Forbes: Mặc đại dịch, Việt Nam vẫn vượt xa các quốc gia trong khu vực
Ngày 30/8, trang Forbes đã có bài viết khen ngợi sự phát triển kinh tế Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2020. Theo bài viết, mặc dù chịu tổn thất nặng nề do tác động của Covid-19, nhưng nền kinh tế Việt Nam vẫn được xem là nền kinh tế phát triển vượt bật nhất Châu Á, vượt xa các quốc gia trong khu vực.
Theo bài viết, Chính phủ Việt Nam đã và đang tìm cách gia tăng đầu tư công và tư kể từ tháng 1/2020 để giúp nền kinh tế vượt qua giai đoạn dịch bệnh Covid-19. Tháng 6 vừa qua, Việt Nam đã cấp phép cho dự án thương mại lớn nhất năm, dự án khu nghỉ dưỡng du lịch trị giá 9,3 tỷ USD do tập đoàn tư nhân lớn nhất nước Vingroup làm chủ đầu tư. Các nhà đầu tư nước ngoài cũng sẽ tham gia dự án lớn nhất tại Việt Nam trong những năm gần đây này.
Tác giả bài viết tỏ ra ấn tượng với nỗ lực thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Việt Nam. Theo đó, Việt Nam đặt mục tiêu thu hút 35 – 36 tỷ USD FDI trong năm nay. Tính đến cuối tháng 7, có 32.391 dự án FDI có hiệu lực tại Việt Nam với tổng số vốn đăng ký là 380,6 tỷ USD, trong đó đã giải ngân 221,8 tỷ USD.
Trong 7 tháng đầu năm 2020, Việt Nam thu hút tổng cộng 18,82 tỷ USD, tương đương 93,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng cộng đã giải ngân 10,12 tỷ USD trong 7 tháng đầu năm, tương đương 95,9 % so với cùng kỳ năm ngoái. Chỉ tính riêng trong tháng 7/2020, Việt Nam đã thu hút 3,15 tỷ USD FDI và vốn mua cổ phần, tăng 79,8% so với cùng kỳ năm ngoái và 76,2% so với tháng 6.
Trang Forbes cũng nhận định Việt Nam cũng là điểm sáng về thu hút các công ty sản xuất toàn cầu tìm đến. Trang Forbes đã trích dẫn công bố của Tổ chức Thương mại Ngoại thương của Nhật Bản (JETRO), cho biết 15/30 công ty Nhật Bản đã chọn Việt Nam làm điểm đến trong chính sách mở rộng sản xuất trong chương trình của Chính phủ Nhật Bản về hỗ trợ các công ty nước này đa dạng hóa chuỗi giá trị tại nước ngoài.
Ngoài ra, khảo sát trực tuyến vào tháng 12/2019 do NNA Japan, thuộc tập đoàn tin tức Kyodo (Nhật Bản) tiến hành, Việt Nam nhận được 42,1% trong số 820 phản hồi có giá trị về lựa chọn điểm đến dựa trên các yếu tố như tiềm năng của Việt Nam là một thị trường đang tăng trưởng và nguồn cung lớn lao động có tay nghề chi phí thấp.
Cũng theo Forbes, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 1/8/2020 đã mở đường cho thương mại gia tăng giữa EU và Việt Nam. EVFTA, được ký vào tháng 6/2019 và cùng với Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam – EU (EVIPA), đã phản ánh mong muốn của Châu Âu mở rộng hợp tác với ASEAN và tham gia tích cực hơn vào các cơ chế do ASEAN dẫn dắt.
Tương tự, Châu Âu cũng ủng hộ vai trò của Việt Nam khi là Chủ tịch của ASEAN năm 2020 trong thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam và EU, cũng như giữa ASEAN với EU. EVFTA sẽ tạo ra những nấc thang mới trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Hiệp định này sẽ thúc đẩy hợp tác đối tác toàn diện, cũng như đóng góp vào việc thắt chặt gắn kết giữa hai khu vực.
Cuối cùng, trang Forbes nhấn mạnh Việt Nam đang kỷ niệm 75 năm Cách mạng Tháng Tám (19/8) và Ngày Quốc khánh (2/9). Ngày 2/9/1945 là cột mốc mang tính bước ngoặt của Việt Nam. Đó là ngày nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập và nay là CHXHCN Việt Nam. Cuộc Cách mạng Tháng 8 năm 1945 vĩ đại, là cột mốc chói lọi trong lịch sử dân tộc Việt Nam, mang lại độc lập và tự do cho nhân dân Việt Nam, đánh dấu sự khởi đầu của một kỷ nguyên mới về tự do và độc lập dân tộc.
Bảo Trâm (Lược dịch theo Forbes)