+
Aa
-
like
comment

Foreign Policy: Vì sao Việt Nam luôn là đối tác được ưu tiên hàng đầu của Mỹ tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương?

Lan Hoa - 16/05/2022 13:11

Phát biểu trong buổi gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN – Mỹ, Tổng thống Joe Biden cho biết, Mỹ rất mong muốn được hợp tác và hỗ trợ các nước đang phát triển như Việt Nam trong các lĩnh vực kinh tế thương mại, phòng chống bệnh dịch và ứng phó với biến đổi khí hậu. Vậy câu hỏi được đặt ra là “Vì sao Việt Nam luôn là đối tác được ưu tiên hàng đầu của Mỹ tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương”?

Bài viết với tựa đề “Duy trì quan hệ với Việt Nam là một chiến công thầm lặng của Mỹ” được đăng tải trên trang chuyên phân tích chính trị Foreign Policy sau đây sẽ giúp bạn đọc phần nào đó trả lời được câu hỏi nêu trên một cách chính xác nhất.

Trước hết, chúng ta phải khẳng định rằng, quan hệ Mỹ – Việt Nam chưa bao giờ “tốt đẹp và phát triển” như hiện nay. Hiện tại, Mỹ đang rất coi trọng quan hệ với Việt Nam, vị thế của Việt Nam trong mắt Mỹ đang ở mức cao nhất kể từ khi hai bên bình thường hóa quan hệ vào năm 1995.

Trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ – Trung ngày càng quyết liệt, Đông Nam Á nổi lên như một “chiến trường” quan trọng định hình kết cục của cuộc cạnh tranh đó. Mỹ không thể để ảnh hưởng của mình ở khu vực này bị suy yếu. Chính vì vậy, tăng cường hợp tác với những quốc gia nòng cốt ở khu vực như Việt Nam là một lựa chọn không thể bỏ qua. Bởi ở Việt Nam có đầy đủ tiêu chí để trở thành đối tác chiến lược quan trọng hàng đầu của Mỹ.

Trước hết, Việt Nam đang nổi lên như một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, giữa bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ – Trung thúc đẩy các công ty đa quốc gia đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ ra khỏi Trung Quốc. Việt Nam vì vậy sẽ là một nguồn cung cấp hàng nhập khẩu quan trọng của Mỹ và cũng là một thị trường ngày càng lớn cho hàng xuất khẩu cũng như dòng vốn đầu tư của nước này. Trong bối cảnh đó, quan hệ kinh tế – thương mại song phương càng có động lực để phát triển một cách tốt đẹp hơn.

Thủ tướng PHạm Minh Chính gặp gỡ song phương với Tổng thống MỸ Joe Biden.

Về an ninh quốc gia, nhất là vấn đề Biển Đông, Mỹ và Việt Nam hiện đang chia sẻ nhiều lợi ích chiến lược, đặc biệt là trong việc bảo đảm tự do hàng hải và hàng không, giải quyết hòa bình các tranh chấp phù hợp với luật pháp quốc tế và duy trì một trật tự quốc tế tự do dựa trên luật lệ. Tất cả điều này được phản ánh qua chiến lược Châu Á – Thái Bình Dương mở và tự do (FOIP) từ thời chính quyền ông Trump mà hiện tại chính quyền ông Biden vẫn đang duy trì.

Tiếp theo phải kể đến đó là chính sách mở cửa cho các nhà đầu tư nước ngoài của Việt Nam. Đại dịch COVID-19 đã khiến bối cảnh kinh tế và ngoại giao của nhiều nước có nhiều thay đổi trong hai năm qua.

Việc Chính phủ Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư nước ngoài, chi phí sản xuất và kinh doanh có tính cạnh tranh cao, cũng như việc Việt Nam tham gia ngày càng sâu rộng vào các hiệp định thương mại tự do và môi trường đầu tư ngày càng rộng mở đã giúp Việt Nam trở thành địa điểm lý tưởng đối với những nhà đầu tư Mỹ đang nỗ lực giảm chi phí và đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Đây chính là sự thuận lợi trong hợp tác giữa Mỹ và Việt Nam, nhất là trong bối cảnh hai bên đều trong quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19.

Về vị trí địa lý, Việt Nam có đường bờ biển dài với các cảng vô cùng thuận lợi cho sản xuất và xuất khẩu. Hơn nữa, Việt Nam có trung tâm kinh tế là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, ở cả miền Bắc và miền Nam, thuận tiện cho việc kinh doanh.

Đặc biệt, sự ổn định chính trị của Việt Nam là một trong những yếu tố hàng đầu hấp dẫn các nhà đầu tư Mỹ vào Việt Nam. Nền chính trị của Việt Nam luôn ổn định, đảm bảo cho sự nhất quán trong chính sách phát triển kinh tế. Đây là một thuận lợi mà không phải quốc gia nào ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương cũng có được.

