+
Aa
-
like
comment

Facebook sẽ chặn quảng cáo chính trị từ các tài khoản phản động

09/10/2020 10:25

Thông tin này được Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông (TTTT) Nguyễn Mạnh Hùng nêu trong báo cáo việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn thuộc lĩnh vực TTTT vừa được gửi tới Quốc hội.

Thừa ủy quyền của Thủ tướng ký báo cáo trên, Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ TTTT phối hợp với các bộ, ngành triển khai nhiều giải pháp đấu tranh về pháp lý, truyền thông, thanh toán, thuế, kỹ thuật nhằm buộc các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới (Facebook, Google…) tuân thủ pháp luật Việt Nam.

Cơ quan quản lý cũng yêu cầu các doanh nghiệp này kiểm soát, hạn chế, ngăn chặn, gỡ bỏ kịp thời thông tin giả, xấu, độc hại, phản cảm trên mạng xã hội; thông tin xuyên tạc chủ trương, đường lối và phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thông tin lừa đảo, đánh bạc, quảng cáo không đúng sự thật, thông tin gây mất an ninh, trật tự, an toàn xã hội, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân; thông tin độc hại đối với trẻ em.

Facebook gỡ bỏ nhiều tài khoản giả mạo lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam

Đặc biệt, Bộ TTTT đã yêu cầu các mạng xã hội phải thực hiện các yêu cầu của cơ quan quản lý về việc chặn, gỡ các tài khoản giả mạo, bài viết xuyên tạc, đưa thông tin sai lệch, quảng cáo game cờ bạc, đổi thưởng. Thông tin cụ thể, ông Hùng cho biết, Facebook đã gỡ 286 tài khoản giả mạo, trong đó có 50 tài khoản giả mạo lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Số còn lại là tài khoản tuyên truyền thông tin giả mạo, xấu, độc kích động chống phá Nhà nước.

Facebook cũng gỡ hơn 2.786 bài viết phát ngôn gây thù hận, bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các thương hiệu, cá nhân, tổ chức. Riêng năm 2020, Facebook gỡ gần 2.036 bài viết, tăng 500% so với cả năm 2019, tỷ lệ gỡ chặn đạt 95%. Vẫn theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, thời gian cao điểm chống dịch Covid-19, Facebook đã gỡ 11 tài khoản giả mạo Bộ Y tế; 141 bài viết đưa tin xuyên tạc về tình hình dịch bệnh và virus Corona (thông tin sai về dịch Covid-19 gỡ 100%).

Đối với Google, tỷ lệ chặn gỡ nội dung vi phạm đạt 90%. Từ năm 2017 đến tháng 9-2020, YouTube cũng ngăn chặn và gỡ bỏ 24.617 video vi phạm (riêng 9 tháng đầu năm 2020 gỡ 10.877 video). Từ tháng 7-2019 đến hết tháng 9-2020, Google ngăn chặn truy cập từ Việt Nam vào 24/62 kênh Youtube phản động thường xuyên đăng tải nội dung chống phá Nhà nước Việt Nam (chứa 11.212 video clip vi phạm). AppStore đã phối hợp để yêu cầu các nhà phát hành các ứng dụng trên AppStore phải xin phép theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam. Nền tảng phân phối kỹ thuật số này cũng gỡ 28 game không phép, game có nội dung vi phạm theo yêu cầu của Bộ TTTT.

Đánh giá chung, ông Hùng cho biết, tỷ lệ thực hiện việc ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin xấu độc, tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước lên mức cao nhất từ trước đến nay. Đặc biệt, theo yêu cầu của Bộ TTTT, Facebook đã đồng ý chặn các quảng cáo chính trị từ các fanpage, tài khoản của các tổ chức phản động, khủng bố.

Liên quan đến việc chấn chỉnh hoạt động quảng cáo trên môi trường mạng, báo chí, người đứng đầu ngành TTTT chia sẻ, từ năm 2018 đến nay, Google đã ngăn chặn hơn 7.000 video clip vi phạm, 2.444 link rao bán, quảng cáo các sản phẩm, dịch vụ bất hợp pháp. Google cũng cam kết không chia sẻ doanh thu quảng cáo cho các nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam khi được Bộ Thông tin và Truyền thông thông báo.

