Thấy gì khi Châu Âu đáp trả cứng rắn lời dọa rút của Facebook?
Mới đây, Facebook đã dọa rút khỏi thị trường Châu Âu nhằm “dằn mặt” chính sách yêu cầu dữ liệu cá nhân chỉ đặt ở châu Âu. Tuy nhiên, Facebook đã nhận về những lời đáp trả cứng rắn cùng quan điểm mạnh mẽ của Châu Âu trong vấn đề bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Cụ thể, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire đã thẳng thắn đáp trả Facebook rằng: “Những lời dọa nạt như thế này sẽ vô nghĩa với chúng tôi”. Sở dĩ, Châu Âu tỏ rõ thái độ kiên quyết như vậy, chính vì họ lo ngại dữ liệu cá nhân của công dân bị xâm phạm.
Vụ lùm xùm giữa Facebook và Châu Âu có điểm tương đồng khi Luật An ninh mạng được ban hành ở Việt Nam. Khi ấy, có rất nhiều người đã phản đối Luật An ninh mạng, kêu gọi phương Tây phản đối luật này. Điển hình các tổ chức Phóng viên Không Biên giới RSF, Ân xá Quốc tế AI, tổ chức Nhân quyền HRW và một nhóm nghị viên Châu Âu đã công khai phản đối Luật An ninh mạng Việt Nam.
Thậm chí còn có thông tin xuyên tạc “Luật An ninh mạng gây cản trở khiến Facebook, Google rút khỏi Việt Nam”. Nhưng kỳ thực đến nay, Facebook vẫn hoạt động bình thường, thậm chí số lượng người Việt sử dụng Facebook đã hơn 60 triệu, doanh thu hàng trăm triệu USD mỗi năm. Facebook cũng dần tạo được thói quen và nhiệt tình hỗ trợ Việt Nam ngăn chặn thông tin xấu độc, bảo vệ không gian mạng trong sạch cho người dùng.
Không chỉ Việt Nam mà hiện đã có 18 quốc gia trên thế giới quy định phải lưu trữ dữ liệu ở trong nước, như Mỹ, Canada, Liên bang Nga, Argentina, Brazil, Trung Quốc, Australia, Indonesia,… và cả một số cường quốc Tây như Đức, Pháp. Thế nên, đã bước vào cuộc chơi công nghệ ở mỗi quốc gia thì các ông chủ công nghệ cũng nên tuân thủ luật chơi để duy trì và gặt hái lợi ích khổng lồ.
Đặng Trường