+
Aa
-
like
comment

F0 tự điều trị tại nhà sẽ được cấp thẻ xanh Covid-19 như thế nào?

12/09/2021 13:04

Những người xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 và tự điều trị tại nhà đối mặt với nỗi lo về điều kiện cấp thẻ xanh để ra đường sau ngày 15/9.

Nếu điều trị tại bệnh viện hoặc khu cách ly, sau khi xuất viện, F0 sẽ được cấp giấy xác nhận từ cơ sở y tế hoặc địa phương.

Tuy nhiên, với những trường hợp thuộc diện được quản lý và điều trị tại nhà hoặc tự test nhanh và điều trị ở nơi sinh sống, địa phương chưa tiếp nhận danh sách, việc cấp giấy xác nhận này không dễ dàng.

Hoang mang sau khi khỏi bệnh

Chị L.N.V. (28 tuổi, TP Thủ Đức) tự test nhanh dương tính với SARS-CoV-2. Nhận thấy sức khỏe bản thân bình thường và không có triệu chứng, chị V. chọn cách tự mua toa thuốc A trong hướng dẫn của Sở Y tế TP.HCM và ở nhà.

Sau một tuần, chị test nhanh cho kết quả âm tính nhiều lần liên tiếp. Nữ nhân viên văn phòng yên tâm rời khỏi phòng cách ly nơi mình ở.

Tuy nhiên, sau khi thành phố lên phương án cấp thẻ xanh Covid-19 cho những người tiêm đủ liều vaccine và F0 đã khỏi bệnh, chị V. mới gọi lên phường để thông báo tình trạng.

chung nhan cho F0 dieu tri tai nha anh 1
Ngươi dân xuất trình giấy xác nhận tiêm vaccine và kết quả xét nghiệm âm tính khi ra đường. Hình ảnh được ghi nhận trong ngày đầu kiểm soát “thẻ thông hành vaccine” tại TP Thủ Dầu Một, Bình Dương.  

Ông L.B.H. (quận Bình Thạnh) cũng chia sẻ với chúng tôi trong sự hoang mang vì không rõ thông tin tự điều trị khỏi Covid-19 của ông đã được phường tiếp nhận hay chưa.

“Trước đó, tôi tự xét nghiệm tại nhà, kết quả dương tính với virus gây bệnh Covid-19. Sau nhiều tuần, tôi tự uống thuốc chữa trị khỏi bệnh. Hiện tôi không rõ thông tin của mình sẽ được cập nhật theo cách nào để đủ điều kiện có thẻ xanh sau ngày 15/9”, ông H. chia sẻ.

Chị T.T. (ngụ TP.HCM) cho biết bản thân là F0 và đã tự điều trị khỏi bệnh đã hơn một tháng. Tuy nhiên, sau khi nghe công ty thông báo nhân viên phải tiêm ít nhất một mũi vaccine thì mới được đi làm, chị T. rơi vào hoang mang.

“Người khỏi Covid-19 phải chờ 6 tháng sau mới được tiêm vaccine. Nhưng công ty buộc phải có tiêm ít nhất một mũi. Tôi hoang mang không biết xin giấy xác nhận là F0 từ đâu. Thành phố còn nhiều người vẫn chưa được tiêm mũi 1 nên tôi không thể đăng ký tiêm được, trong khi bản thân vốn đã an toàn vì có kháng thể”, chị T. chia sẻ.

Địa phương chờ hướng dẫn

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Phi Long, Chủ tịch UBND quận 11 (TP.HCM), cho biết tất cả F0 tại quận 11 được quản lý theo từng trạm y tế tại mỗi phường. Các trạm y tế sẽ lên danh sách và cập nhật thường xuyên các F0 đang điều trị, F0 đã khỏi bệnh.

Tuy nhiên, về việc cấp giấy chứng nhận để xác định F0 khỏi bệnh thì địa phương này chưa được hướng dẫn cụ thể.

“Người tiêm vaccine và F0 xuất viện sau thời gian điều trị tại bệnh viện đã được tự động cập nhật lên hệ thống. Nhưng nhóm F0 tại nhà thì chưa có hướng dẫn cụ thể, dù vậy, chúng tôi đã quản lý được danh sách các F0 điều trị tại nhà và khỏi bệnh. Khi có hướng dẫn, việc cập nhật sẽ rất dễ dàng”, ông Long cho biết.

chung nhan cho F0 dieu tri tai nha anh 2
Nhân viên y tế đến tận nhà kiểm tra sức khỏe và cấp túi thuốc cho F0 ở quận Phú Nhuận. 

