Gã khổng lồ “kẻ sọc” đã làm gì tại Việt Nam?

Việt Nam đã trở thành một cường quốc sản xuất khi đây là điểm đến của các thương hiệu thể thao nổi tiếng, trong đó không thể không nhắc đến gã khổng lồ “kẻ sọc” Adidas.

Nhìn lại năm 2021 khi khoảng 40% giày dép Adidas được sản xuất tại Việt Nam. Điều này diễn ra sau một sự thay đổi lớn trong thập kỷ qua, với việc Adidas chuyển nhiều chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc và tới Việt Nam.

Đây là một phần của xu hướng rộng lớn hơn trong lĩnh vực sản xuất hàng may mặc khi tiền lương ở Trung Quốc tăng lên và các công ty tìm kiếm lực lượng lao động trả lương thấp để sản xuất hàng hóa của họ.

Không chỉ vậy, căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và các thị trường xuất khẩu quan trọng như Mỹ, và sự gián đoạn chuỗi cung ứng do hạn chế biên giới do COVID-19, cũng đã tạo động lực cho các công ty sản xuất đồ thể thao đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ.

Theo Vietnam Briefing, là thương hiệu dẫn đầu, cách Adidas cấu trúc chuỗi cung ứng của mình tại Việt Nam có thể cho thấy những hiểu biết quan trọng về cơ sở hạ tầng, nguồn lao động sẵn có và lựa chọn địa điểm cho các công ty sản xuất đồ thể thao đang tìm cách thiết lập hoạt động sản xuất tại Việt Nam.

Vậy các nhà máy theo hợp đồng của Adidas tại Việt Nam ở đâu và tại sao những địa điểm này lại được chọn?

Trong vài lần “di cư”, Adidas đã cắt giảm số lượng giày dép sản xuất tại Trung Quốc xuống chỉ còn một nửa và Việt Nam trở thành công xưởng thay thế.

Hiện Adidas có hơn 100 nhà cung cấp cho Adidas trên toàn cầu. Trong đó, Việt Nam trở thành nhà sản xuất chính sản phẩm giày dép của Adidas từ năm 2012, khi tỷ trọng sản lượng giày dép của hãng này được sản xuất ở Việt Nam gia tăng liên tục trong vài năm qua.

Năm 2022, Adidas có bảy nhà máy sản xuất phụ kiện và sử dụng 15.552 người. Nó có 24 nhà máy sản xuất hàng may mặc và sử dụng 63.513 lao động và 21 nhà máy sản xuất giày dép với 114.233 công nhân.

Ngoài ra, với tư cách là nhà tài trợ chính thức của World Cup 2022, Adidas cũng liệt kê một số nhà cung cấp chính tại Việt Nam trong số các nhà máy sản xuất dụng cụ thể thao, trang phục và giày dép cho sự kiện thể thao lớn nhất thế giới.

Tính đến tháng 7 năm 2022, Adidas có 51 nhà cung cấp chính tại Việt Nam, sử dụng hơn 190.000 công nhân Việt Nam. Các nhà máy này chủ yếu tập trung ở phía Nam tại các trung tâm sản xuất của Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương và Đồng Nai.

1. Hệ thống cảng biển lớn nhất Việt Nam

Theo Vietnam Briefing, Việt Nam có hệ thống cảng TP.HCM rộng lớn. Năm 2019, Cảng Sài Gòn xếp thứ 26 trong số các cảng lớn nhất thế giới, đứng thứ năm trong khu vực ASEAN.

Cảng Cái Mép-Thị Vải, cách Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 80 km về phía Nam, cũng giúp vận chuyển hàng hóa ra vào Việt Nam. Là một cảng nước sâu, nó cho phép các tàu lớn hơn cập cảng, điều đó có nghĩa là khối lượng hàng hóa lớn hơn có thể được vận chuyển dễ dàng hơn. Điều này có thể làm giảm đáng kể chi phí vận chuyển.

Ngoài ra, Cảng Cái Mép-Thị Vải, thuộc tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, tiếp giáp với Đồng Nai và TP.HCM, hai tỉnh có nhiều nhà cung cấp Adidas nhất tại Việt Nam.

Nhìn chung, các cảng trong và xung quanh TP.HCM chiếm khoảng 67% sản lượng cảng biển của Việt Nam, tạo điều kiện không thể thuận lợi hơn cho việc sản xuất và xuất khẩu nguồn sản phẩm của Adidas.

2. Lao động có kinh nghiệm, chi phí hợp lí

Là một trung tâm sản xuất hàng dệt may, miền Nam Việt Nam đã phát triển một lực lượng lao động có tay nghề tương đối cao trong sản xuất hàng may mặc. Nguồn lao động này cũng có chi phí thấp, mang lại lợi ích to lớn cho các công ty sản xuất hàng may mặc ở quốc gia Đông Nam Á này.

Trong khi đó, Trung tâm dân số lớn nhất của Việt Nam, Thành phố Hồ Chí Minh, cũng nằm ở phía nam của Việt Nam. Theo Tổng cục Thống kê Việt Nam vào năm 2019, Thành phố Hồ Chí Minh có dân số gần 9 triệu người. Do đó, nơi đây có lực lượng lao động dồi dào để đáp ứng nhu cầu nhân lực của Adidas.

Adidas đã liên tục đa dạng hóa chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc trong hơn một thập kỷ. Chiến lược này đã đưa Việt Nam trở thành cường quốc sản xuất đồ thể thao.

Ngoài ra, điều này còn mang lại lợi ích chung cho cả Adidas và Việt Nam – trong đó Adidas được hưởng lợi từ lợi nhuận thấp hơn và Việt Nam được hưởng lợi từ dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài khổng lồ, theo Vietnam Briefing.

Thực hiện: Tuệ Ngô

Đồ họa: M.N