F0 tăng lên từng ngày, Hà Nội ứng phó ra sao?
Tình hình dịch Covid-19 tại Hà Nội ngày càng phức tạp, các chuyên gia dự báo F0 sẽ tiếp tục tăng trong những ngày tới, vậy Hà Nội đang và sẽ làm gì để kiểm soát dịch?
Từ 1 đến 10/11, Hà Nội ghi nhận 965 ca dương tính SARS-CoV-2, trong đó 459 người trong cộng đồng. Điều đáng nói, số ca nhiễm 9 ngày qua ở thủ đô cao gấp hơn 2 lần so với tổng số ca mắc được phát hiện trong tháng 10/2021 (424 ca, 88 ca cộng đồng).
Bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, thành phố liên tục phát sinh những ca F0 cộng đồng, không rõ nguồn lây, đặc biệt vào ngày 9/11 với 222 trường hợp, 105 ca cộng đồng. Dự báo tình hình dịch bệnh của Hà Nội diễn biến phức tạp và khó lường. Hà Nội sẽ tiếp tục có những điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch, các biện pháp cách ly đảm bảo vừa thực hiện đúng các quy định tại Nghị quyết 128, vừa phù hợp thích ứng linh hoạt với tình hình cụ thể của địa phương.
Một lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội cũng nhận định, F0 sẽ tiếp tục tăng trong những ngày tới. Bởi hiện còn nhiều chùm ca bệnh rải rác ở nhiều quận huyện, cũng như các ca tại cộng đồng. Hà Nội đang có 12 ổ dịch/chùm ca bệnh phức tạp và vẫn tiếp tục ghi nhận F0. Tất cả ổ dịch đều được khoanh vùng, xử lý, tăng cường, giám sát.
Hà Nội sẽ xử lý ổ dịch theo nguyên tắc nguy cơ đến đâu, khoanh đến đấy. Hà Nội sẽ không giãn cách, phong tỏa diện rộng như trước đây. Các biện pháp chống dịch sẽ căn cứ theo đánh giá cấp độ dịch được Chính phủ quy định. Bên cạnh đó, với từng khu vực, thành phố sẽ có sự điều chỉnh linh hoạt.
Nhiều chuyên gia bày tỏ, không chỉ Hà Nội và cả nước đang từng bước triển khai thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh, kiểm soát dịch hiệu quả. Vì vậy chúng ta không cần quan tâm mỗi ngày bao nhiêu ca COVID-19, mà cần biết số ca nhập viện, ca nặng hay tử vong đã giảm nhiều.
Theo ông Nguyễn Huy Nga, Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), dịch bệnh ở Hà Nội hiện phức tạp hơn, số ca bệnh tăng lên. Điều này cho thấy thành phố còn nhiều ca dương tính lẩn khuất trong cộng đồng. Nếu không thực hiện tốt biện pháp 5K, tiêm vaccine COVID-19 thì có thể lây nhiễm diện rộng. Nguyên nhân F0 tăng, theo ông là do lượng người đi từ các tỉnh miền Nam, tỉnh có dịch về Hà Nội nhiều. Mặt khác, thời tiết Hà Nội đang bước vào mùa đông, đây là thời điểm dịch xu hướng tăng mạnh hơn, do mọi người thường tập trung trong nhà, ở khu kín, không khí không thông thoáng như mùa hè.
Để hạn chế dịch lây nhiễm, chuyên gia khuyến cáo người dân, kể cả người đã tiêm chủng đầy đủ cần tuân thủ biện pháp phòng ngừa 5K, đeo khẩu trang, thực hiện giãn cách, tránh nơi đông người và không gian kín, rửa tay thường xuyên để đảm bảo an toàn.
PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam (Bộ Y tế) cho biết, hiện nay người dân còn chủ quan trong sinh hoạt cộng đồng như đi ăn hàng, ăn quán không thực hiện 5K. Bản thân các nhà hàng, quán ăn cũng không thực hiện đúng quy định phòng, chống dịch. Sự kiện khai trương tàu điện trên cao cách đây ít ngày là ví dụ điển hình của việc người dân chủ quan, lơ là.