Hiện tại, địa bàn quận 11 có hơn 6.200 F0 điều trị tại nhà đã được khám và cấp thuốc. Trong số này có nhiều người đã khỏi bệnh. Quận 11 quản lý danh sách F0 theo lộ trình: Nhân viên y tế thăm khám F0 mỗi 2 ngày/lần, test nhanh SARS-CoV-2 ngày thứ 7 và thứ 14.

Bác sĩ chuyên khoa II Dương Văn Chiến, Giám đốc Trung tâm Y tế quận Phú Nhuận, cho biết tại địa phương này, người có test nhanh dương tính đều được xét nghiệm lại bằng rRT-PCR và có quyết định cách ly tại nhà.

Những trường hợp cách ly đủ 14 ngày, có xét nghiệm âm tính xem như hoàn tất điều trị, địa phương sẽ có quyết định hoàn thành cách ly.

“Trường hợp giấu thông tin và tự điều trị bệnh, không thông báo với địa phương để thống kê thì địa phương không thể quản lý được. Những người này phải tự làm xét nghiệm kháng thể để chứng minh bởi F0 khỏi bệnh thì cơ thể sẽ có kháng thể”, bác sĩ Chiến cho biết.

‘Cần sớm có hướng dẫn về xét nghiệm kháng thể’

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, nguyên trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), cho biết: “Bộ Y tế và Sở Y tế TP.HCM cần sớm có hướng dẫn để chứng nhận cho F0 điều trị tại nhà hoặc có hướng xử lý phù hợp”.

Chuyên gia này cho rằng thành phố có không ít những F0 tự trị tại nhà không báo với cơ quan y tế để thống kê, có người đã thông báo nhưng chưa được địa phương tiếp nhận thông tin. Thậm chí, có hoang mang không biết bản thân đã được địa phương quản lý hay chưa.

Về mặt giấy tờ, có thể họ vẫn là người chưa bệnh. Vấn đề này cần được Sở Y tế và Bộ Y Tế nghiên cứu kỹ.

chung nhan cho F0 dieu tri tai nha anh 3
Nhân viên y tế ở Hà Nội lấy mẫu máu để xét nghiệm kháng thể cho người dân trong đợt bùng phát dịch hồi tháng 4/2020. 

Theo bác sĩ Khanh, F0 khỏi bệnh chưa được cập nhật danh sách có thể làm xét nghiệm kháng thể.

Tuy nhiên, nhà quản lý cần có hướng dẫn rõ nơi nào được xét nghiệm kháng thể và cơ sở này phải cập nhật dữ liệu lên cổng thông tin Quốc gia, tương tự người có xét nghiệm rRT-PCR dương tính. Những trường hợp này cũng cần được cấp giấy chứng nhận vì cơ bản họ có độ an toàn ở mức tương tự hoặc cao hơn cả người tiêm đủ 2 liều vaccine.

“Hiện nay, xét nghiệm kháng thể rất nhanh và đơn giản nhưng phải có hướng dẫn cụ thể từ ngành y tế”, bác sĩ Khanh nói.

Bác sĩ chuyên khoa I Phạm Hữu Tiến, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện quận Bình Thạnh, cho rằng việc xét nghiệm kháng thể cho F0 khỏi bệnh cần có tiêu chuẩn thống nhất về loại xét nghiệm, kỹ thuật thực hiện, ngưỡng, cơ sở được cấp phép…

“Nếu không quy định rõ ràng về xét nghiệm kháng thể, sẽ có rất nhiều vấn đề phát sinh vì người dân không biết nơi nào để xét nghiệm. Về kỹ thuật và máy móc xét nghiệm hiện nay không khó, chi phí cũng không quá cao”, bác sĩ Tiến cho biết.

Xét nghiệm kháng thể là phương pháp giúp xác định được một người từng nhiễm SARS-CoV-2 hay không. Người nghi ngờ sẽ được lấy mẫu máu để tìm kiếm sự hiện diện hay vắng mặt của kháng thể IgM và IgG đặc hiệu cho SARS-CoV-2 trong mẫu máu. Nếu có sự hiện diện của kháng thể đặc hiệu, nghĩa là người này từng nhiễm virus SARS-CoV-2.

Theo TS.BS Trần Thành Vinh, Trưởng khoa Sinh hóa, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), phương pháp xét nghiệm kháng thể giúp xác định được khả năng đáp ứng của cơ thể sau khi tiêm vaccine và hỗ trợ chẩn đoán Covid-19.

Phương pháp xét nghiệm định lượng để tìm ra kháng thể kết hợp kháng SARS-CoV-2 chưa được phổ biến rộng rãi. Bộ Y tế chưa có quy định cụ thể chi phí xét nghiệm. Hiện tại, Bệnh viện Chợ Rẫy và một số bệnh viện lớn tại TP.HCM có thực hiện xét nghiệm này.

Bích Huệ

Bài mới
Đọc nhiều