+
Aa
-
like
comment

G7 nhóm họp trực tuyến và tuyên bố “đa phương” đã trở lại

20/02/2021 07:27

Lãnh đạo G7 thảo luận về cách tái thiết kinh tế chịu ảnh hưởng từ Covid-19 và đối phó “chính sách phi thị trường” của Trung Quốc, tuyên bố “đa phương” đã trở lại.

Cuộc họp của lãnh đạo G7, nhóm các quốc gia kiểm soát gần một nửa nền kinh tế thế giới, được tổ chức theo hình thức trực tuyến ngày 19/2 với sự chủ trì của Thủ tướng Anh Boris Johnson. Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Italy Mario Draghi là hai lãnh đạo lần đầu tham gia hội nghị thượng đỉnh G7.

“Dựa trên sức mạnh cùng giá trị của chúng ta là các nền kinh tế và xã hội dân chủ, cởi mở, chúng ta sẽ phối hợp cùng nhau để biến năm 2021 thành bước ngoặt cho chủ nghĩa đa phương, đồng thời định hình cho sự phục hồi nhằm thúc đẩy sức khỏe cùng sự thịnh vượng cho con người lẫn hành tinh chúng ta”, các lãnh đạo G7 cho biết trong tuyên bố chung.

Thủ tướng Anh Boris Johnson chủ trì cuộc họp trực tuyến của lãnh đạo G7, ngày 19/2. Ảnh: Reuters.
Thủ tướng Anh Boris Johnson chủ trì cuộc họp trực tuyến của lãnh đạo G7, ngày 19/2.

Thủ tướng Johnson kêu gọi các nhà lãnh đạo G7 cùng nỗ lực để đảm bảo mọi người dân trên thế giới đều được tiếp cận với vắcxin ngừa Covid-19. Thủ tướng Anh nêu rõ: “Chúng ta phải đảm bảo rằng toàn bộ thế giới được tiêm phòng (vắcxin ngừa COVID-19) bởi đây là dịch bệnh toàn cầu và không có lợi nếu một nước vượt xa các nước khác. Chúng ta phải đi cùng nhau!”. Từ đó, các lãnh đạo G7 cam kết rót thêm 4 tỷ USD cho quỹ Tăng tốc Tiếp cận Công cụ Covid-19 (ACT-A) và Chương trình Tiếp cận Vaccine Covid-19 Toàn cầu (COVAX), sáng kiến nhằm phân phối vaccine tới các nước nghèo hơn. “Với các cam kết tài chính hơn 4 tỷ USD cho ACT-A và COVAX, tổng số hỗ trợ của G7 lên tới 7,5 tỷ USD”.

Nhóm G7 kêu gọi đưa ra biện pháp phòng ngừa mạnh mẽ hơn để đối phó với đại dịch trong tương lai, bao gồm xem xét một hiệp ước y tế toàn cầu và vấn đề phục hồi xanh của các nền kinh tế sau ảnh hưởng từ Covid-19. “Việc làm và tăng trưởng là những gì chúng ta cần sau đại dịch”, Thủ tướng Johnson nói.

Mặc dù Tổng thống Biden nói Trung Quốc là “đối thủ cạnh tranh nặng ký nhất”, nước này chỉ được nhắc tới một lần trong tuyên bố chung. Các lãnh đạo G7 cho biết “sẽ tham khảo ý kiến của nhau về cách tiếp cận tập thể nhằm giải quyết các chính sách và thực tiễn phi thị trường” tại Trung Quốc.

G7 cho biết sẽ ủng hộ các nền kinh tế mở cùng “luồng dữ liệu tự do với niềm tin” hoạt động trên “một hệ thống thương mại đa phương dựa trên các quy tắc hiện đại, tự do và công bằng hơn”.

Các lãnh đạo G7 không nhắc trực tiếp đến việc Facebook chặn hiển thị các trang tin của Australia, nhằm phản đối dự luật yêu cầu Facebook và Google trả tiền cho các cơ quan truyền thông nước này khi tin tức được chia sẻ trên nền tảng của họ.

Cuộc họp của lãnh đạo G7 diễn ra trong bầu không khí được đánh giá mang tính hợp tác và vì tập thể, khi Tổng thống Mỹ Joe Biden đưa ra thông điệp tái gắn kết với thế giới và các thể chế toàn cầu sau 4 năm cựu tổng thống Donald Trump thi hành chính sách “nước Mỹ trên hết”.

Các lãnh đạo G7 nhóm họp trong bối cảnh đại dịch Covid-19 khiến hơn 2,4 triệu người chết, khiến nền kinh tế toàn cầu rơi vào giai đoạn suy thoát tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại khủng hoảng hồi những năm 1930, làm đảo lộn cuộc sống bình thường của hàng tỷ người.

Đây là cuộc họp đầu tiên của các nhà lãnh đạo G7 kể từ tháng 4/2020 và đánh dấu sự tham gia lần đầu tiên của tân Tổng thống Mỹ Joe Biden tại một hội nghị quốc tế.

Dự kiến, Anh tổ chức hội nghị thượng đỉnh trực tiếp G7 vào tháng 6 tới. Thủ tướng Johnson cho biết muốn tận dụng vai trò Chủ tịch G7 để thúc đẩy sự đồng thuận trong việc phục hồi kinh tế hậu đại dịch, theo hướng bền vững và tự do thương mại.

Hội nghị thượng đỉnh G7 năm 2020, theo kế hoạch do Mỹ tổ chức, đã bị hủy bỏ do đại dịch Covid-19. Cuộc họp trực tiếp lần gần đây nhất của các nhà lãnh đạo Anh, Đức, Pháp, Mỹ, Italy, Nhật Bản và Canada là vào năm 2019 tại Pháp.

Các nhà lãnh đạo G7 cũng đã bày tỏ sự ủng hộ đối với Nhật Bản trong quyết tâm tổ chức thành công Thế vận hội mùa Hè Olympic và Paralympic tại Tokyo vào tháng 7 tới. Tuyên bố chung của hội nghị nhấn mạnh lãnh đạo các nước G7 ủng hộ quyết tâm của nước chủ nhà Nhật Bản trong việc tổ chức sự kiện như một bằng chứng cho thấy sự đoàn kết của thế giới vượt qua dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19.

Trước đó, phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide cho biết nước này sẽ làm tốt công tác chuẩn bị và hợp tác chặt chẽ với Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) để đảm bảo tổ chức một kỳ Thế vận hội an toàn, thành công. Hiện, Nhật Bản đang đẩy mạnh tiến trình tiêm chủng vắcxin ngừa Covid-19 nhằm đảm bảo phổ cập tiêm chủng toàn dân trước thời điểm khai mạc Thế vận hội mùa Hè Olympic và Paralympic càng sớm càng tốt. Mặc dù tình hình dịch bệnh Covid-19 tại Nhật Bản đang dần cải thiện tích cực nhưng chính phủ nước này vẫn đang cân nhắc khả năng duy trì tình trạng khẩn cấp ở 10 tỉnh thành, trong đó có thủ đô Tokyo, nhằm thực hiện chương trình tiêm phòng vắcxin một cách suôn sẻ.

G7 gồm Anh, Canada, Đức, Italy, Pháp, Mỹ và Nhật Bản, với tổng sản phẩm quốc hội khoảng 40.000 tỷ USD, gần bằng một nửa thế giới.

TH

Bài mới
Đọc nhiều