Forbes: Giá BĐS tại Việt Nam tăng chóng mặt chứng tỏ điều gì?
Trang Forbes của Mỹ vừa có bài viết nói về mức độ gia tăng kỷ lục bấp chấp những khủng hoảng của thị trường bất động sản Việt Nam. Trong đó, Forbes đưa ra nhận định rằng thị trường BĐS đã chứng tỏ khả năng phục hồi không tưởng của Việt Nam.
Theo Forbes, năm 2020 có lẽ là năm “kỳ tích” của Việt Nam với vô số những kết quả ấn tượng, khó tưởng tượng đều nằm ở nơi này: GDP gần như đứng đầu thế giới, số ca nhiễm Covid-19 thấp, hoạt động du lịch nội địa vẫn phát triển… Và mới đây nhất là giá thuê đất, văn phòng và giá nhà đất cũng tăng như chưa từng có khủng hoảng.
“Thị trường bất động sản của quốc gia này đã chứng tỏ khả năng phục hồi trong thời kỳ đại dịch. Đặc biệt, điểm sáng của thị trường bất động sản địa phương là khu công nghiệp, vốn đã được hưởng lợi từ sự bùng nổ sản xuất“, Forbes đưa ra nhận định.
Trong những năm gần đây, các công ty như Nike, Adidas và Samsung đã chuyển hoạt động ra khỏi Trung Quốc và điểm đến không nơi nào khác, chính là Việt Nam, do chi phí sản xuất của Trung Quốc ngày càng tăng và chiến tranh thương mại với Mỹ.
Xuất khẩu vẫn tăng đều cho dù dịch Covid-19 vẫn hoành hành. Tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đã tăng 435% trong giai đoạn từ năm 2010 đến năm 2020.
Nhìn vào thị trường TP.HCM, nơi chiếm 20-25% GDP cả nước, thị trường bất động sản công nghiệp cũng đã phản ứng với nhu cầu sản xuất gia tăng, khi giá thuê công nghiệp tại TP. HCM đã tăng 9,0% vào năm 2019 và 10,6% vào năm đại dịch 2020, Forbes trích dữ liệu từ Cushman & Wakefield.
Với thị trường nhà đất, tại Việt Nam cũng ghi nhận mức tăng trưởng chưa từng có trong những năm gần đây. Người Việt Nam trong nước có thêm nhiều lựa chọn đầu tư ngoài thị trường nhà đất, nên nhu cầu căn hộ đã vượt quá nguồn cung, nhiều dự án mới được bán hết nhanh chóng ngay sau khi mở bán. Theo Cushman & Wakefield, giá căn hộ tại TP.HCM đã tăng đáng kinh ngạc (90%) trong giai đoạn 2017-2020, riêng năm 2020 tăng 12,8%.
Nhu cầu từ các nhà đầu tư nước ngoài cũng là một trong những yếu tố thúc đẩy thị trường, song phần lớn sự tăng trưởng vẫn đến từ người dân Việt Nam (trong các dự án căn hộ, người nước ngoài chỉ được phép sở hữu tối đa 30% tổng số căn hộ). Tiến bộ kinh tế cùng với sự gia tăng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu là những động lực thúc đẩy chính cho thị trường nhà ở đang mở rộng, với rất ít dấu hiệu cho thấy sự suy giảm trong tương lai gần.
Trên khắp thế giới, thị trường văn phòng đã bị ảnh hưởng mạnh khi nhân viên chuyển sang làm việc tại nhà và các công ty tiếp tục triển khai các mô hình làm việc linh hoạt.
Theo Cushman & Wakefield, bất chấp điều đó, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đã thúc đẩy giá thuê văn phòng của TP.HCM tăng 1,7% vào năm 2020 , trong khi các thành phố lân cận như Bangkok, Singapore và Hong Kong đều chứng kiến giá thuê văn phòng giảm trong năm 2020.
Về phân khúc khách sạn và nghĩ dưỡng, cũng giống như phần còn lại của thế giới, năm 2020 đã tàn phá thị trường bất động sản nghỉ dưỡng của Việt Nam, với công suất thuê chỉ dao động trong khoảng 20-30% trong phần lớn thời gian của năm.
Dù sự phục hồi dự kiến sẽ diễn ra tương đối chậm, triển vọng vẫn khá mạnh mẽ do ngành du lịch của Việt Nam đang trên đà bùng nổ trước đại dịch. Lượng khách quốc tế tăng từ 3,8 triệu trong năm 2009 lên hơn 18 triệu vào năm 2019, nhờ tiến bộ kinh tế dẫn đến việc đi công tác gia tăng, và Việt Nam cũng đang trở thành điểm nghỉ dưỡng yêu thích của người nước ngoài khắp toàn thế giới.
Theo Forbes, Việt Nam được kỳ vọng sẽ là một điểm đến thuận lợi cho đầu tư trong tương lai. Sự quan tâm của các nhà đầu tư tổ đã giúp FDI tăng tới 75% trong giai đoạn từ năm 2014 đến năm 2019. KKR & Co. là một trong nhiều tập đoàn nhắm mục tiêu vào Việt Nam, với việc mua cổ phần của Vinhomes, nhà phát triển bất động sản lớn nhất Việt Nam.
“Với việc Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% vào năm 2021 , thị trường bất động sản Việt Nam đã sẵn sàng để đón đầu nền kinh tế trong tương lai“, Forbes kết luận.
Bảo Trâm (Lược dịch theo Forbes)