Cho rằng giải pháp kỹ thuật hiện có chưa cho phép tách riêng nội dung vi phạm trên Facebook và Youtube để chặn mà chỉ có thể chặn toàn bộ website vi phạm, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, trong nhiều trường hợp cần cân nhắc nếu áp dụng việc chặn triệt để sẽ gây phản ứng của dư luận trong nước. Khó khăn hiện nay, theo ông Hùng là các đối tượng phát tán thông tin thường xuyên tận dụng những thay đổi, những bước phát triển mới về công nghệ để cải tiến các hình thức phát tán thông tin.

Thêm nữa, công tác cung cấp thông tin về một số vụ việc nhạy cảm, phức tạp của một số bộ, ngành, địa phương còn chưa chủ động, chưa kịp thời, gây khó khăn cho việc đấu tranh bác bỏ các trường hợp tung tin giả trên mạng xã hội. Các cơ quan quản lý Nhà nước gặp nhiều khó khăn khi yêu cầu doanh nghiệp xuyên biên giới tuân thủ luật pháp Việt Nam do sự can thiệp, tạo áp lực của các tổ chức nước ngoài, đại sứ quán.

Do đó, bên cạnh các giải pháp đang thực hiện như đấu tranh về pháp lý, truyền thông, kỹ thuật nhằm yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ xuyên biên giới trong việc xác định danh tính người sử dụng dịch vụ, xử lý các thông tin sai sự thật, thông tin xấu, độc, thông tin mạo danh, tin giả, Bộ TTTT sẽ tăng cường công tác cung cấp thông tin, tuyên truyền văn hóa, đạo đức xã hội lành mạnh để từng người sử dụng trong nước có đủ “sức đề kháng” trước những thông tin sai sự thật, vi phạm pháp luật trên môi trường mạng. Cùng với đó, cơ quan này cam kết tăng cường phát hiện, xử lý các đối tượng trong nước cung cấp thông tin vi phạm pháp luật trên mạng Internet.

Nỗ lực duy trì không gian mạng lành mạnh, an toàn

Ngày 7-10, Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về An ninh mạng lần thứ 5 (AMCC-5) do Singapore chủ trì đã diễn ra theo hình thức trực tuyến. Đoàn Việt Nam do Trung tướng Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ Công an làm Trưởng đoàn.

Bộ trưởng Truyền thông và Thông tin, kiêm Bộ trưởng phụ trách An ninh mạng Singapore S. Iswaran nhấn mạnh, bất chấp những thiệt hại kinh tế đáng kể do COVID-19 gây ra, khu vực Đông Nam Á vẫn duy trì vị trí ổn định để tận dụng sự phát triển của công nghệ số. Song, nền tảng kinh tế kỹ thuật số phát triển cũng khởi tạo những mối đe dọa âm thầm mang tên “tấn công mạng”. Do đó, điều quan trọng hơn bao giờ hết đối với ASEAN lúc này là cùng nhau giải quyết thách thức an ninh mạng một cách tổng thể, bền vững trên tinh thần cùng phối hợp.

Trung tướng Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ Công an chia sẻ, Việt Nam nhận thấy sự cần thiết và tầm quan trọng của việc xây dựng các quy tắc ứng xử có trách nhiệm trên không gian mạng nhằm góp phần duy trì một không gian mạng lành mạnh, an toàn và giúp cho việc bảo đảm an ninh, an toàn thông tin hiệu quả hơn, nhất là khi thế giới và khu vực đang chứng kiến sự thay đổi to lớn của quá trình chuyển đổi kỹ thuật số trong thời kỳ dịch bệnh Covid-19.

Chính phủ Việt Nam đã giao Bộ Công an chủ trì xây dựng, hoàn thiện khuôn khổ pháp luật về an ninh mạng theo hướng phù hợp với các tiêu chuẩn, chuẩn mực của khu vực và quốc tế, tạo thuận lợi cho công tác bảo đảm an ninh mạng, phòng, chống tội phạm mạng tại Việt Nam cũng như quá trình hợp tác quốc tế để duy trì hòa bình, ổn định trên không gian mạng…

Bộ Công an Việt Nam cũng đã chú trọng tăng cường tiềm lực an ninh mạng để bảo vệ các hạ tầng thông tin trọng yếu thông qua việc đẩy mạnh đào tạo, nâng cao trình độ, năng lực cho lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng; nghiên cứu, phát triển, ứng dụng các phần mềm, thiết bị công nghệ hiện đại phục vụ cho công tác bảo vệ cơ sở hạ tầng thông tin trọng yếu; tăng cường chia sẻ kinh nghiệm, hợp tác quốc tế với các nước trong khu vực và quốc tế để kịp thời ứng phó với các sự cố tấn công vào các cơ sở hạ tầng thông tin này.

(Theo CAO)

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều