F0 ở TP.HCM: ‘Tôi coi lần mắc bệnh này như đi nhập ngũ’
Ngoài tuân thủ hướng dẫn điều trị của bác sĩ, Ngọc Huyền tập thể dục, bổ sung nước thường xuyên. Hiện, cô đã khỏi bệnh, được xuất viện về nhà tự cách ly.
Ngày 28/6, công ty nơi Phan Thị Ngọc Huyền (sinh năm 1997) làm việc tại Khu chế xuất Tân Thuận (TP.HCM) phát hiện ca mắc Covid-19. Sau khi rà soát, Huyền nằm trong số nhân viên được xếp vào diện F1 và phải đi cách ly tập trung.
Sau khi lấy mẫu xét nghiệm, tối 2/7, cô được thông báo dương tính với virus SARS-CoV-2.
Nhiều lần nghe tới Covid-19, dù sợ, Huyền không nghĩ sẽ có một ngày mình trở thành người mắc căn bệnh này. Cô vừa tiêm xong mũi 1 vaccine AstraZeneca vào 20/6.
Sau thời gian đầu hoang mang, hoảng loạn, cô biết bản thân cần nhanh chóng lấy lại tinh thần để chuẩn bị cho “trận chiến” trước mắt.
Hành trình điều trịVì phòng cách ly chỉ có 2 người, sau khi Huyền nhiễm bệnh, người còn lại âm tính nên được chuyển sang phòng khác ngay lập tức. Đêm đầu tiên còn lại một mình, Huyền khóc rất nhiều.
“Lúc đó mình sợ lắm, lo rằng không biết có lỡ lây bệnh cho người nhà hay chưa. Mấy ngày ở khu cách ly, đợi chuyển qua bệnh viện dã chiến, mình không ngủ được, chỉ biết khóc”, cô gái 24 tuổi nói với Zing.
Ngày 5/7, Huyền được đưa tới Bệnh viện dã chiến số 1 điều trị, ở chung phòng với 3 bệnh nhân khác. Lúc này, cô bắt đầu có triệu chứng khó thở, mệt, nghẹt mũi. Đến hôm sau, tình trạng nghẹt mũi chuyển nặng, cô bắt đầu mất khứu giác, vị giác và bị tiêu chảy.
Vì chỉ quanh quẩn trong phòng và điều trị bệnh, Huyền quyết định phải làm gì đó để tự hỗ trợ bản thân. Dù mệt, cô cố gắng dậy sớm mỗi ngày để tập thể dục nhẹ, ăn sáng, uống nước chanh ấm rồi đánh răng.
Cô gái sinh năm 1997 cũng rửa tay thường xuyên hơn: sau khi đi vệ sinh, trước khi ăn hay đưa tay lên mặt. Đặc biệt, cô thường xuyên làm sạch điện thoại của mình. Bên cạnh đó, dù không ngon miệng, cô vẫn cố ăn, không để bụng đói và uống cùng nước ấm cho dễ nuốt.
“Nước ấm làm cổ họng bớt ngứa, khô nên mình duy trì uống thường xuyên kết hợp súc họng, vệ sinh răng miệng kỹ và bổ sung vitamin C. Ở khu điều trị, nước được phát cho mọi người uống dư dả luôn, không sợ thiếu, vì bác sĩ dặn uống nước nhiều. Riêng mình uống ngày 2 chai 1,5 lít”.
Mỗi ngày, các bệnh nhân như Huyền sẽ được bác sĩ thăm khám 2 lần, vào buổi sáng và tối. Cô kể được bác sĩ khuyên không nên dùng thuốc quá nhiều, tập trung tăng đề kháng và nhỏ mũi, mắt bằng nước muối.
“Buổi trưa, vì bệnh gây khó ngủ, mình tập thể dục, đi giặt đồ, tắm rửa, nói chung là hoạt động nhiều để tối dễ ngủ hơn”.
Hồi phụcSau khoảng một tuần tích cực như vậy, Huyền lấy lại được khứu giác, ăn uống ngon miệng hơn.
“Mình thường thèm trái cây, đồ ăn vặt nên nhờ người nhà gửi vào, thích gì ăn nấy, không kiêng khem”.
Ngày 22/7, sau 3 lần xét nghiệm âm tính với virus, Huyền chính thức được ra viện, trở về nhà tiếp tục tự cách ly thêm 14 ngày.
Hiện, cô ở phòng riêng, vật dụng sinh hoạt dùng tách biệt với các thành viên trong gia đình, sức khỏe ổn định.
Trước đó, do tiếp xúc gần vợ, chồng Huyền cũng được đưa đi cách ly và may mắn không nhiễm bệnh.
Sau trải nghiệm, Huyền coi đây như lần “đi nhập ngũ”, học được tính tự lập và biết yêu quý sức khỏe hơn.
“Ở nhà mình hay ‘tiểu thư’, cái gì cũng được mẹ lo nên đi cách ly một mình thấy sợ lắm. Nhưng từ viện trở về, mình siêng năng hẳn, biết cách chăm sóc bản thân hơn. Ở khu cách ly, mình cũng quen được nhiều bạn mới, hỗ trợ sức khỏe tinh thần của mình rất nhiều”.
Cô gái 24 tuổi cũng kết luận nếu rơi vào trạng thái tương tự, điều đầu tiên mọi người cần làm là phải thật bình tĩnh, không hoang mang và cố gắng lạc quan. Ngoài ra, nên tập thể dục nhẹ khoảng 30 phút mỗi ngày để cải thiện sức khỏe.
“Hồi trước nghe tới Covid-19 là sợ lắm và cũng không nghĩ nó đến với mình. Nhưng chỉ cần có niềm tin ở bác sĩ, ở bản thân, nhìn số người khỏi bệnh nhiều hơn ca tử vong, mình không còn sợ nữa và điều gì rồi cũng sẽ qua thôi”.
Mai An