+
Aa
-
like
comment

FED đang thất thế trước lạm phát?

Huy Hoàng - 02/03/2023 16:11

Kể từ khi Fed tăng lãi suất hòng kéo giảm lạm phát, đã có nghi ngờ cho rằng cuộc chiến với lạm phát sẽ không dễ dàng nếu chỉ dùng mỗi công cụ lãi suất. Những tranh cãi xung quanh cách làm của Fed đến nay lại một lần nữa nóng lên, khi mặc dù Ngân hàng trung ương này đã tăng lãi suất 8 lần liên tiếp, nhưng lạm phát tại Mỹ tiếp tục có dấu hiệu nóng trở lại…

Chủ tịch Fed Jerome Powell tại sự kiện của Câu lạc bộ Kinh tế ở Washington DC ngày 7/2

Fed đang trông chờ vào một cuộc suy thoái nhẹ ở Mỹ, vì điều đó sẽ kéo giảm được lạm phát. Suy thoái và lạm phát có tỷ lệ nghịch với nhau, suy thoái sẽ khiến nhu cầu giảm, từ đó điều tiết được lạm phát. Thế nên lãi suất là một công cụ được Fed tin cậy, bởi nó có thể bóp nghẹt nhu cầu tiêu dùng, đẩy nền kinh tế đến suy thoái để nhu cầu cân bằng với nguồn cung.

Tuy nhiên, giờ đây công cụ lãi suất đang tỏ yếu ớt trước lạm phát. Bằng chứng là CPI Mỹ tháng 1/2023 đã chỉ giảm 0,1%, mức giảm nhỏ nhất dù Fed đã có 8 lần mạnh tay nâng lãi suất. Theo nhiều ý kiến, lạm phát vẫn nóng là do những vấn đề ở phía nguồn cung đã không được chú trọng giải quyết. Thế nên mặc dù nhu cầu bị cắt giảm, nhưng giá hàng hóa vì một lý do nào đó lại không giảm, nó khiến cho lạm phát trở nên dai dẳng, dẫn đến nguy cơ suy thoái đi kèm với lạm phát cao. Có nghĩa là bất chấp suy thoái, lạm phát vẫn có thể cao.

Tình trạng này đã từng xảy ra với nền kinh tế Anh thập niên 1960 và 1970, kinh tế Mỹ đầu thập niên 1970. Khi đó, kinh tế thì đình đốn, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, mà tỷ lệ lạm phát lại không hề hạ xuống. Giới đầu tư gọi đây là thời kỳ “đình lạm”.

Lần gần nhất nước Mỹ trải qua thời kỳ đình lạm là giữa thập niên 1970 khi OPEC quyết định cấm bán dầu sang Mỹ, giá dầu vì vậy tăng gấp đôi lên khoảng 12 USD/thùng. Đây thực sự là cú sốc mà người tiêu dùng không thể chấp nhận được, kinh tế vì vậy rơi vào suy thoái. Và mặc dù kinh tế suy thoái, tức nhu cầu giảm, nhưng lạm phát tại Mỹ khi đó vẫn không hạ nhiệt, do nguồn cung dầu vào nước Mỹ bị tắc nghẽn.

Suy thoái kinh tế Mỹ vào những năm 1970 trở thành nỗi ám ảnh

Nhìn từ quá khứ, có thể thấy, muốn lạm phát giảm triệt để thì cần giải quyết ở cả hai đầu cầu và cung. Nhưng như Fed chỉ có công cụ duy nhất là lãi suất, điều đó khiến cho các nhà đầu tư lo ngại tình trạng đình lạm sẽ tái diễn.