Ông đề nghị chính quyền phải quyết liệt, nhận thức rõ những trách nhiệm và thực hiện nghiêm các quy định trong phòng chống dịch. Chúng ta tiêm vaccine cho người dân nhưng không vì thế mà buông xuôi thả lỏng, để không phải giãn cách. Tuy vậy, vẫn cần thực hiện tiêm vaccine + 5K để đảm bảo chung sống an toàn với dịch.
Trả lời VOV trước đó, ông Phu nhấn mạnh đến một trong những điểm quan trọng là chúng ta không được phong tỏa quá rộng, gây ảnh hưởng tới kinh tế và an sinh xã hội của người dân. Dù vậy cũng không được buông lỏng, mà cần đánh giá nguy cơ dịch đến đâu, phong tỏa đến đó. Phong tỏa để vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế và an sinh xã hội cho người dân.
Trong chống dịch, càng phát hiện ca bệnh sớm càng tốt, quây ổ dịch càng nhỏ càng tốt. Chúng ta vẫn phải thực hiện các công việc như truy vết, có ổ dịch nào vẫn phải phong tỏa, có các biện pháp dập dịch, phong tỏa diện hẹp nhất có thể, phong tỏa theo nguy cơ không để ảnh hưởng đến kinh tế xã hội. Không vì dịch mà cấm đi lại của người dân.
TS Nguyễn Việt Hùng, Phó Chủ tịch Hội Kiểm Soát Nhiễm Khuẩn Hà Nội cho rằng, dù Hà Nội là thành phố tập trung đông người nhưng có thuận lợi vì đa số được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine, tỉ lệ tiêm mũi 2 khá cao, khoảng 50-60%. Người dân cần tuân thủ tốt biện pháp phòng dịch. Đồng thời, chính quyền cần tăng cường kiểm soát các sự kiện tập trung đông người, hội nghị, hội thảo. Khi có F0 phải truy vết nghiêm túc để tổ chức cách ly.
Hà Nội cần cố gắng trong tháng 11 và 12 bao phủ 2 mũi vaccine, kiểm soát chặt những khu vực tập trung đông người. Đồng thời, thủ đô cần tăng cường kiểm tra, nhắc nhở xử phạt các cơ sở vi phạm; tổ chức những đoàn liên ngành đi kiểm tra để xử lý các vi phạm.
Hà Nội sẽ cách ly F1 tại nhà?
Các chuyên gia đề xuất Hà Nội nên mạnh dạn cho người dân thực hiện cách ly tại nhà trừ những trường hợp đặc biệt họ không muốn cách ly tại nhà mà muốn đi cách ly tập trung. Đối với những trường hợp có nguyện vọng muốn cách ly tại nhà, phải có khảo sát điều kiện của họ.
Liên quan vấn đề này, tham gia tranh luận tại phiên họp Quốc hội sáng 10/11, đại biểu Trần Thị Nhị Hà – Giám đốc Sở Y tế Hà Nội nêu, theo quy định tại Nghị quyết 28, Quyết định 4800 và các văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế phụ thuộc vào diễn biến tình hình dịch bệnh, năng lực y tế, năng lực triển khai các khu cách ly tập trung, xem xét các điều kiện cách ly tại nhà, từng địa phương sẽ chủ động đưa ra các giải pháp phù hợp về công tác phòng, chống dịch bệnh, với mục đích là đảm bảo an toàn sức khỏe tốt nhất cho người dân và phòng chống sự lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.
Hà Nội luôn thực hiện nghiêm túc sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế về việc thực hiện công tác phòng, chống dịch, đặc biệt là công tác cách ly, điều tra truy vết, quản lý người đi từ vùng có dịch về và quản lý cách ly F1. Trên cơ sở diễn biến tình hình dịch bệnh, Hà Nội tiếp tục có những điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch, các biện pháp cách ly đảm bảo vừa thực hiện đúng các quy định tại Nghị quyết 128, vừa phù hợp thích ứng linh hoạt với tình hình cụ thể của địa phương.
Trần Khải