lưu bút của họ đều thấm đẫm nỗi niềm.
Về một chỗ hao khuyết
Trong phòng trưng bày các hiện vật liên quan đến những người lính hy sinh tại Gạc Ma năm 1988, có một khung ảnh để dán hình của 64 người lính lên ấy. Nhìn ai cũng trẻ trung với tuổi hai mươi, tươi vui như chưa hề biết mình sắp có một chuyến đi xa mãi mãi. Thế nhưng, ở một góc khung hình trên cùng bên phải, có một chỗ để trống, bên dưới vẫn để tên: “Liệt sĩ Trần Quốc Trị, sinh năm 1965, quê quán Đồng Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình”. Anh Trị là người duy nhất trong số 64 liệt sĩ Gạc Ma không để lại di ảnh.
Chị Nguyễn Thị Anh kể rằng, một đồng đội của anh Trị có hứa là sẽ tìm trong tấm hình chụp chung trước khi ra Trường Sa để nhờ họa sĩ “tách” riêng anh Trị ra rồi bổ sung vào chỗ khuyết này. Thế nhưng, trận lũ năm 2018 đã cuốn trôi nhiều vật dụng trong nhà, kể cả tấm ảnh quý giá nọ. Vì vậy, chỗ khuyết trên khung ảnh đến giờ vẫn là một khoảng trống chưa thể lấp đầy. Thăm gian trưng bày di vật của liệt sĩ Gạc Ma, không một ai có thể cầm lòng khi nhìn vào chỗ hao khuyết ấy.
Chúng tôi muốn khu tưởng niệm này luôn ấm cúng khói hương, không lúc nào thiếu vắng bóng người, kể cả ban đêm khi du khách không còn lai vãng nữa
Ông Lê Đức Tấn, người chăm cây ở Khu tưởng niệm Gạc Ma
Nhưng có lẽ chỗ hao khuyết lớn nhất mà những người thân các anh đang cần được bù đắp, ấy là hài cốt của con họ giờ không biết nằm ở nơi nào! Tôi nhớ cách đây 8 năm, cũng vào tầm này của năm 2012, Báo Thanh Niên đã chuẩn bị tất cả những gì cần có cho một cuộc gặp mặt thân nhân liệt sĩ Gạc Ma tại Cam Ranh sau 25 năm kể từ ngày các anh ngã xuống. Rất nhiều mong đợi lẫn háo hức cho cuộc gặp ấy nhưng vào giờ chót, dự định kia bất thành ngoài suy nghĩ của chúng tôi. Thế rồi một cuộc tìm về với thân nhân tận mỗi gia đình các anh trên khắp mọi miền đất nước được tiến hành sau đó. Đến bất cứ nơi đâu, gặp bất cứ người mẹ nào của các anh, chúng tôi cũng đều bối rối trước câu hỏi: “Con của mẹ giờ nằm ở đâu?”.
Câu hỏi ấy chính là hao khuyết lớn nhất, mãi mãi không thể lấp đầy. Chúng tôi chỉ có thể an ủi với chính mình rằng, các anh đã tan vào lòng biển thẳm để Tổ quốc có thêm một dải san hô giữa đất thiêng nước Việt trên Biển Đông…
Dũng với đồng đội
Có lẽ nghĩa trang liệt sĩ bền lâu nhất dành cho những người lính ngã xuống tại đảo đá Gạc Ma chính là tấm lòng của những đồng đội may mắn được trở về. Nguyễn Văn Dũng là một trường hợp như thế. Ở Nha Trang rất nhiều người biết Bãi Tiên nằm ở phía bắc thành phố, nhưng rất ít người biết quán ăn Thiên Phước mà chủ nhân là Nguyễn Văn Dũng – một thương binh và một cựu binh Trường Sa, người suýt nữa phải nằm lại ở Gạc Ma năm ấy.
Một trận ốm trước ngày ra Trường Sa vô tình cứu mạng Nguyễn Văn Dũng. Người thay anh làm nhiệm vụ thông tin trong đợt đó là anh nuôi quân Phan Tấn Dư, vì Dư vốn là lính thông tin. Dư quê H.Tây Hòa (Phú Yên) cách Nha Trang có trăm cây số, mà Dũng lặn lội suốt 3 năm liền mới tìm ra nhà bạn sau khi anh rời quân ngũ với một chiếc chân không lành lặn, xếp hạng thương binh 2/4. Má Lê Thị Niệm, mẹ Phan Tấn Dư, giờ coi Dũng như con mình rứt ruột đẻ ra. Không phải Dũng xin làm con nuôi má Niệm để mỗi tháng một lần vượt đèo Cả ra thăm má, mà cái chính là Dũng đã biến ngôi nhà má Niệm thành chỗ đi – về hằng năm của những người lính Trường Sa quê Phú Yên.
Ban liên lạc bây giờ “mọc” lên như nấm sau mưa. Ban Liên lạc bộ đội Trường Sa của Dũng cũng “mọc” lên nhiều năm rồi nhưng không chỉ để gặp mặt rồi bù khú kể chuyện thời áo lính dép râu, mà là để hỏi ai có khó khăn gì thì Dũng giúp một tay. Gần 20 đứa trẻ có “dây mơ rễ má” của đồng đội anh được Dũng đưa về quán cưu mang nhiều năm liền. Chúng đã “lớn lên” từ tình thương của người đồng đội từng đi lính với cha, chú chúng. Dù có bận đến đâu đi nữa thì cứ đến ngày 22.12, Dũng lại dành cả trăm suất quà để đi “thăm” các bạn của anh. Và ngày 14.3 hằng năm, một cuộc gặp mặt khác tại Thiên Phước để tưởng nhớ những người lính hy sinh tại Gạc Ma.
Cái quán Thiên Phước mà Dũng hay nói đùa là “quán nhận phúc từ trời” ấy nguyên nó là một cái rẫy chuối rừng do Dũng khai hoang sau khi rời quân ngũ. Tuyến đường đã xuyên qua rẫy chuối và anh thành “chủ quán” từ đó. Quán “phước trời” ấy đã luôn mỉm cười với Dũng để anh có thể cưu mang rất nhiều hoàn cảnh, trong đó có những thân nhân của liệt sĩ Gạc Ma.
Một quán ăn duy nhất ở Nha Trang không tiếp khách Trung Quốc, đó là quán của “Dũng Gạc Ma”. “Khách du lịch Trung Quốc có thể mang lại cho quán tôi hàng triệu đồng lãi mỗi ngày, nhưng tôi cảm thấy như có lỗi với đồng đội Gạc Ma của mình khi tiếp khách Trung Quốc dù họ hoàn toàn không có lỗi gì trong câu chuyện thương đau ấy”, Dũng phân trần khi nghe tôi hỏi chuyện tế nhị vì sao lại “dị ứng” với khách Trung Quốc.
Tôi hiểu, lửa Gạc Ma vẫn âm ỉ cháy trong lòng mỗi người lính Trường Sa được may mắn trở về dù không lành lặn như Dũng.
Trần Đăng/TNO