+
Aa
-
like
comment

F0 tăng cao, tại sao Hà Nội không thể “đóng cửa”?

16/12/2021 18:37

F0 tăng cao, tình hình dịch bệnh phức tạp, tại sao Hà Nội không thể “đóng cửa” như chỉ thị 15, 16. Các chuyên gia giải thích.

Hà Nội không cần thiết phải đóng cửa như Chỉ thị 15, 16.

“Siết” các giải pháp “ít hiệu quả” trong giai đoạn hiện nay

Từ đầu đợt dịch thứ tư đến hết ngày 15/12, TP Hà Nội đã ghi nhận tổng số trên 21.000 ca Covid-19, trong đó riêng từ thởi điểm áp dụng “Thích ứng an toàn” theo Chỉ thị 128 (ngày 11/10) đã có thêm trên 17.000 F0 . Số nhiễm có xu hướng tăng mạnh, 1 tuần gần đây trung bình mỗi ngày phát hiện gần 900 F0 mới.

Đỉnh điểm, ngày 15/12, Sở Y tế Hà Nội công bố tới 1.357 ca Covid-19 mới với 611 ca cộng đồng, là con số kỷ lục của Hà Nội, vượt cả tâm dịch TP.HCM về số mắc trong ngày.

Trước những diễn biến phức tạp về tình hình dịch bệnh, một số ý kiến cho rằng Thủ đô nên dừng thực hiện “Thích ứng an toàn”, siết chặt trở lại các giải pháp chống dịch như Chỉ thị 15, 16.

Trao đổi với VietNamNet về vấn đề trên, PGS.TS. Nguyễn Việt Hùng, Phó Chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn Hà Nội cho rằng, giải pháp “siết lại” như giai đoạn trước là “không cần thiết và không hiệu quả” trong thực tế hiện nay. PGS phân tích, áp dụng giãn cách xã hội trở lại không thể giúp loại bỏ hoàn toàn sự lây lan hay khống chế được dịch bệnh.

“Mầm bệnh Covid-19 đã âm thầm lây lan trong cộng đồng lâu nay. Dù giãn cách thì các thành viên trong gia đình vẫn gặp nhau hàng ngày, người dân vẫn phải đi chợ và đi làm, sự tiếp xúc giữa người này với người kia là không thể tránh. Nếu còn ca bệnh chưa được phát hiện, virus sẽ tiếp tục lây cho người khác. Chưa kể giao thương hàng hóa, đi lại giữa Hà Nội với các tỉnh thành vẫn diễn ra hàng ngày, mầm bệnh từ nơi khác có thể xâm nhập”, PGS Hùng cho hay.

Ông nhấn mạnh, dù tuân thủ tốt các biện pháp phòng vệ cá nhân thì người dân vẫn có khả năng nhiễm bệnh nếu sơ suất vì chủng Delta rất dễ lây nhiễm. Thực tế, thời gian vừa qua, nhiều tỉnh thành, trong đó có TP.HCM và chính Hà Nội đã “siết”, giãn cách hàng tháng trời nhưng số ca nhiễm vẫn tăng, không thể loại bỏ dịch bệnh.

Bên cạnh đó, theo PGS Hùng, tiêu chí cần quan tâm nhất là tỷ lệ nặng và tử vong của F0 có cao không, thay vì chú ý tới tổng số ca nhiễm. Hiện nay, đa số người dân Hà Nội đã được tiêm vắc xin Covid-19 và tỷ lệ nặng cũng không lớn nếu so sánh với TP.HCM giai đoạn “cao điểm”.

“Việc siết chặt các giải pháp chống dịch gây thiệt hại rất nhiều tới đời sống, kinh tế của người dân, doanh nghiệp, và thực tế cũng không mang lại hiệu quả loại trừ dịch bệnh”, PGS Hùng nhận định.

Ông đưa ra dẫn chứng, quận Đống Đa ở Hà Nội đang có nhiều giải pháp “siết lại” để giảm ca nhiễm như yêu cầu nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, giải khát chỉ được phép bán hàng mang về, đóng cửa trước 21h hàng ngày. Tuy nhiên, người dân quận này hoàn toàn có thể sang quận khác ăn uống, mua bán, như vậy không những không hiệu quả mà còn có thể làm tăng khả năng lây lan.

