+
Aa
-
like
comment

FPT Retail: Mở mới 220 nhà thuốc, kỳ vọng doanh thu mảng dược sớm đạt 5.000 tỷ đồng

28/05/2020 11:00

FPT Retail dự kiến mở rộng chuỗi nhà thuốc Long Châu lên 220 cửa hàng trong năm 2020, kỳ vọng mảng dược phẩm sẽ đóng góp khoảng 5.000 tỷ đồng, chiếm 40% tổng doanh thu trong 3-4 năm tới.

Mảng dược phẩm sẽ đóng góp khoảng 40% tổng doanh thu của FRT, kỳ vọng ở mức 5.000 tỷ đồng trong 3-4 năm tới

Mảng dược phẩm sẽ đóng góp khoảng 40% tổng doanh thu của FRT, kỳ vọng ở mức 5.000 tỷ đồng trong 3-4 năm tới

Chiều ngày 28/5, tại Tòa nhà FPT Tân Thuận (Q.7, TP.HCM), Công ty cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FRT) đã tổ chức Đại hội cổ đông thường niên năm 2020. Đại hội đã thông qua các mục tiêu cơ bản và sẵn sàng chinh phục những cột mốc mới.

Theo báo cáo của Ban lãnh đạo Công ty, năm 2019, công ty đạt doanh thu 16.634 tỷ đồng, tăng trưởng 9% so với năm 2018. Đáng chú ý, doanh thu online đạt mức 3.899 tỷ đồng, tăng trưởng 60% so với năm 2018 và chiếm tỷ trọng 23,4% tổng doanh thu của công ty, lợi nhuận trước thuế năm 2019 đạt 278 tỷ đồng, giảm 36%.

Những tháng đầu năm 2020, dịch bệnh Covid-19 lan rộng, tác động mạnh và đa chiều tới các hoạt động kinh tế trên phạm vi toàn cầu. Tuy vậy, FPT Retail đã nhanh chóng thích ứng, tìm kiếm cơ hội trong thách thức và thu về một số kết quả khả quan trong quý I.

Cụ thể, doanh thu đạt 4.093 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 47 tỷ đồng, tăng 61 tỷ đồng so với quý IV/2019. Doanh số Long Châu đạt 239 tỷ đồng tăng 20% so với quý 4 năm 2019, gấp 2,5 lần so với cùng kỳ 2019.

Do đó, năm 2020, FPT Retail đặt kế hoạch doanh thu dự kiến đạt 15.320 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế là 220 tỷ đồng. Đặt trong bối cảnh vừa phải đương đầu khó khăn, vừa phải phục hồi hoạt động kinh doanh sau dịch Covid-19, đây là kế hoạch đã được công ty cân đối và tính toán kỹ lưỡng.

Mục tiêu lớn của FPT Retail trong năm 2020 là đẩy mạnh kinh doanh dược phẩm. Sau khi tìm được công thức thành công cho chuỗi Long Châu, trong năm 2020, FPT Retail dự kiến mở rộng chuỗi nhà thuốc Long Châu lên 220 cửa hàng và gia tăng độ phủ sóng ra toàn quốc.

Ngành bán lẻ dược phẩm phân chia thành ba kênh, gồm: kênh bệnh viện, kênh phòng khám và kênh nhà thuốc. Do đó, FPT Retail kỳ vọng sẽ chiếm khoảng 30% thị phần kênh bán lẻ dược phẩm qua nhà thuốc trong 3 – 4 năm tới, mảng dược sẽ đóng góp khoảng 40% tổng doanh thu của công ty ở mức khoảng 5.000 tỷ đồng.

Theo khảo sát, FPT Retail đánh giá dược phẩm là một thị trường đầy tiềm năng để phát triển mạnh mẽ trong dài hạn và công ty tin tưởng rằng sự lớn mạnh của công ty sẽ đi theo ‘sự bùng nổ’ của ngành này trong thời gian tới.

Trong kế hoạch dài hạn, FPT Retail định hướng phát triển mảng dược phẩm một cách quy hoạch và kiểm soát bài bản giống như việc vận hành hệ thống bán lẻ sản phẩm kỹ thuật số của công ty.

Công ty sẽ tập trung xây dựng mảng hậu cần logistic, tăng số lượng nhà thuốc, phát triển đội ngũ nhân sự có trình độ quản lý và chuyên môn để tăng hiệu quả hoạt động.

Với ngành dược, theo nhận định của Ngân hàng Thế giới, quá trình già hóa dân số ở Việt Nam đang diễn ra rất nhanh. Dân số già đi cũng đồng nghĩa với việc chi tiêu cho chăm sóc sức khỏe nhiều hơn. Chính vì thế, thị trường dược phẩm ở Việt Nam được xem là khá hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư.

Theo Hãng nghiên cứu thị trường BMI, doanh số thị trường này sẽ tăng từ 7,7 tỷ USD vào năm 2021 lên 16,1 tỷ USD vào năm 2026. Tốc độ tăng trưởng kép lên tới 11%. Bên cạnh đó, hãng nghiên cứu thị trường Ken Research cũng dự báo doanh số thị trường dược phẩm tại Việt Nam sẽ tăng trưởng tốt trong giai đoạn 2020 – 2022, cụ thể là từ 7,6 tỷ USD lên 10,1 tỷ USD.

Hải Yến/Đầu Tư

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều