+
Aa
-
like
comment

Finanzen nói về tốc độ phục hồi đáng ngạc nhiên của ngành du lịch Việt Nam

Bảo Trâm - 04/05/2021 06:13

Trang Finanzen.net của Đức đã có bài viết nói về triển vọng phục hồi du lịch của Việt Nam hậu Covid-19, với nhận định ngành du lịch Việt Nam là một số ít quốc gia đạt tốc độ phục hồi nhanh đáng kể so với các nước khác trong khu vực. 

Theo Finanzen, ngành du lịch Việt Nam thời gian qua được thúc đẩy bởi khả năng tiếp cận và khả năng chi trả tốt hơn của các hãng hàng không giá rẻ. Thêm vào đó, cơ sở hạ tầng hàng không là “chìa khóa” cho quá trình mở rộng của các hãng, cũng như tiếp tục thúc đẩy và hỗ trợ tăng trưởng du lịch của đất nước.

Mặc dù những biện pháp hạn chế đi lại và đóng cửa biên giới đã tác động đáng kể đến ngành du lịch, nhưng nhìn chung Việt Nam đã khẳng định vị thế khi đạt tốc độ phục hồi nhanh đáng kể so với các nước khác trong khu vực. Điều này chủ yếu nhờ lượng khách du lịch trong nước, đồng thời xu hướng này sẽ tiếp tục thúc đẩy ngành du lịch nội địa trong bối cảnh hiện nay.

Hội An

Năm 2007, du lịch chỉ đóng góp 4,5% cho GDP của đất nước thì đến năm 2019, con số này đã tăng lên 12,5%. Kết quả này là do phần lớn các nhà đầu tư nước ngoài tập trung vào du lịch, tiếp sau là các ngành công nghiệp nặng và phát triển đô thị.

Năm 2019, du lịch Việt Nam đã thu hút khoảng 18 triệu lượt khách quốc tế. Trong khi đó, năm 2000, con số này chỉ là 2,1 triệu. Doanh thu toàn ngành du lịch Việt Nam trong năm 2019 đạt 30 tỷ USD. Với mức tăng 16,2% so với năm trước đó, năm 2019 được đánh giá là một trong những năm mà ngành du lịch Việt Nam đạt mức tăng trưởng mạnh nhất cho tới nay.

Đáng chú ý, ngành du lịch năm 2019 được thúc đẩy bởi khả năng tiếp cận và khả năng chi trả tốt hơn của các hãng hàng không giá rẻ như Vietjet. Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở hạ tầng sân bay được cải thiện đã tạo tiền đề cho thị trường hàng không Việt Nam phát triển. Cơ sở hạ tầng hàng không là “chìa khóa” cho quá trình mở rộng của các hãng hàng không, cũng như tiếp tục thúc đẩy và hỗ trợ tăng trưởng du lịch, theo Finanzen.

Cảnh quan tuyệt mỹ của thác Bản Giốc là một trọng điểm du lịch hấp dẫn khách quốc tế

Ngoài 2 sân bay quan trọng là sân bay Tân Sơn Nhất và sân bay Nội Bài, Việt Nam cũng đã phê duyệt và đang xây dựng sân bay quốc tế Long Thành, một sân bay quốc tế lớn ở Đồng Nai, gần TP. HCM và dự kiến đi vào hoạt động từ năm 2026.

Trang Finanzen đưa ra nhận định rằng chính việc nâng cao cơ sở hạ tầng đã rút ngắn thời gian di chuyển, giúp du khách có nhiều trải nghiệm hơn. Chẳng hạn, trong quá khứ, thường phải mất 4-5 tiếng đi từ Hà Nội đến Vịnh Hạ Long thì hiện nay chỉ cần 2 tiếng, nhờ vào việc xây dựng một  tuyến đường quốc lộ từ năm 2018.

Được biết, tỉnh Đồng Nai đã có kế hoạch xây dựng 5 tuyến đường mới dẫn vào sân bay quốc tế Long Thành, với tổng số vốn xây dựng trị giá 14 tỷ USD.

Do vị trí địa lý của Việt Nam trải dài từ Bắc vào Nam, đường hàng không thường được ưa chuộng hơn, song việc cải thiện hệ thống giao thông đường bộ và đường sắt cũng sẽ giúp nâng cao hiệu quả của ngành vận tải và các ngành dịch vụ khác.

Hình ảnh phối cảnh sân bay Long Thành

Hơn nữa, sự phát triển của các hãng hàng không giá rẻ trong nước và khu vực cũng góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng du lịch trong nước và quốc tế của Việt Nam. Đối với du khách quốc tế, Việt Nam có vị trí thuận lợi trong khu vực Đông Nam Á, nơi các hãng hàng không có máy bay thân hẹp từ Hà Nội hoặc TP. HCM có thể bay đến hầu hết các địa điểm quan trọng ở Bắc Á, Đông Nam Á và Ấn Độ trong khoảng 5 giờ đồng hồ.

Ngoài du lịch, trang Finanzen cũng đưa ra nhận định rằng nền kinh tế Việt Nam hiện đã và đang có tốc độ phát triển vô cùng nhanh, bất chấp những khủng hoảng do Covid-19 gây ra. Tất cả nhờ vào những biện pháp nhanh, mạnh của Chính phủ trong việc xử lí đại dịch.

Bảo Trâm (Theo Finanzen Đức)

Bài mới
Đọc nhiều