Theo Foreign Policy, đa số các doanh nghiệp Mỹ kinh doanh tại Việt Nam hiện nay đều đánh giá tích cực về triển vọng phát triển kinh tế của Việt Nam trong trung hạn và dài hạn và đang cân nhắc sẽ gia tăng đầu tư vào Việt Nam trong thời gian tới. Nằm ở cái nôi của Đông Nam Á, vị trí địa lý thuận lợi của Việt Nam có thể đóng vai trò là bệ phóng cho mọi kế hoạch kinh doanh đa lĩnh vực của các nhà đầu tư Mỹ.

Về sức mạnh kinh tế, Giáo sư Freund Larus – Đại học Mary Washington cho rằng Việt Nam có tiềm năng to lớn khi là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất trên thế giới trong những năm qua.

Giáo sư Freund Larus – Đại học Mary Washington

Năm 2021, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục thể hiện sức mạnh cơ bản và khả năng phục hồi, được hỗ trợ mạnh mẽ bởi nhu cầu trong nước và sản xuất hướng xuất khẩu. GDP thực tế ước tính tăng 2,58% – chỉ số tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á.

Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng với nền kinh tế toàn cầu, nền kinh tế Việt Nam cũng chịu nhiều tác động nặng nề bởi đại dịch COVID-19 đang diễn ra nhưng đã cho thấy khả năng phục hồi đáng kể. Chính sách kinh tế vĩ mô và tài khóa vẫn được duy trì ổn định. Việt Nam là một trong số ít quốc gia trên thế giới không dự báo suy thoái, mặc dù tốc độ tăng trưởng trong năm 2021 thấp hơn nhiều so với dự báo ở mức 6-7% trước khủng hoảng, theo Foreign Policy.

Ngoài ra, Việt Nam còn có một số lợi thế cạnh tranh so với các nước trong khu vực nhằm thu hút đầu tư của các doanh nghiệp Mỹ như chi phí nhân công thấp, tính bảo mật cá nhân cao, người dân Việt Nam có đánh giá tích cực về Mỹ, chính phủ và hệ thống chính trị ổn định.

Trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh ASEAN – Mỹ, Tổng thống Joe Biden chia sẻ cá nhân ông luôn dành nhiều tình cảm cho đất nước và người dân Việt Nam. Khi còn là Thượng nghị sĩ, ông đã cùng người bạn, người đồng nghiệp John McCain vận động chính giới Mỹ ủng hộ thúc đẩy quan hệ với Việt Nam.

Đặc biệt, trong phòng, chống dịch bệnh, Tổng thống Biden cho biết chính quyền của ông đã vận động Quốc hội Mỹ phân bổ 21 tỷ USD để tăng cường hỗ trợ cho các quốc gia trên thế giới về vaccine, thuốc chữa COVID-19, trang thiết bị y tế, cũng như tăng cường hợp tác với các quốc gia để ứng phó hiệu quả với bệnh dịch phát sinh trong tương lai, không chỉ vì lợi ích của Mỹ mà còn vì lợi ích của các nước bạn bè, đối tác, cộng đồng quốc tế và toàn thế giới. Tổng thống Biden khẳng định Mỹ sẽ nỗ lực hết sức để có thể tăng cường hỗ trợ cho Việt Nam và các nước trong khu vực trong lĩnh vực này.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá kể từ khi hai nước bình thường hoá quan hệ, Việt Nam và Mỹ đã hợp tác chân thành, tin cậy, có trách nhiệm

Trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, Tổng thống Joe Biden nhất trí với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về việc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị giữa các quốc gia, không sử dụng vũ lực, giải quyết hòa bình các tranh chấp, xung đột, trên cơ sở luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên Hợp Quốc; bảo đảm tự do hàng hải và hàng không phù hợp với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982).

Bên lề Hội nghị, trong cuộc trao đổi với phóng viên, Giáo sư Freund Larus nhận định: “Hội nghị cấp cao đặc biệt Mỹ – ASEAN có vai trò quan trọng trong chính sách của chính quyền Tổng thống Joe Biden đối với khu vực Đông Nam Á nói riêng và chiến lược Châu Á – Thái Bình Dương nói chung. Thông qua hội nghị, Mỹ thể hiện định hướng coi trọng hợp tác với các đồng minh, các đối tác để giải quyết các vấn đề khu vực. Bà Freund Larus nêu rõ trong số những đối tác tại khu vực Đông Nam Á, chắc chắn Mỹ sẽ coi Việt Nam là đối tác quan trọng hàng đầu.

Lan Hoa (Theo Foreign Policy)

Bài mới
Đọc nhiều