FLC lỗ đậm
FLC lỗ sau thuế 465 tỷ đồng trong quý đầu năm, trong khi cùng kỳ năm ngoái vẫn lãi gần 50 tỷ đồng.
Đây là khoản lỗ đậm nhất tính theo quý của Tập đoàn FLC trong hai năm trở lại đây, đồng thời khiến lợi nhuận chưa phân phối bị bào mòn từ gần 2.100 tỷ đồng còn 1.600 tỷ đồng.
Ban lãnh đạo FLC cho biết có bốn nguyên nhân chính dẫn đến khoản lỗ này. Thứ nhất, công ty chủ động thu hẹp mảng thương mại. Hai yếu tố tiếp theo đều liên quan đến dịch bệnh là việc thi công, bàn giao sản phẩm bất động sản bị ảnh hưởng và mảng dịch vụ nghỉ dưỡng sa sút. Cuối cùng, chi phí tài chính nhảy vọt do công ty tăng các khoản trích lập dự phòng đầu tư.
Báo cáo tài chính quý đầu năm của FLC ghi nhận doanh thu đạt 1.085 tỷ đồng, chưa bằng phân nửa cùng kỳ. Trong đó, hai mảng kinh doanh chủ lực là bán hàng hoá và bất động sản đều giảm khoảng 3 lần so với cùng kỳ.
Chi phí lãi vay, bán hàng đều tăng đột biến cộng thêm khoản lỗ gần 265 tỷ đồng ghi nhận từ công ty liên doanh, liên kết (chủ yếu là hãng hàng không Bamboo Airways) khiến FLC không thể duy trì mạch kinh doanh có lãi.
Tính đến cuối kỳ, FLC có tổng tài sản gần 35.500 tỷ đồng. Nợ phải trả tăng gần 2.100 tỷ đồng trong ba tháng, lên 26.140 tỷ đồng. Trong số này có hơn 7.100 tỷ đồng là nợ vay ngân hàng.
Báo cáo tài chính cũng đề cập đến việc Cơ quan Cảnh sát điều tra của Bộ Công An đang trong quá trình điều tra cựu Chủ tịch Trịnh Văn Quyết và cựu Phó chủ tịch Hương Trần Kiều Dung về hành vi thao túng thị trường chứng khoán. Ban lãnh đạo FLC cho rằng đây là vấn đề cá nhân của hai cựu lãnh đạo nhưng sẽ “đánh giá rủi ro một cách thận trọng để có quyết định phù hợp với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trong thời gian tới”.
Phương Đông