Đáng nói là tình hình hiện nay đang có sự tương đồng với quá khứ, khi phía cung đang bị tổn thương nghiêm trọng. Bắt nguồn từ đại dịch covid-19, tiếp đó là cuộc xung đột ở Ukraine và căng thẳng giữa Mỹ với các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ. Theo đó, đại dịch covid-19 đã khiến phần lớn hoạt động sản xuất toàn cầu phải ngừng hoạt động, đến khi các nước mở cửa trở lại, nhu cầu tăng đột ngột khiến cho hàng hóa không đủ cung ứng, giá cả vì vậy mà leo thang. Cuộc xung đột Nga-Ukraine sau đó lại tiếp tục đẩy các mặt hàng như ngũ cốc năng lượng lên mức giá mới, thậm chí còn dẫn đến tắc nghẽn chuỗi cung ứng khiến nó không thể phục hồi. Cuối cùng là mối quan hệ “cơm không lành, canh không ngọt” giữa Mỹ với Ả Rập Xê Út, khiến OPEC quyết định cắt giảm sản lượng để giữ giá dầu ở mức cao có lợi cho mình, thay vì tăng sản lượng như yêu cầu của Mỹ. Trong ba nguyên nhân trên, hiện nay, chỉ có một trong số đó là được giải quyết, đó là vấn đề đứt gãy cung ứng do đại dịch. Còn lại xung đột ở Ukraine, quan hệ xuống dốc với OPEC vẫn kéo dài và chưa thấy đâu là điểm dừng.

Không chỉ có những nguyên nhân trên, Trung Quốc cũng là một yếu tố có thể khiến nguy cơ đình lạm tại Mỹ xảy ra. Có quan điểm cho rằng việc Trung Quốc mở cửa cũng có điểm tích cực, vì hoạt động sản xuất sẽ trở lại, qua đó phục hồi chuỗi cung ứng hàng cho thế giới. Tuy nhiên, vấn đề là dòng chảy thương mại từ Trung Quốc sẽ gặp căng thẳng bởi sự leo thang giữa Trung Quốc và Phương Tây. Theo đó, quan hệ giữa Trung Quốc và phương Tây đã tiếp tục xấu đi, sau khi phía Mỹ bày tỏ lo ngại rằng Trung Quốc “đang cân nhắc hỗ trợ vũ khí sát thương” cho Nga trong cuộc xung đột ở Ukraine. Bên cạnh đó, cộng thêm căng thẳng ở eo biển Đài Loan, nếu Bắc Kinh có những hành động leo thang về quân sự, thì điều đó sẽ khiến phương Tây sẵn sàng áp đặt các biện pháp trừng phạt ngặt nghèo như các biện pháp áp đặt đối với Nga. Kịch bản này nếu xảy ra, sẽ dẫn đến một kết cục tồi tệ vì Trung Quốc là công xưởng của thế giới, dòng chảy thương mại của một nền kinh tế lớn như Trung Quốc nếu bị đứt gãy sẽ khiến lạm phát leo thang rất cao.

Có thể nói, lạm phát giờ đây đang mạnh mẽ hơn những gì chúng ta tưởng tượng, do được hỗ trợ bởi xung đột chính trị, thương mại giữa các quốc gia. Trong khi Fed thì chỉ có trong tay công cụ là lãi suất. Chính điều đó khiến giới đầu tư lo ngại tình trạng đình lạm tái diễn. Bằng chứng là theo Khảo sát triển vọng Natixis 2023, có tới 65% số nhà đầu tư tổ chức tin rằng, đình lạm sẽ là rủi ro lớn hơn cả suy thoái kinh tế trong năm nay.

Tiêu cực nhưng đây có thể là cơ hội cho Việt Nam, vì nếu trong trường hợp căng thẳng càng lên cao, chuỗi cung ứng sẽ càng được tiếp thêm động lực để chuyển dịch sang Việt Nam. Ngược lại, nếu nguy cơ này được hóa giải, kinh tế Mỹ sẽ tránh được suy thoái kéo dài, qua đó xuất khẩu sang Mỹ tiếp tục sẽ là điểm sáng cho nền kinh tế Việt Nam.

Huy Hoàng

Bài mới
Đọc nhiều