PGS Hùng nhấn mạnh, khi F0 tăng, thay vì loay hoay tìm cách “siết”, quan trọng nhất là phải có giải pháp để tỷ lệ nặng và tử vong thấp, giảm quá tải cho ngành y tế và các bệnh viện.

Giải pháp đáp ứng số nhiễm tăng cao, giảm F0 nặng

Theo PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, giải pháp đầu tiên mà Hà Nội cần đẩy nhanh là vận động, thuyết phục người dân, đặc biệt là người tuổi cao, bệnh lý nền chưa được tiêm vắc xin Covid-19 đi tiêm chủng ngay. Đây là nhóm đối tượng có nguy cơ mắc nặng, tử vong cao, nếu chưa tiêm sẽ rất nguy hiểm.

Thực tế, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương mới đây cho biết, đa số F0 nặng, nguy kịch đang điều trị là bệnh nhân cao tuổi, có nhiều bệnh lý nền như suy thận mạn, tiểu đường, huyết áp, HIV,… hoặc thuộc đối tượng phụ nữ có thai, sức đề kháng kém. Các bệnh nhân hầu hết chưa tiêm vắc xin, mới tiêm 1 mũi hoặc tiêm 2 mũi nhưng chưa đủ thời gian có kháng thể.

Thống kê tại Bệnh viện Dã chiến điều trị Covid-19 đa tầng quận Tân Bình, TP.HCM cũng cho thấy, nhóm bệnh nhân tử vong tại đây có độ tuổi trung bình khá cao và mắc nhiều bệnh lý nền. Riêng từ ngày 1/11 đến ngày 28/11, chỉ có 36,8% bệnh nhân tử vong được tiêm vắc xin 1 hoặc 2 mũi, số còn lại chưa tiêm phòng. Đáng chú ý, có 1 trường hợp trẻ tuổi, mắc bệnh nền nhưng theo trường phái không tiêm vắc xin cũng diễn tiến nặng và tử vong.

Giải pháp thứ 2, theo PGS Hùng, cần tổ chức thu dung, điều trị người bị nhiễm một cách hợp lý, hiệu quả, đặc biệt chú trọng tới “tầng 1” trong tháp điều trị. Hiện nay, Hà Nội đang cho F0 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ điều trị tại nhà, F0 diễn tiến nặng hoặc nguy cơ diễn tiến nặng (người cao tuổi, bệnh nền) được chuyển tới bệnh viện theo dõi.

PGS Hùng nhất mạnh, việc tổ chức tốt “tầng 1”, chăm sóc, điều trị tốt cho nhóm F0 điều trị tại nhà đóng vai trò tiên quyết, bởi nhóm này chiếm tới 70-80% tổng số bệnh nhân. “Tổ chức tầng 1 không tốt sẽ dẫn tới tầng 2 bị “loạn”, quá tải, số F0 nặng tăng nhanh chóng. Hậu quả là tầng 3 cũng quá tải hoặc khi lên tới Trung tâm hồi sức thì bệnh nhân đã quá nặng, không thể cứu chữa”, PGS Hùng nhận định.

Đóng cửa để chống dịch giai đoạn này là không hiệu quả
Tổ chức tốt tầng 1 trong tháp điều trị sẽ giúp giảm bớt gánh nặng, quá tải cho tầng 2 và tầng 3 Ảnh chụp tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương ngày 7/12 (Ảnh: Tố Linh)

Theo PGS, để điều trị F0 tại nhà phát huy hiệu quả, mỗi người dân cần chủ động lập phương án về nơi cách ly, hậu cần, thuốc men (thuốc hạ sốt, vitamin)… phòng tình huống bản thân, gia đình nhiễm Covid-19.

Rộng hơn, từng tòa nhà, khu nhà, tổ dân phố nên hỗ trợ người dân xác định trước trường hợp nào đủ điều kiện cách ly tại nhà để sẵn sàng đáp ứng khi có F0. “Nếu có ca nhiễm rồi mới chờ y tế, chính quyền tới khảo sát thì sẽ rất mất thời gian, thậm chí có nguy cơ làm lây lan dịch bệnh do phải chờ đợi chính quyền ra quyết định hình thức cách ly tại nhà hay tập trung”, PGS Hùng nói.

