+
Aa
-
like
comment

Forbes: Việt Nam – Quốc gia ngoại lệ, đối tác thương mại phát triển nhanh nhất của Mỹ

Lan Hoa - 08/04/2022 10:32

Sau 26 năm bình thường hóa và thiết lập quan hệ ngoại giao (12/7/1995-12/7/2021), kinh tế thương mại Việt Nam – Mỹ đã có những bước tăng trưởng vượt bậc và là điểm sáng ấn tượng nhất trong mối quan hệ hợp tác hữu nghị lâu dài giữa hai đất nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris trong chuyến thăm Việt Nam

Trong 2 năm qua, mặc dù đại dịch Covid-19 và xung đột thương mại toàn cầu diễn biến gay gắt, Mỹ vẫn duy trì vị thế là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, trong khi Việt Nam tiếp tục vươn lên trở thành đối tác thương mại lớn thứ 9 của Mỹ trong tổng số 30 đối tác toàn cầu. Nhưng ít ai biết rằng, để có được vị trí như ngày hôm nay, cả 2 quốc gia đã phải trải qua rất nhiêu giai đoạn trong quá khứ với những thăng trầm khác nhau.

Mới đây, Forbes – tạp chí kinh doanh tài chính nổi tiếng của Mỹ đã có bài phân tích khá hay để làm nổi bật vấn đề này. Trong đó, tác giả đi sâu vào việc dùng những con số chi tiết về chỉ số thương mại giữa 2 quốc gia qua các năm để bạn đọc nhìn nhận và đánh giá một cách khách quan nhất.

Hợp tác kinh tế Việt Nam – Mỹ được bắt đầu từ năm 1995, khi hai bên công bố “bình thường hóa quan hệ” và thiết lập quan hệ ngoại giao. Quan hệ thương mại giữa Việt Nam – Mỹ từ chưa đầy 500 triệu USD năm 1995 đã tăng lên đến 800 triệu USD năm 2000.

Theo Forbes, năm 2001, Việt Nam và Mỹ cùng ký Hiệp định Thương mại BTA. Kể từ đó đến năm 2005, Mỹ liên tục giữ vị trí là quốc gia xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và Việt Nam luôn ở vị thế xuất siêu. Kim ngạch thương mại hai chiều tăng trung bình 20%/năm. Đây cũng là lần đầu tiên Việt Nam vượt qua các đối thủ lớn trong khu vực là Thái Lan, Malaysia và Indonesia để trở thành quốc gia xuất khẩu lớn nhất khu vực Đông Nam Á vào thị trường Mỹ.

Năm 2012, Mỹ triển khai đầu tư nguồn vốn FDI vào Việt Nam qua 629 dự án. Đến năm 2015, con số này nâng lên thành 735. Sau đó, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Mỹ tiếp tục tăng 47,15 tỷ USD (năm 2016), 50,8 tỷ USD (năm 2017) và 60,3 tỷ USD (năm 2018). Kết thúc năm 2019, con số này đã đạt mốc gần 76 tỷ USD, tức là gấp khoảng 168 lần so với năm 1995.

Tiếp đà tăng trưởng trong 7 tháng đầu năm 2020, mặc dù chịu tác động lớn của dịch Covid-19 nhưng hoạt động xuất nhập khẩu giữa hai nước vẫn có sự tăng trưởng lạc quan. Đặc biệt, kim ngạch song phương năm 2021 tăng gần 21 tỉ USD so với năm 2020 bất chấp đại dịch COVID-19 kéo dài và diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tính đến hết tháng 10/2021, Mỹ đã trở thành đối tác thương mại thứ hai, có kim ngạch thương mại vượt mốc 100 tỉ USD với Việt Nam. Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, trong khi Việt Nam vươn lên trở thành đối tác thương mại lớn thứ 9 của Mỹ.

Đặc biệt, theo báo cáo của Tổng cục thống kê, tính đến hết quý I/2022, Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 25,2 tỷ USD.

Theo Forbes, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đã thay đổi theo hướng đa dạng hóa hơn. Nếu trước đây, Việt Nam xuất khẩu chủ yếu vào Mỹ là các nhóm hàng như: dệt may, da giày… thì nay đã có thêm nhóm hàng nông – thủy – hải sản tham gia vào danh mục các nhóm hàng xuất khẩu quan trọng. Đặc biệt, dệt may là mặt hàng tiếp cận thị trường Mỹ từ rất sớm và hiện đang là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu cao nhất sang Mỹ.

Về thị trường hàng hóa nhập khẩu, hiện chưa có sự thay đổi nhiều, Việt Nam vẫn có nhu cầu nhập khẩu những mặt hàng mà Mỹ có nguồn cung dồi dào như: Các loại máy móc, thiết bị công nghệ cao, thiết bị hàng không, viễn thông và nông sản nguyên liệu…

Trang Forbes cho biết, động lực phát triển hợp tác kinh tế Việt Nam – Mỹ trước hết bắt nguồn từ nền tảng kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng ổn định, nguồn lao động dồi dào, đường lối đổi mới, hội nhập đúng đắn với nhiều cơ chế chính sách ưu đãi các nhà đầu tư nước ngoài nói chung và Mỹ.

Giờ đây, Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể trong việc cải thiện tính minh bạch về thông tin, luật pháp và vấn đề khuyến khích đầu tư nước ngoài bằng hệ thống luật pháp và chính sách bảo hộ đầu tư Mỹ chặt chẽ nhưng thông thoáng so với trước.

Thành công này đạt được là nhờ Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp hai nước đã nỗ lực phối hợp, tập trung giải quyết kịp thời và hiệu quả vấn đề vấn đề thương mại ưu tiên, bao gồm việc mở cửa thị trường cho nông sản, hàng công nghiệp, hàng hóa và dịch vụ công nghệ thông tin của nhau, kiến tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, thúc đẩy ký kết nhiều dự án, hợp đồng thương mại lớn.

Ở góc độ vĩ mô, tính chất bổ trợ của hai nền kinh tế Việt Nam và Mỹ là đặc điểm quan trọng giúp Việt Nam định hình chính sách kinh tế, thương mại với Mỹ theo hướng hài hòa và bền vững, đảm bảo các nền tảng quan trọng và duy trì lợi ích quốc gia trong hợp tác song phương lâu dài, trang Forbes nhận định.

Lan Hoa (Theo Forbes)

Bài mới
Đọc nhiều