FIFA đi ngược với tinh thần Thể thao phi chính trị?
Chủ tịch FIFA không phải một diễn viên hài, song những gì tổ chức này vừa áp đặt với các đội tuyển của Nga thì chẳng khác nào một trò hề mang tên ‘Thể thao phi chính trị’.
Hôm qua, 28/2, Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA) đã thông báo rằng, họ sẽ đình chỉ vô thời hạn sự tham gia của Nga vào các giải đấu quốc tế, trục xuất Nga khỏi vòng loại trực tiếp World Cup 2022, một tháng trước các trận đấu cuối cùng vòng loại.
Trong một tuyên bố chung với Liên đoàn Bóng đá châu Âu (UEFA), FIFA cho biết: “Hôm nay FIFA và UEFA đã cùng nhau quyết định rằng tất cả các đội bóng của Nga, dù là đội đại diện quốc gia hay đội câu lạc bộ, sẽ bị đình chỉ tham gia cả hai giải đấu của FIFA và UEFA cho đến khi có thông báo mới”.
Như vậy, ngoài đội tuyển Nga lỡ hẹn với World Cup 2022, đội tuyển nữ cũng bị loại khỏi EURO 2022, CLB Spartak Moskva cũng phải tạm biệt Europa League, nhường suất đi tiếp cho Leipzig. Ngoài lệnh cấm ở các giải đấu, UEFA còn hủy bỏ hợp đồng với công ty năng lượng Nga Gazprom. Trước đó, MU cũng nhanh tay hủy hợp đồng với hãng hàng không Aeroflot của Nga vì lý do tương tự.
Có thể hiểu FIFA đã chịu sức ép từ các Liên đoàn bóng đá thành viên bởi ban đầu họ vốn chỉ đề xuất lệnh cấm tạm thời đối với tên, quốc kỳ và quốc ca cũng như lệnh cấm đăng cai các trận đấu quốc tế của Nga. Từ Ba Lan, Thụy Điển, và CH Séc, những đối thủ của Nga ở vòng play-off World Cup 2022 trong tháng Ba. Pháp, Anh, Mỹ cũng từ chối thi đấu với Nga. Nhưng rõ ràng, những quyết định của FIFA và UEFA đã gây bức xúc lớn trong dư luận vì nó đi ngược với tôn chỉ mà họ đề ra là Thể thao phi chính trị.
Trong mục 4 về Không phân biệt đối xử, bình đẳng và trung lập, chính FIFA đã ghi rõ: “FIFA duy trì thái độ trung lập trong các vấn đề chính trị và tôn giáo. Có thể có ngoại lệ khi có các vấn đề bị ảnh hưởng bởi các mục tiêu trong quy chế FIFA”. Còn mục 15 về Tư cách của các liên đoàn bóng đá thành viên cũng khẳng định rằng các liên đoàn cần đảm bảo các nguyên tắc điều hành như sau: a) Trung lập với các vấn đề chính trị và tôn giáo, b) Cấm tất cả các hình thức phân biệt đối xử, và c) Độc lập và tránh bất cứ sự can thiệp chính trị nào.
Căn cứ vào tôn chỉ ấy, các cầu thủ hoàn toàn không có lỗi, và không đáng bi trừng phạt trong căng thẳng chính trị leo thang giữa Nga và Ukraina. Nếu các đội tuyển của Nga bị loại khỏi các giải đấu vì căng thẳng Nga – Ukraina, tại sao đội tuyển Mỹ và các CLB của họ không bị trừng phạt sau những chiến dịch của Mỹ ở Afghanistan, Libya, Iraq,…
Liệu công bằng có tồn tại trong cách hành xử như thế này? Hỏi cũng là một câu trả lời!
Khai Tâm