+
Aa
-
like
comment

Forbes: Ngành khách sạn Việt Nam sáng tạo vượt qua đại dịch Covid-19

Trần Anh - 24/03/2021 14:25

Cũng như cả thế giới, ngành du lịch Việt Nam trong năm 2020 đã phải hứng chịu một cơn đại địa chấn mang tên đại dịch Covid-19. Nhưng chính khó khăn đó đã khiến những người trong ngành du lịch nhìn nhận lại cách tiếp cận của họ về cách thức phục vụ khách và đổi mới dịch vụ của mình.

Forbes: Ngành khách sạn Việt Nam sáng tạo vượt qua đại dịch Covid-19.

Một trong những sự đổi mới đã được phát triển tại Alma Resort trên bờ Vịnh Cam Ranh ở miền nam Việt Nam, nơi đã phát triển một ứng dụng di động của riêng mình để liên hệ với khách hàng một cách an toàn, không cần tiếp xúc trực tiếp. Được phát triển bởi nhóm CNTT của khu nghỉ mát và có sẵn để tải xuống trên các thiết bị Android, Apple, Windows và Amazon, ứng dụng ‘Alma Resort’ cung cấp các mẹo về sức khỏe và an toàn trong mùa dịch, thực đơn cho các nhà hàng của khách sạn, lịch hoạt động và chương trình khuyến mãi cũng như phát trực tiếp chương trình phát sóng và thông tin về các sự kiện.

Ông Herbert Laubichler-Pichler, Giám đốc điều hành khu nghỉ mát, cho biết ông tin rằng các khu nghỉ dưỡng 5 sao trên khắp Việt Nam cũng sẽ sớm cung cấp công nghệ tương tự. “Không có khía cạnh nào trong cuộc sống của chúng tôi vẫn còn nguyên vẹn bởi đại dịch này và trong điều kiện bình thường mới, ứng dụng này là một cách hiệu quả và không cần tiếp xúc để kết nối với khách hàng và nhân viên.”

Ứng dụng được phát triển bởi Alma Resort tại Việt Nam để giao tiếp với khách hàng.
Ứng dụng được phát triển bởi Alma Resort tại Việt Nam để giao tiếp với khách hàng.

Điều thú vị ở chỗ, ý tưởng về phát triển ứng dụng lại đến từ vị bếp trưởng của khách sạn, trong một cuộc họp giữa các trưởng bộ phận. Ông Laubichler-Pichler đã chỉ đạo nhóm của mình tìm kiếm một ứng dụng liên quan đến khách sạn hiện có có thể điều chỉnh theo nhu cầu của họ, nhưng không tìm thấy ứng dụng nào phù hợp, và khách sạn đã tự tạo ra ứng dụng đó chỉ sau 2 tháng.

Ông chia sẻ quyết định triển khai công nghệ nhanh chóng như vậy được đưa ra bởi sự cấp thiết của việc giúp khách sạn và khách hàng cảm thấy an tâm hơn trước đại dịch. “Chúng tôi có thể chọn cứ phát triển mãi, hoặc phát hành nó rồi sau đó nâng cấp trong quá trình vận hành, vì vậy chúng tôi quyết định làm điều đó.”

Du lịch trong nước: Dòng chảy mới

Năm 2019, Việt Nam đạt được mức cao nhất mọi thời đại là 18 triệu du khách quốc tế, tạo ra doanh thu khoảng 40 tỷ đô la và đề ra quyết tâm đạt được mục tiêu của Chính phủ là trở thành một bộ phận quan trọng trong nền kinh tế quốc dân.

Tuy nhiên, tất cả những điều đó đã vào ngõ cụt vào cuối tháng 01/2020, khi các chuyến bay từ một số “điểm nóng” Covid-19 bị đình chỉ, và tháng 4, lệnh ngừng bay hoàn toàn được thực thi. Từ tháng 1 đến tháng 11 năm đó, quốc gia này chỉ đón 3,8 triệu lượt khách quốc tế, giảm khoảng 77%. Đến nay, Việt Nam vẫn chưa tiếp nhận bất kỳ lượt khách du lịch quốc tế nào.

Nhờ những biện pháp này, Việt Nam là một trong những quốc gia hàng đầu thế giới trong việc kiểm soát sự lây lan của đại dịch và mở ra cơ hội mà nhiều bất động sản du lịch cao cấp ít được chú ý đến, nối không nói là bỏ qua: tầng lớp trung lưu Việt Nam đang phát triển.

Du lịch trong nước và sức mua ngày càng tăng của người tiêu dùng Việt Nam được coi là cứu cánh cho ngành dịch vụ đang gặp khó khăn đến mức tuyệt vọng, đặt trường hợp nếu họ có thể thay đổi chiến lược trong một số lĩnh vực chính. Một trong những ví dụ đó là thực đơn các món ăn và đồ uống. Tại Alma, một nhà hàng chủ đạo đã được chuyển đổi từ chủ đề Địa Trung Hải sang thực đơn thịt nướng hải sản tươi sống, trong khi hai cửa hàng bánh mì kẹp thịt và kem trong khu ẩm thực của khách sạn được chuyển thể thành quán phở Việt Nam.

Ông Laubichler-Pichler nói: “Theo một cách nào đó, chúng tôi đã may mắn khi có thể sử dụng việc đóng cửa vào tháng 4 để tái thiết kế mọi thứ”. Ông cũng ghi nhận mô hình chia sẻ thời gian của khu nghỉ dưỡng và tập trung vào các định dạng phòng có thể chứa các đại gia đình (du khách Việt Nam thường đi nghỉ theo nhóm ba hoặc thậm chí bốn thế hệ) vì đã giúp vượt qua cơn bão Covid-19.

Nhìn về phía trước, vị giám đốc kỳ cựu dự đoán ngành du lịch Việt Nam sẽ có một sự phục hồi mạnh mẽ do nhu cầu đi du lịch bị dồn nén sau một năm nhiều biến cố, cô lập.

“Cảm giác giống như nếu bạn không ăn sô-cô-la trong một năm và bây giờ bạn muốn ăn tất cả số sô-cô-la có thể”, Laubichler-Pichler nói, “nhưng các khách sạn cần phải bắt đầu sẵn sàng ngay bây giờ để đáp ứng nhu cầu đó.”

Trần Anh (lược dịch từ Forbes)

Bài mới
Đọc nhiều