Quan trọng nhất, ngành y tế cùng chính quyền cơ sở phải có phương án đảm bảo chăm sóc y tế cho người dân như chuẩn bị và phát đủ các túi thuốc, giải đáp thắc mắc, hướng dẫn, thăm khám cho F0 khi họ cần hỗ trợ. Bên cạnh có, đảm bảo đáp ứng vận chuyển, thu dung bệnh nhân nếu họ chuyển nặng. Trên hết, chính quyền TP cần chỉ đạo quyết liệt, nhất quán việc tổ chức cách ly, điều trị F0 tại nhà đảm bảo an toàn, hiệu quả.

Thực tế hiện nay, y tế tuyến phường ở Hà Nội kiêm nhiệm rất nhiều công việc như chăm sóc, thăm khám cho F0 điều trị tại nhà, tiêm vắc xin Covid-19, lấy mẫu trường hợp ho sốt cộng đồng, khoanh vùng xử lý ca nhiễm mới, quản lý F1 cách ly tại nhà, giải đáp, tư vấn thắc mắc cho bà con; xử lý, thu gom chất thải, rác thải y tế,… Điều này khiến nhân viên y tế phường bắt đầu có hiện tượng quá tải, F0 cũng không được quản lý, chăm sóc tốt nhất.

PGS.TS Nguyễn Việt Hùng cho rằng, Hà Nội nên nhanh chóng tăng cường nhân lực cho y tế phường, có thể kêu gọi các bệnh viện tư nhân, nhà thuốc, các thầy thuốc nghỉ hưu, tình nguyện viên,… tham gia hỗ trợ. Đồng thời, phân chia đầu việc rõ ràng để lực lượng y tế phường không phải cùng lúc đảm đương quá nhiều nhiệm vụ.

“Ví dụ, vấn đề giám sát và hướng dẫn cách ly, hậu cần cho F0, khoanh vùng,… có thể giao cho lực lượng khác như tổ dân phố, tổ Covid-19 cộng đồng. Vấn đề giải đáp, tư vấn bệnh cho F0 nên huy động nhóm y bác sĩ, dược sĩ có kinh nghiệm đã nghỉ hưu hoặc nhân viên y tế các phòng khám tư trên địa bàn tham gia”, PGS Hùng nêu ý kiến.

Ông nhấn mạnh, khi số nhiễm lớn, điều rất quan trọng là phải có nhiều kênh thông tin, liên lạc thường trực 24/24, giao trách nhiệm rõ ràng để người bệnh có thể xin tư vấn từ xa, yêu cầu hỗ trợ khi cần.

“Dù có triển khai biện pháp nào thì việc đảm bảo đời sống sinh hoạt, sức khỏe, tính mạng người dân vẫn phải đặt lên hàng đầu. Nếu để bệnh nhân ở nhà mà gọi đến mấy tiếng đồng hồ vẫn không được giải đáp thì không ổn. Khi mắc bệnh, tâm lý họ rất lo lắng, cần sự tư vấn chính thức”, PGS Hùng chia sẻ.

Về vấn đề triển khai trạm y tế lưu động để điều trị tập trung F0, PGS Hùng nêu quan điểm, các đơn vị này chỉ nên nhận nhiệm vụ thu dung, cấp cứu ban đầu những F0 điều trị tại nhà trở nặng (có biểu hiện khó thở, sốt cao…). Đặc biệt, trạm y tế lưu động phải được bố trí đủ nhân lực, tránh trường hợp một vài nhân viên y tế chăm sóc cả trăm F0.

“Khi điều trị tập trung, cán bộ y tế không chỉ thăm khám mà còn phải lo về mặt hậu cần, chăm sóc hàng ngày cho người bệnh. Nếu số F0 quá lớn, trạm lưu động quá tải có thể dẫn đến “tác dụng ngược”, tức là bệnh nhân không được chăm sóc đầy đủ, thậm chí có nguy cơ tăng chuyển nặng. F0 nhẹ hoặc không triệu chứng tốt nhất là tự cách ly, theo dõi y tế tại nhà để tránh quá tải cho trạm y tế lưu động”, PGS Hùng nói.

Ngọc Hà

Bài mới
Đọc nhiều